Giai đoạn bản tin nội bộ (15/6/1976 - 15/12/1976)
Chỉ hơn nửa năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đầu năm 1976, đồng chí Mai Chí Thọ - Giám đốc CATP nêu chủ trương cần phải xây dựng một bản tin lưu hành nội bộ để thông tin và tuyên truyền về các hoạt động của lực lượng CATP. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Võ Danh (7 Dự) - Phó giám đốc CATP và sau đó đồng chí Nguyễn Văn Yên (5 Yên) - Phó giám đốc phụ trách xây dựng lực lượng đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Vũ Vân - Trưởng phòng Chính trị (nay là Phòng Công tác chính trị CATP) nghiên cứu thực hiện. Đồng chí Phan Vũ Vân đã chỉ đạo thành lập bộ phận bản tin do ông Nguyễn Văn Tuôi (7 Tuôi) khi đó là Trưởng ban Tuyên truyền (Phòng Chính trị) trực tiếp chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Tuôi đề xuất bản tin lấy tên là "Bản tin thi đua" nhằm tuyên truyền, cổ vũ cho phong trào thi đua của lực lượng CATP.
Ngày 15/6/1976, "Bản tin thi đua" trực thuộc Phòng Chính trị CATP ra số đầu tiên. "Tòa soạn" là một căn phòng tại Phòng Công tác chính trị, sau chuyển về chung với Ban Văn nghệ trên lầu 3 của Xưởng in Nguyễn Minh Hoàng (số 100 Lê Đại Hành, Q11), nhân sự ban đầu chỉ có 3 cán bộ là Nguyễn Văn Tuôi, Trần Tấn Ngô (sau này là Tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách Việt Nam) và Nguyễn Thị Phi Oanh (nguyên là Phó ban Cán sự Công đoàn CATP, hiện nghỉ hưu). Đồng chí Phan Vũ Vân (Hai Vân), Trưởng phòng Chính trị kiêm phụ trách chung bản tin.
Tờ bản tin lưu hành trong nội bộ, 2 tuần 1 số, được in 4 trang khổ 21cm x 33cm (đến số thứ 2 tăng lên 6 trang), trong đó chỉ có măng-sét in typo còn lại đều đánh máy rồi quay ronéo, bên dưới trang 1 có khẩu hiệu "Vì an ninh Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân". Đến số thứ 9 (phát hành ngày 10/9/1976), bản tin được chuyển thành khổ lớn hơn (35cm x 43cm) với 8 trang và được in typo hoàn toàn.
Ngày 15/12/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký vào chuột vàng ủng hộ Báo CATP bán đấu giá làm từ thiện
Phương tiện làm báo vỏn vẹn chỉ có một máy đánh chữ cũ. Số lượng phát hành là 1.000 bản tin, sau tăng lên 2.000 bản lưu hành trong nội bộ với nội dung chủ yếu là đưa tin về hoạt động của các đơn vị CATP. Bản tin đã dành hẳn một trang cho chuyên mục "Người tốt việt tốt" và một trang dành cho tường thuật các vụ án vừa được CATP khám phá. Nhiều tin, bài do CBCS ở các đơn vị cơ sở trực tiếp viết chuyển về. Tuy nội dung và hình thức khá đơn sơ nhưng ngay sau khi phát hành, bản tin thi đua được các đơn vị trong CATP nhiệt liệt hoan nghênh. Các bản tin ra đến số 15 (ngày 15/12/1976) là số cuối cùng để chuẩn bị cho sự ra đời của Báo CATP.
Báo CATP nội bộ (01/1977 - 8/1986)
Vào cuối năm 1976, nhân dịp tổng kết công tác năm, đồng chí Mai Chí Thọ - Giám đốc CATP chỉ thị phải nhanh chóng chuyển bản tin thành tờ báo. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, tháng 01/1977, tờ Báo CATP Xuân Bính Ngọ 1977 cũng đồng thời là tờ báo CATP nội bộ số 1 chính thức xuất bản với 16 trang và lưu hành nội bộ. Ông Nguyễn Văn Tuôi là Phó phòng Công tác chính trị CATP kiêm phụ trách báo và là người đề xuất lấy tên tờ báo là "Báo CATP". Măng-sét tờ báo được sử dụng trong suốt thời kỳ báo lưu hành nội bộ do họa sĩ Văn Trương thiết kế. Trụ sở báo vẫn cùng căn phòng với Ban Văn nghệ trên lầu 3 Xưởng in Nguyễn Minh Hoàng.
