Tăng cường kết nối để hàng hóa của Lào vào thị trường TPHCM

Thứ Ba, 13/12/2022 20:31

|

(CAO) “Tăng cường kết nối để hàng hóa của Lào vào thị trường TPHCM” - đây là một trong những vấn đề quan trọng được đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh trong bài phát biểu kết luận tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam – Lào, do UBND TPHCM phối hợp với Tổng lãnh sự quán Lào tại TPHCM tổ chức vào sáng 13/12. Hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.

Lãnh đạo TPHCM và Lào chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ và hợp đồng kinh tế

Thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa TPHCM và Lào

Thông qua diễn đàn, cùng các ý kiến trao đổi của doanh nghiệp (DN) TPHCM đã và đang đầu tư vào Lào, cùng những trả lời của phía nước bạn Lào, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, sau diễn đàn này, Sở Công thương TP theo dõi, hướng dẫn để các đơn vị, trực tiếp là Saigon Co.op, Satra tổ chức việc kết nối để đưa hàng hóa của Lào vào thị trường TPHCM. Về lĩnh vực du lịch, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Du lịch TPHCM theo dõi hỗ trợ để các DN du lịch thúc đẩy hơn nữa các hoạt động du lịch giữa TPHCM và các địa phương của Lào.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng yêu cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) làm đầu mối tập hợp các vấn đề, yêu cầu của DN hai bên để trao đổi với Sở Ngoại vụ TP và Tổng lãnh sự quán Lào tại TPHCM để kịp thời cung cấp thông tin cho các DN; đồng thời chủ trì tổ chức Tuần lễ sản phẩm của DN TPHCM tại Lào, thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa TPHCM và Lào, cũng như tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch đối với các DN Lào tại TPHCM.

Về vận chuyển hàng hóa giữa Lào và TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội DN TP nghiên cứu để tạo điều kiện cho các DN logistics, DN vận tải tham gia thực hiên việc này.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng đề nghị các DN đã ký kết cũng như các DN đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư thương mại giữa hai bên triển khai các nội dung ký kết hoặc các kế hoạch xúc tiến việc đầu tư thương mại sắp tới. Các sở, ngành TP, các cơ quan chức năng tập trung theo dõi hỗ trợ để các DN triển khai được các dự án thành công, hiệu quả…

Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự tại TPHCM cho biết Lào - Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam. Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý.

Những thành công của nhiều DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh đã và đang kích thích các DN lớn của Việt Nam như: Ngân hàng, viễn thông, hãng hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn. Trong đó, nguồn vốn của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian gần đây cũng không ngừng tăng. Việt Nam hiện nay đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay nhiều dự án của DN Việt Nam đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Hoạt động đầu tư của DN Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại... Một mặt mở rộng thị trường cho DN Việt Nam, mặt khác đã giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước Lào. Tiêu biểu trong 6 tháng năm 2022 Tổng lãnh sự quán đã và đang thực hiện hết trên các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng sẽ được ký kết hợp tác thông qua 12 bản ghi nhớ.

Trong tương lai, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các DN nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam nhờ dân số ổn định, trẻ; GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bền vững.

Trao đổi tại diễn đàn, lãnh đạo hai bên khẳng định quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hai nước. Các chuyên gia đã phân tích vì sao những chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa mang tính đồng bộ, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Để có thể tận dụng và phát huy cơ hội, vượt qua các khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của dịch Covid-19, DN Việt Nam cần nâng cao tính chủ động để khai thác hết lợi thế xuất khẩu sang Lào, đồng thời cần gia tăng quy mô xuất khẩu…

Ký kết 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng

Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, cũng như giữa TPHCM và Lào nói riêng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ và hợp đồng kinh tế. Theo đó, có 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nội dung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch…

Bình luận (0)

Lên đầu trang