Một phán quyết “kỳ lạ” của tòa huyện Bình Chánh

Thứ Ba, 13/09/2022 12:03

|

(CATP) Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là người từng mượn đất và bị đơn là người cho mượn đất. Tuy người đi kiện lẫn người bị kiện đều không phải chủ đất và không ai xác định được diện tích tranh chấp thực địa, lẫn trên bản đồ hiện trạng nhưng HĐXX TAND huyện Bình Chánh, TPHCM vẫn đưa ra phán quyết khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Một vụ kiện hy hữu

Theo nội dung vụ kiện, ông Hồ Văn Đức (SN 1943, ngụ huyện Đức Hòa, Long An) trình bày thửa đất diện tích 2,36ha có nguồn gốc vợ chồng ông khai hoang năm 1976. Năm 1983, Nông trường An Hạ đưa phần diện tích đất trên vào nông trường quản lý. Đến năm 1992, Nông trường An Hạ bàn giao phần đất này cho UBND xã Phạm Văn Hai. Đến năm 1994, do thấy phần đất này tiếp tục bỏ hoang, không ai sử dụng nên vợ chồng ông Đức làm đơn gửi UBND xã Phạm Văn Hai để xin được sử dụng phần đất này. Đang trong thời gian chờ chính quyền giải quyết, năm 1996 bị đơn là ông Thái Văn Nam (SN 1929, ngụ tại xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh) đã ngăn cản không cho vợ chồng ông Đức tiếp tục canh tác.

Vợ chồng ông Đức đã nhiều lần yêu cầu UBND xã giải quyết nhưng không được chấp nhận. Đến năm 2006, ông Đức được UBND xã Phạm Văn Hai đưa phiếu công khai thông tin nhà đất và ông Đức đã kê khai phần đất sử dụng hơn 2,36 ha thuộc thửa số 4, tờ bản đồ số 77 (theo tài liệu BĐĐC), bộ địa chính xã Phạm Văn Hai. Phần đất này, vợ chồng ông Đức chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ việc tranh chấp phần đất trên với ông Thái Văn Nam đã qua nhiều lần hòa giải tại UBND xã nhưng không thành nên ông Đức khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Nam phải trả ông Đức phần đất này.

Trong khi đó, theo bị đơn thì vào năm 1976, ông Đức và hai người khác (gồm ông Mai Văn Dũng và ông Võ Văn Soái) có đến gia đình ông Nam xin mượn đất canh tác. Do đất rộng, bản thân ông Nam là người làm vườn giúp người cô ruột nên thấy hoàn cảnh ba người mượn đất khó khăn, gia đình ông Nam cho ông Đức mượn khoảng 1ha, ông Mai Văn Dũng, ông Võ Văn Soái mỗi người 0,5ha (nửa ha) để trồng thơm. Các bên thỏa thuận với nhau bằng lời nói không làm giấy tờ.

Đến năm 1983, Nông trường An Hạ (quận 5) đưa vào nông trường toàn bộ khu đất cả ba ông Đức, Dũng, Soái đang canh tác. Ba người mượn đất trồng thơm của ông Nam nhận tiền đền bù hoa màu của Nông trường An Hạ và chuyển về huyện Đức Hòa, tỉnh Long An sinh sống.

Năm 1992, Nông trường An Hạ giải thể, giao việc quản lý đất đai của nông trường cho UBND xã Phạm Văn Hai. Lúc này gia đình ông Nam vẫn tiếp tục canh tác, trồng keo, tràm trên khu đất này. Đến năm 2001, ông Đức quay lại tranh chấp với ông Nam về 1ha đất cho mượn trước kia và hai bên đã được chính quyền xã mời lên hòa giải.

Trong nội dung hòa giải, ông Nam hứa sau này phần đất 1ha cho ông Đức mượn nếu Nhà nước có bồi thường đất thì sẽ chia cho ông Đức hưởng 25% giá trị bồi thường đất; riêng toàn bộ phần hoa màu trên đất ông Nam được hưởng, hai bên đã thỏa thuận và đồng ý ký tên vào biên bản có sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã. Sau đó, gia đình ông Nam tiếp tục canh tác trồng bạch đàn, tràm cho đến nay.