Từ năm 1979, đồng chí Trần Văn Nhất (Hai Nhất) - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị phụ trách báo; đồng chí Nguyễn Anh Linh là Trưởng ban Biên tập. Đến tháng 7/1980, đồng chí Nguyễn Anh Linh - Phó phòng Công tác chính trị kiêm Trưởng ban Biên tập. Nhân sự ban đầu chỉ có hơn 10 cán bộ phóng viên, trong đó có một số cây viết trưởng thành từ các đơn vị công an cơ sở sau khóa bồi dưỡng về viết báo được tăng cường cho Báo CATP.
Từ năm 1985, trụ sở báo đặt tại biệt thự số 373 đường Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1. Số báo CATP nội bộ cuối cùng là 374, phát hành ngày 01/3/1986. Sau đó tạm ngưng để tiến hành các thủ tục xin phép phát hành công khai.
Báo CATP phát hành công khai 1 số/tuần (02/9/1986 - 22/10/1997)
Sau 10 năm ra đời, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, được sự chấp thuận của Ban Giám đốc CATP, Ban Tuyên huấn Thành ủy, Sở VH-TT, Bộ VH-TT và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Báo CATP được tách ra khỏi Phòng Công tác chính trị, trở thành một đơn vị tương đương cấp phòng thuộc CATP và chính thức chuyển thành tờ báo phát hành rộng rãi trong công chúng 1 tuần 1 số vào sáng thứ tư, vẫn với tên gọi là "Báo CATP", thực hiện chức năng là cơ quan ngôn luận của lực lượng CATP. Tổng biên tập là đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó tổng biên tập là đồng chí Huỳnh Bá Thành và Vũ Quang Hùng. Đến năm 1987, đồng chí Hà Phi Long được đề bạt làm Phó tổng biên tập phụ trách trị sự.
Báo CATP cùng nhà tài trợ khánh thành cầu nông thôn tặng bà con ở Cao Lãnh - Đồng Tháp
Đầu năm 1992, đồng chí Nguyễn Anh Linh nghỉ hưu, đồng chí Huỳnh Bá Thành làm quyền Tổng biên tập phụ trách nội dung (cuối năm 1992 được đề bạt làm Tổng biên tập). Đồng chí Vũ Quang Hùng phụ trách tổ chức và đồng chí Hà Phi Long phụ trách trị sự. Măng-sét của Báo (được sử dụng cho tới cuối năm 2014) do đồng chí Huỳnh Bá Thành - Phó tổng biên tập và cũng là một họa sĩ khá nổi tiếng (họa sĩ Ớt) nghiên cứu trình bày lại, gọn và đẹp hơn.
Đúng vào ngày Quốc khánh 02/9/1986, số Báo CATP công khai đầu tiên, khổ 27cm x 36cm được phát hành với số lượng 36.000 tờ. Chỉ trong 20 phút, toàn bộ số báo trên được mua hết. Số thứ 2 tăng lên gấp đôi 72.000 tờ, số thứ 3 lên hơn 100.000 tờ và liên tục tăng nhanh trong các năm sau đó. Báo CATP đã trở thành một "hiện tượng" trong giới báo chí thành phố thời gian này.
Đến năm 1988, cơ sở 110 Nguyễn Du (Q1) do Bộ Công an bàn giao cho CATP với diện tích hơn 3.000m2. CATP đã dành địa điểm rất lý tưởng này cho Báo làm trụ sở tòa soạn. Ngoài báo thường, từ tháng 4/1991, Báo CATP đã ra thêm số phụ trương. Số lượng báo thường phát hành trung bình từ 128.000 bản/kỳ năm 1986 đã nhanh chóng tăng lên với 300.000 bản/kỳ năm 1987, 598.000/kỳ năm 1990, 638.000 bản/kỳ vào năm 1993 (trong đó số báo ra ngày 18/12/1991 đạt mức kỷ lục 700.000 tờ). Riêng Văn phòng đại diện Hà Nội đạt mức phát hành khoảng 70.000 tờ/kỳ (giai đoạn 1994 - 1995).
Bên cạnh báo in, một số nhà báo, nhà văn của Báo CATP còn viết kịch bản phim truyện nhựa đề tài về an ninh trật tự, thu hút một lượng lớn khán giả lúc bấy giờ như phim "Lệnh truy nã” (1989 - Huỳnh Bá Thành). Để tạo thuận lợi cho công tác sản xuất phim, năm 1992, Báo CATP đề nghị và được Bộ VH-TT cấp phép thành lập Hãng phim Người bảo vệ.
Các giai đoạn phát triển tiếp theo của Báo CATP, như: phát hành 3 số/tuần (28/10/1997 - 12/6/2008), phát hành 4 số/tuần (từ 14/6/2008 - 31/12/2014), phát hành 5 số (từ 01/01/2015 - 30/5/2016), 6 số (từ 01/6/2016 tới nay) và ra mắt Báo điện tử.
