Nhiều điểm bất hợp lý từ một phiên tòa

Thứ Năm, 04/03/2021 12:42  | Trung Hiếu

|

(CATP) Vụ kiện "tranh chấp chia tài sản (TS) chung sau khi ly hôn" rồi cả "tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)" đã diễn ra trong khi cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lợi của mình. Trải qua 2 phiên xét xử, dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng "nội tình" lại có nhiều điểm đáng suy xét.

BỖNG DƯNG MẤT ĐẤT?

Trong đơn khiếu nại gởi Báo CATP, ông Lê Văn Nam (SN 1958, ngụ Đồng Nai) tường trình, tháng 11-1981 ông sang nhượng của bà Lý Kim Lang nền đất khoảng 500m2 (thuộc khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) để cất nhà ở, giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng này đã được chính quyền địa phương sở tại xác nhận. Một năm sau đó, khi biết em gái là Lê Thị Túy Hoa kết hôn với ông Võ Văn Nhạn đang cần chỗ ở, ông đã cho hai vợ chồng dọn về mảnh đất trên sinh sống. Nhiều năm sau đó, ông Nhạn chuyển công tác nên thường xuyên ở lại đơn vị, em gái ông cùng các cháu vẫn tá túc trên phần đất này.

Năm 1989, vợ chồng bà Hoa mua được nhà, đất ở TP. Biên Hòa nên chuyển đi, mảnh đất trên được trả lại cho ông Nam. Tuy nhiên, tháng 4-2006, ông Nam bất ngờ nhận giấy mời của Văn phòng UBND thị trấn Long Thành "đề nghị gia đình đến Văn phòng UBND thị trấn lập thủ tục công nhận GCNQSDĐ đối với gần 1/2 diện tích đất nói trên cho ông Nhạn.

Dù ông Nam chưa từng ký bất cứ giấy tờ gì để tặng cho hay bán diện tích nào thuộc phần đất đã mua cho ai, vậy mà không hiểu bằng cách nào, ông Nhạn lại được UBND huyện Long Thành cấp GCNQSDĐ đối với hơn 221m2 đất? Sau thời gian khiếu nại ở UBND thị trấn Long Thành nhưng không được giải quyết, đầu năm 2007 ông Nam đã gửi đơn kiện đến TAND huyện Long Thành yêu cầu hủy giấy chứng nhận (GCN) số V268635 ngày 18-10-2002 mà UBND huyện này cấp cho ông Nhạn.

Đến ngày 26-8-2020, TAND huyện Long Thành thống nhất mở phiên tòa sơ thẩm vụ kiện gộp chung "Tranh chia TS chung sau ly hôn, tranh chấp chứng nhận QSDĐ, yêu cầu hủy GCNQSDĐ", trong đó nguyên đơn là ông Nhạn, bị đơn là bà Hoa. Ông Nam và UBND huyện Long Thành nằm trong số những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Vợ chồng ông Nam bên mảnh đất tranh chấp

CÓ HAY KHÔNG SỰ "TIẾP SỨC" CỦA CHÍNH QUYỀN SỞ TẠI?

Tại phiên xử sơ thẩm, đối với phần TS chung yêu cầu được phân chia với bà Hoa chính là mảnh đất hơn 229m2, ông Nhạn khẳng định nguồn gốc thửa đất là do trước đây ông và ông Nam chuyển nhượng lại của bà Lang khoảng 500m2. Việc mua đất ông để cho anh em bà Hoa đứng ra thực hiện và giữ toàn bộ giấy tờ. Thời điểm ấy, ông và ông Nam thống nhất xây 2 căn nhà liền kề đồng nghĩa với việc đã chia đôi mảnh đất này.

Phần ông Nam đã được cấp GCNQSDĐ, phần còn lại (tức diện tích đang tranh chấp) cũng được UBND huyện Long Thành cấp GCNQSDĐ cho ông vào năm 2002. Ông Nhạn cũng nhấn mạnh do bận đi làm nên đã ủy quyền cho vợ và nhờ ông Nam đại diện liên hệ với cơ quan chức năng để xin cấp GCNQSDĐ cho ông. Bản thân ông Nhạn không biết bà Hoa đã nhận được GCNQSDĐ từ khi nào. Do TS đã đứng tên mình và trở thành TS chung của hai vợ chồng nên ông Nhạn yêu cầu được tòa giải quyết chia đôi phần đất này với bà Hoa.