Sau này do giá trị đất ngày càng tăng lên, ông Đức tiếp tục gởi đơn tranh chấp, và tự ý kêu dịch vụ đo vẽ khu đất, lúc này không phải tranh chấp 1ha mà diện tích tranh chấp hơn 2,3ha. Tại tòa, ông Nam trình bày, ông không phải là chủ đất, không có quyền tranh chấp gì với nguyên đơn mà chỉ là người giữ đất và trực tiếp canh tác cho gia đình ông Nguyễn Thái Hồng. Ông Nam yêu cầu tòa công nhận QSD đất cho ông Hồng. Theo tài liệu cung cấp thì bà Nguyễn Thị Mậu (SN 1917, mẹ ông Hồng) năm 1958 mua lại diện tích là 10,7ha đất trồng thơm trên.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 Phòng Quản lý ruộng đất (12 Phan Đăng Lưu/Gia Định), xác nhận ông Nam là cháu bà Mậu được giao giữ đất, cải tạo đất trồng thơm và trồng mía từ đó đến nay. Do chính sách hạn điền quy định diện tích đăng ký từng đợt nên dù hồ sơ chuyển nhượng gốc của bà Mậu 10,7 ha nhưng qua các thời kỳ gia đình ông Hồng kê khai và được cấp sổ đỏ 6ha. Phần đất còn lại 3,7ha gia đình ông vẫn canh tác, trồng tràm, keo và chờ chính quyền duyệt cấp chủ quyền.

Việc mượn đất canh tác rồi tranh chấp giữa ông Đức và ông Nam ban đầu gia đình ông Hồng không biết. Chỉ khi UBND xã gửi thông báo hòa giải ông Hồng mới biết vụ tranh chấp này. Ông Hồng đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông Đức và có yêu cầu độc lập, đề nghị tòa công nhận phần đất diện tích 2,36 ha thửa số 4, tờ bản đồ số 77 (Theo tài liệu BĐĐC), bộ địa chính xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho ông Hồng.

Ông Nam trước khu đất tranh chấp

Phiên tòa vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Do tính chất phức tạp của vụ kiện nên phiên xử sơ thẩm 5 lần được mở và phải tạm hoãn. Thế nhưng, khi phiên tòa sơ thẩm được tiếp tục (vào ngày 18-3-2022) thì mọi người mới giật mình vì bản án được tuyên hết sức... kỳ lạ. Theo đó, HĐXX tuyên giao hơn 2,36ha cho người mượn đất và buộc ông Đức (nguyên đơn) bồi thường 112 triệu tiền cây trồng trên đất cho ông Nam.

Sở dĩ gọi bản án “kỳ lạ” bởi hồ sơ vị trí, xác minh nguồn gốc và quá trình sử dụng đất theo tài liệu lưu trữ tại Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM xác nhận khu đất đang tranh chấp là của một người khác (ông Nguyễn Thái Hồng) chứ không thuộc nguyên đơn hay bị đơn. Ngay cả chứng cứ pháp lý có giá trị về mặt quản lý đất đai do Nhà nước ban hành là bản vẽ nội nghiệp cũng xác định và thể hiện nội dung trên.

Điều “kỳ lạ” thứ hai, là dù VKS cùng cấp có công văn yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ nhưng HĐXX tòa sơ thẩm TAND huyện Bình Chánh vẫn bỏ qua và cố tình đưa vụ án ra xét xử. Chính vì không thực hiện việc xác minh nguồn gốc khu đất tranh chấp theo yêu cầu của VKS nên HĐXX ra phán quyết cẩu thả, thiếu cơ sở khi căn cứ vào bản vẽ do nguyên đơn... thuê một đơn vị đo vẽ cung cấp. Chính điều đó nên HĐXX lẫn các đương sự không biết phần đất đang tranh chấp đang... nằm ở đâu trên thực địa.

Điều “kỳ lạ” thứ ba, là HĐXX phán quyết giao đất đang do Nhà nước quản lý cho người khác mà không có cơ sở pháp lý. Đó là chưa kể một số yêu cầu của VKS cũng đã bị HĐXX không thèm quan tâm tới.

Một bản án dân sự sơ thẩm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại bị HĐXX TAND huyện Bình Chánh phán quyết một cách tùy tiện, cẩu thả dù biết rằng về trình tự tố tụng đã bị vi phạm nghiêm trọng. Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng HĐXX không đủ năng lực hay có vấn đề khuất tất đằng sau vụ việc?

Bình luận (0)

Lên đầu trang