"Tôn chỉ thứ hai" của tờ báo
Vào đầu tháng 6/1989, cơn bão số 2 ập vào Quảng Nam - Đà Nẵng gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản. Báo CATP là một trong những tờ báo đầu tiên tổ chức phát động đợt quyên góp cứu trợ đồng bào bị bão lụt và được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân thành phố, từ các cơ quan, doanh nghiệp đến bác đạp xích lô, chị bán vé số... Ngày 09/6/1989, trực tiếp Tổng biên tập Nguyễn Anh Linh dẫn đầu đoàn mang theo hơn 40 triệu đồng tiền mặt và hàng hóa trao tận tay đồng bào đang trong cơn hoạn nạn.
Tặng quà Tết cho đồng bào nghèo
Từ đó, công tác xã hội - từ thiện được xác định như "tôn chỉ thứ hai" của tờ báo. Trụ sở tòa soạn đã trở thành một địa chỉ nghĩa tình quen thuộc để đồng bào các giới, nhà hảo tâm tới đóng góp và cũng là nơi xuất phát những chuyến đi công tác xã hội - từ thiện tới mọi miền của Tổ quốc. Khó có thể kể hết những địa danh - nơi in dấu chân người CBCS, phóng viên Báo CATP mang theo nghĩa tình của độc giả và các nhà hảo tâm đến với đồng bào nghèo trong cơn hoạn nạn từ các quận, huyện của TPHCM, các xã nơi vùng sông nước miền Tây Nam Bộ; từ những bản làng heo hút giữa đại ngàn của Trường Sơn - Tây Nguyên đến vùng núi cao Tây Bắc - Việt Bắc, nơi tận cùng phía Bắc của Tổ quốc. Ở những nơi ấy đều có thể thấy những công trình tình nghĩa như nhà tình nghĩa, tình thương, trường học, cầu, trạm y tế, nhà văn hóa... được xây dựng từ tấm lòng của các nhà hảo tâm và bạn đọc Báo CATP.
Tổng kết trong 27 năm (6/1989 - 5/2016), Báo CATP đã vận động được gần 170 tỷ đồng, bao gồm tiền và hàng hóa, trong đó chỉ tính riêng trong 5 năm (2011 - 2015), Báo CATP vận động hơn 54,5 tỷ đồng. Từ số tiền này, Báo CATP thực hiện nhiều chương trình xã hội - từ thiện. Cụ thể: xây dựng 493 căn nhà tình nghĩa tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh - liệt sĩ; 1.396 căn nhà tình thương cho người nghèo tại TPHCM và các tỉnh; xây dựng hàng chục lớp học, trường học, trạm xá dân quân y biên giới, trạm y tế kèm theo trang thiết bị, hơn 100 chiếc cầu cho các huyện, vùng sâu, vùng xa tại TPHCM và các tỉnh, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, chuyển gần 30 tỷ đồng do bạn đọc đóng góp cho hơn 2.195 mảnh đời bất hạnh đăng trên Báo CATP. Trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được hỗ trợ hàng chục triệu đồng (cá biệt có trường hợp như em Ngô Thị Bé Hiệp ở Long An được báo đăng tháng 3/2010, bạn đọc ủng hộ hơn 200 triệu đồng). Ngoài ra còn giúp hàng chục ngàn người dân nghèo và CBCS công an, quân đội có hoàn cảnh khó khăn; trao hàng ngàn suất học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh - sinh viên nghèo hiếu học ở TPHCM và một số tỉnh; giúp đồng bào nghèo các tỉnh ăn Tết; cứu trợ kịp thời đồng bào vùng bị thiên tai, hỏa hoạn, vận động ủng hộ bộ đội Trường Sa, nhân dân Cuba...
Từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 6/2023, Báo CATP (sau này đổi thành Chuyên đề CATP) đã vận động từ nhiều nguồn với số tiền gần 47 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội - từ thiện khắp cả nước. Rất mong bạn đọc, các nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành cùng Báo trong các chương trình thiện nguyện sắp tới. Xin trân trọng cảm ơn!
Để có nguồn tiền giúp đỡ đồng bào nghèo, bên cạnh việc vận động bạn đọc, Báo CATP còn chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT), để vận động gây quỹ ủng hộ người nghèo như: tổ chức Phòng tranh từ thiện, một số chương trình VHVN, TDTT do Báo CATP gây quỹ xã hội - từ thiện được sự hưởng ứng nhiệt tình và đạt hiệu quả cao.
Điển hình như đêm nhạc Trịnh Công Sơn tổ chức vào tháng 4/2001, thu được 350 triệu đồng để mua 200 xe lăn tặng trẻ em khuyết tật; trận bóng đá với Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ thành phố vào tháng 8/2004, thu gần 800 triệu đồng để xây 128 căn nhà tình thương cho người nghèo; đêm nhạc từ thiện giúp đồng bào nghèo ăn Tết tháng 01/2005 (1,5 tỷ đồng); đêm ca nhạc gây quỹ giúp đồng bào nghèo vào đầu tháng 01/2006 (3,6 tỷ đồng) và đặc biệt là Chương trình Xuân cho những mảnh đời bất hạnh tổ chức tháng 01/2008, thu số tiền kỷ lục hơn 10 tỷ đồng (riêng con chuột vàng có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ hoạt động từ thiện của Báo CATP đã bán đấu giá được 8,2 tỷ đồng); Giải Golf từ thiện 2009 mua tặng 1 xe cấp cứu trị giá 500 triệu đồng cho đảo Phú Quý (Bình Thuận), Giải Golf từ thiện 2010 mua trang thiết bị y tế trị giá 150 triệu đồng cho Trạm y tế xã A Sao, huyện Tumơrông (Kon Tum), Giải quần vợt gây quỹ giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt tháng 11/2010 quyên góp hơn 1 tỷ đồng, đêm nhạc giúp người nghèo ăn Tết năm 2014 được hơn 4 tỷ đồng và năm 2016 hơn 3 tỷ đồng. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Báo CATP đã phát động đợt quyên góp xây dựng 40 căn nhà tình thương tặng đồng bào nghèo. Kết quả, các nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 70 căn.
Nhiều hoạt động xã hội khác cũng được Báo CATP triển khai như: cuối tháng 7/2004, Báo CATP đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) thực hiện chương trình "Vì học sinh Tây Nguyên"; phối hợp với Tạp chí Vì trẻ thơ (trước đây) và Báo Thể thao Việt Nam (hiện nay) cùng các doanh nghiệp tổ chức Giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào dịp 01/6 hàng năm. Chương trình "Giao lưu gương sáng phố phường" phối hợp Cung Văn hóa Lao động và HTV tổ chức vào dịp 19/8 hàng năm để biểu dương các gương điển hình CBCS và quần chúng trong phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc"; chương trình "Mùa xuân biên giới" phối hợp HTV, Báo SGGP, Báo Mực Tím thăm và tặng quà Tết cho bộ đội biên phòng, chương trình "Sát cánh cùng chiến sĩ hải đảo" trao tặng học bổng cho con CBCS hải quân đang công tác trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; phối hợp Công ty Vietba Media và Công ty CP dược phẩm Hoa Thiên Phú tổ chức chương trình "Ngôi nhà ấm" (từ tháng 11/2013 đến tháng 3/2014) để hàng tuần trao tặng các phương tiện sinh kế cho người nghèo; phối hợp Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng tặng xe bánh mì cho người chấp hành xong án phạt tù, người cai nghiện để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp Tập đoàn Hoa Sen tổ chức chương trình "Mái ấm gia đình Việt" dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật vào dịp Trung thu và trước giờ đón Giao thừa hàng năm...
Từ năm 1996, toàn thể CBCS, phóng viên, CNV trong đơn vị đã tự nguyện trích tiền lương hàng tháng để chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 48 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Bến Tre (hiện nay còn lại 1 Mẹ), tích cực tham gia quyên góp cho Quỹ phòng, chống thiên tai, Vì người nghèo của CATP.
Trong công tác đầy tình nghĩa và nhân ái này, từ nhân viên bảo vệ, lái xe đến cán bộ tiếp bạn đọc, phóng viên, biên tập viên, các cán bộ chủ chốt và Ban biên tập Báo đều nhiệt tình tham gia tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức thực hiện. Toàn bộ kinh phí cho các đoàn đi công tác hoặc các chương trình vận động gây quỹ xã hội - từ thiện đều được trích từ quỹ công tác của đơn vị để bảo đảm 100% tiền, hàng từ thiện do bạn đọc gửi đến đều được chuyển tận tay đồng bào nghèo.
Báo CATP luôn được sự động viên, giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ... đã góp phần đưa công tác xã hội - từ thiện của Báo CATP đạt hiệu quả cao nhất. Ghi nhận những thành tích trên, tháng 6/2001 và tháng 10/2005, Báo CATP đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2001), hạng Nhì (2005) và hạng Nhất (2011) về thành tích xuất sắc trong công tác xã hội - từ thiện.