Có mặt tại phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện UBND huyện Long Thành trình bày luận điểm khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn là đảm bảo về trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Trong đó đáng chú ý nhất là phía chính quyền xác định năm 1999, ông Nhạn có đơn xin đăng ký QSDĐ đối với phần đất thửa số 30. Từ nhiều giấy tờ hợp lệ cũng như có biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất này của UBND thị trấn Long Thành được ông Nam ký xác nhận là chủ lân cận nên UBND huyện Long Thành đã cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn.

Nhưng trong các biên bản lấy lời khai cũng như những gì trình bày tại tòa, ông Nhạn thừa nhận không ký bất cứ hồ sơ chứng từ nào, cũng như không ủy quyền cho bất cứ ai lập và thực hiện thủ tục xin cấp GCNQSDĐ phần diện tích đang tranh chấp. Trong khi đó, bà Hoa cũng khẳng định đây là phần đất của anh trai mình nên chưa từng thay mặt ông Nhạn đứng ra lo việc xin GCNQSDĐ.

Hơn nữa, bên bị đơn cho rằng biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất có chữ ký của ông Nam mà UBND huyện Long Thành nhắc đến có thể là giả mạo vì ông Nam không hề ký. Ông Nam cũng đã yêu cầu cơ quan hữu trách giám định lại chữ ký của mình với chữ ký trong biên bản thì nhận được kết luận: không đủ cơ sở kết luận chữ ký, chữ viết họ tên "Lê Văn Nam" trong những giấy tờ liên quan có phải do cùng một người ký, viết ra hay không.

Từ những điều này, người trong cuộc có thể đặt nghi vấn: Việc cấp GCN này có đủ cơ sở, đúng trình tự và đảm bảo tính pháp luật hay không với một số giấy tờ bị nghi là giả mạo?

CẦN BẢN ÁN THẤU TÌNH ĐẠT LÝ

Trong phiên xử sơ thẩm trước đó, mặc dù bên bị đơn cũng như người đại diện bảo vệ quyền lợi cho bên này đã đưa ra những chứng cứ, lý lẽ cần phải làm rõ trong việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn, nhưng đại diện VKSND huyện Long Thành vẫn nhận định: Tại thời điểm lập thủ tục kê khai và cấp GCNQSDĐ, ông Nhạn không phải người trực tiếp đi đăng ký kê khai để được cấp nhưng không bị ông Nam khiếu nại nên việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn là phù hợp. Do đó, mọi yêu cầu của ông Nam về việc hủy GCNQSDĐ hoặc tranh chấp GCNQSDĐ là không có cơ sở (!).

Đáng ngạc nhiên hơn là trong phần nhận định của tòa sơ thẩm lại nhấn mạnh rằng: Đối với phần đất đang tranh chấp, khi anh em và vợ chồng còn hòa thuận thì ông Nhạn đã ủy quyền bằng miệng cho ông Nam và vợ là bà Hoa đi kê khai xin cấp GCNQSDĐ. Tại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn thể hiện chủ lân cận là ông Nam ký xác nhận ranh giới; tuy nhiên ông Nam không cung cấp được tài liệu, chứng cứ có mẫu chữ ký theo yêu cầu của cơ quan giám định nên chưa đủ cơ sở kết luận giám định, chữ ký, chữ viết của ông Nam. Do đó, lời trình bày của ông Nhạn về việc ông và ông Nam cùng nhận quyền sử dụng đất của bà Lang rồi chia hai phần là hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, theo ý kiến của đại diện UBND huyện Long Thành, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn là đảm bảo về trình tự thủ tục quy định nên tòa khẳng định việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn là đúng quy định...

Hội đồng xét xử đã đưa ra nhận định "Tại hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn thể hiện chủ lân cận là ông Nam ký xác nhận ranh giới; tuy nhiên ông Nam không cung cấp được tài liệu, chứng cứ có mẫu chữ ký theo yêu cầu của cơ quan giám định nên chưa đủ cơ sở kết luận giám định, chữ ký, chữ viết của ông Nam". Vậy vì sao tòa không tham khảo tài liệu, chứng cứ có mẫu chữ ký của ông Nam từ UBND huyện Long Thành rồi yêu cầu giám định? Hơn nữa, nếu như chưa đủ cơ sở kết luận giám định chữ ký, chữ viết của ông Nam trên một số hồ sơ, giấy tờ có liên quan thì hà cớ gì UBND huyện Long Thành lại dễ dàng cấp GCNQSDĐ cho ông Nhạn đến vậy?

Sáng 26-2-2021, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên xử phúc thẩm. Tại tòa, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm. Sau một buổi tranh luận, cuối cùng Hội đồng xét xử không tuyên án mà dời lại đến chiều 4-3-2021 do tính chất phức tạp của vụ việc (!).

Bình luận (0)

Lên đầu trang