45% học sinh gặp vấn đề về sức khoẻ khi học trực tuyến

Thứ Năm, 19/05/2022 09:05

|

(CAO) Đây là kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) nhằm đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình.

Kết quả khảo sát được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin đến đại biểu Quốc hội trong báo cáo việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn. 

Ông Sơn cho biết, nhằm đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành khảo sát với 5.175 cán bộ quản lý (CBQL), 95.359 giáo viên (GV) và 341.830 học sinh (HS) của các tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến của các cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).

Theo kết quả khảo sát, 45% học sinh gặp vấn đề về sức khoẻ khi học trực tuyến

Kết quả khảo sát cho thấy, khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%), thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).

Tuy nhiên, phần lớn CBQL tham gia khảo sát cho rằng nhà trường ít gặp khó khăn hoặc không gặp khó khăn về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kĩ năng quản lý về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình và kĩ năng sư phạm của GV trong dạy học trực tuyến. Có 59,6% CBQL tham gia khảo sát cho rằng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình là kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn trong thực tế triển khai công tác giảng dạy tại nhà trường.

Xét theo cấp học, nhà trường Tiểu học gặp khó khăn hơn so với các trường THCS và THPT ở các vấn đề nguồn học liệu; thiết bị dạy học; hạ tầng kĩ thuật công nghệ; kĩ năng CNTT của GV và HS; kĩ năng sư phạm trong dạy học trực tuyến của GV.

Đặc biệt, các trường Tiểu học ở khu vực nông thôn, vùng sâu/xa/hải đảo gặp nhiều khó khăn về chính sách khuyến khích, động viên đối với GV trong dạy học trực tuyến cũng như thiếu sự phối hợp hiệu quả từ phía CMHS và sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành.

Đối với GV, kết quả khảo sát phản ánh khoảng 40% GV gặp khó khăn về thiết bị và đường truyền Internet; 35% GV thiếu học liệu dạy học trực tuyến; 42,6% GV gặp các vấn đề sức khoẻ và 37,2% GV gặp vấn đề về tâm lý.

43% GV gặp khó khăn khi HS không hợp tác trong quá trình học trực tuyến và 35,5% GV gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh (CMHS) không hỗ trợ, hợp tác.

Vẫn theo ông Sơn, cũng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các cấp học. GV ở các cấp học thấp hơn thường gặp khó khăn hơn trong các vấn đề như thiếu học liệu, thiếu thiết bị, chưa được động viên, khuyến khích kịp thời và thiếu sự hỗ trợ, hợp tác của CMHS. Nhưng GV ở bậc học thấp hơn ít gặp vấn đề về sự hợp tác của HS trong quá trình dạy học trực tuyến.

“Điều này có thể lí giải bởi sự đầu tư của nhà trường, gia đình cho con em có sự khác biệt ở cấp học cao hơn. HS ở cấp học cao hơn có khả năng tự chủ hơn nhưng đồng thời có thể không tuân theo những hướng dẫn, quy định của GV và nhà trường nhiều hơn” – ông Sơn báo cáo.

Với học sinh, qua khảo sát cho thấy có các em gặp một số khó khăn phổ biến trong quá trình học tập trực tuyến như sau: 44,9% HS được hỏi cho rằng các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học; 35,5% HS không có phòng học riêng và 38,4% HS bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến. 35,5% HS thường xuyên nghe không rõ tiếng Thầy/Cô giảng bài vì nhiều lí do.

Bên cạnh đó, khoảng 20% HS cho rằng mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần; 23,4% HS phải tham gia một số việc khác của gia đình trong lúc học và 26,5% HS gặp khó khăn trong việc giao tiếp với Thầy/Cô dưới hình thức trực tuyến.

Kết quả khảo sát đối với HS cũng cho thấy, 45% HS gặp vấn đề sức khoẻ khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai…

Theo nhìn nhận của các GV, học trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kĩ năng xã hội của học sinh là khá cao, từ 62 - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp Tiểu học lên đến THPT.

Đề cập đến hiệu quả dạy học trực tuyến, GV ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với HS, trong khi tỉ lệ GV các cấp Tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.

Với việc học qua truyền hình, tỉ lệ HS tự đánh giá việc học qua truyền hình từ tương đối hiệu quả đến rất hiệu quả là 81,4% (Tiểu học); 80,6% (THCS); 74,6% (THPT).

“Tỉ lệ này cho thấy việc học qua truyền hình vẫn là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với những nơi không có đủ điều kiện dạy học trực tuyến” – Bộ trưởng Sơn kết luận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang