Chính nhà cách mạng, người cộng sản Hồ Chí Minh đã sản sinh ra nhiều nhà báo vĩ đại, trong đó có nhà báo Hồ Chí Minh - người có công xây dựng nền báo chí cách mạng nước ta, để lại di sản tư tưởng báo chí cách mạng và hiện đại có giá trị đến ngày hôm nay.
Hồ Chí Minh - Nhà báo vĩ đại
Trong cuộc đời cách mạng vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hơn 50 năm làm báo với hơn 170 bút danh và đã viết trên 2.000 bài báo, từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đến khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác luôn viết không ngừng nghỉ.
Thời kỳ ở Pháp, ngoài tờ Người cùng khổ, Bác còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài Người cùng khổ (năm 1922), Việt Nam Hồn (năm 1923), Quốc tế Nông dân (năm 1924), Bác còn thành lập và tham gia, chỉ đạo viết cho nhiều tờ báo khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 01/4/1922; Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo
Tháng 11/1924, Bác được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội", Bác sáng lập ra Báo Thanh niên - làm cơ quan ngôn luận, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927 ra đều đặn được 88 số bằng tiếng Việt tại nhà số 13A, đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), in trên giấy sáp. Bác đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén. Báo Thanh niên được chuyển về nước bằng đường thủy, tới các tổ chức cảm tình của Hội, các chi bộ, các cơ sở Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Nga.
Tháng 12/1926, Bác lập ra Báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 02/1927, Báo Lính Kách Mệnh. Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Thái Lan, Bác góp ý đổi tên Báo Đồng Thanh của Việt kiều thành tờ Thân Ái. Năm 1930, Bác sáng lập Tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 05/8/1930; đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác đắc lực của các tờ báo Đảng như: Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng nói của chúng ta...
Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập. Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập Báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 02/1951), Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân. Bác cũng chính là người đã viết hàng trăm bài cho Báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng. Với bề dày làm báo như vậy, nhà cách mạng Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại.
Tư tưởng báo chí hiện đại
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình. Với nghề báo, Bác là nhà báo mẫu mực và chuyên nghiệp. Bác từng nói, báo chí muốn có sức thuyết phục người xem thì phải mang tính chân thực cao: "Viết phải thiết thực, nói có sách mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào...". Bác ví dụ: "Chống tham ô thì phải nói rõ ai tham ô, ai lãng phí, cơ quan nào tham ô...". Các giáo trình báo chí hiện đại cũng đề cập các vấn đề đó, đặc biệt là viết đúng sự thật và rõ ràng (trả lời "5 W" - What, When, Where, Who, Why), cho thấy tư duy làm báo của Bác hiện đại như thế nào khi yêu cầu cao tính trung thực của báo chí, vì đó cũng chính là sức mạnh của báo chí.
Ngày 17/8/1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở Việt Bắc, Bác đã nêu 4 vấn đề rất căn bản đối với cán bộ báo chí: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?" và Bác giải thích rất cặn kẽ, dễ hiểu những câu hỏi này cho những người làm báo, rằng đó chính là mục đích, động cơ làm báo; là quan điểm về đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo, vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc và nhân dân.
Thực tế, trong những giáo trình báo chí hiện đại, những câu hỏi này cũng được đặt ra ở hình thức này hay hình thức khác, nhưng cuối cùng cũng trả lời những câu hỏi rất thực tế và khoa học như Bác đã nêu. Những câu hỏi của Bác - những yêu cầu của Bác với báo chí cho đến thời báo chí đa phương tiện, báo chí 4.0 vẫn có giá trị thời sự, có tính khoa giáo mà các nhà báo cần học tập, nghiền ngẫm, suy nghĩ trên bàn phím của mình.
Ở thời đại mà đôi khi kinh tế báo chí lấn át, hai câu hỏi làm chúng ta suy nghĩ nhiều là "Viết cho ai? Viết để làm gì?", làm ray rứt lương tâm các nhà báo mỗi khi gõ chữ trên bàn phím. Viết cái gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước, cho con người, xây dựng một nền báo chí cách mạng tiên tiến và nhân văn, là nhiệm vụ của người làm báo.
Soi vào hiện tại, trong thời kỳ mới, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, trong sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí dù cần phát triển kinh tế báo chí, nhưng dứt khoát không được sa vào xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa, điều này dễ có nguy cơ dẫn đến suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào ngày 08/9/1962, Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước ta lúc bấy giờ: "Bài báo thường quá dài, "dây cà ra dây muống", không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng..."; "Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...", "Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...; tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên để trước lại để sau...". Đó chính là những kinh nghiệm mà nhà báo Hồ Chí Minh đã từng trải, không chỉ dạy cho những người viết báo mà còn dạy cho những nhà báo làm công tác tòa soạn.
Xây dựng một nền báo chí cách mạng và hiện đại
Tư tưởng, quan điểm báo chí của Bác giúp cho các nhà báo nhiều bài học có tính nguyên tắc, đó là tính chính xác, tính chân thực, khoa học và cả tính thời sự. Đó là nền tảng để chúng ta xây dựng một nền báo chí cách mạng hiện đại, trung thực, khách quan và hướng thiện, để hội nhập quốc tế.
Báo chí đang có những thay đổi căn bản trên nền tảng đa phương tiện với nhiều loại hình báo chí, thể loại báo chí, đặc biệt là báo điện tử, buộc nhà báo hiện đại phải thích nghi. Nhà báo ngày nay phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện. Không chỉ xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh mà còn xử lý các chương trình tương tác khác, vừa dàn dựng video, âm thanh và cả các kỹ thuật đăng tải, truyền dẫn, phát sóng... Tuy nhiên, trên hết cần phải hiểu rằng Đảng lãnh đạo báo chí, là tiếng nói của Đảng, các đoàn thể, tổ chức chính trị... nhưng cũng là diễn đàn của nhân dân.
Trong tình hình kinh tế - xã hội, tình hình quốc tế có rất nhiều biến động, phân cực như hiện nay, báo chí càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Báo chí phải là tấm gương soi của xã hội, ở đó người ta có thể thấy nền tảng văn hóa - tinh thần, tinh thần dân chủ qua diễn đàn của nhân dân - một chức năng của báo chí cách mạng, đạo đức xã hội và cả khát vọng của nhân dân.
Trong cội nguồn nội tại, có thể nói truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam có sự đóng góp quan trọng chính là từ thơ văn yêu nước và cách mạng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khởi đầu là tờ Gia Định Báo (năm 1865) và những tờ báo yêu nước sau đó, để đánh dấu bằng cột mốc ra đời của Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925, hình thành nên nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trên nền tảng truyền thống 158 năm kế thừa và phát triển, đội ngũ làm báo nước ta đang cùng nhau xây dựng một nền báo chí trung thực, khách quan, hướng thiện, hiện đại và hội nhập. Đó phải là một nền báo chí cách mạng và phải là tiếng nói của nhân dân.
Đại tá, PGS.TS BÙI NGỌC GIÁP