Âm mưu “kinh tế hóa tranh chấp” của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ Ba, 30/07/2019 15:25

|

(CATP) Chiến lược Biển Đông (BĐ) của Trung Quốc (TQ) là tập hợp các chính sách đa lĩnh vực, có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành trong nước và sự điều chỉnh định hướng linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn cụ thể.

Trong đó, các hoạt động “quân sự hóa tranh chấp” một cách phi pháp được Bắc Kinh đẩy mạnh từ thập niên 1950 (cưỡng chiếm một phần Hoàng Sa), đến thập niên 1970 (cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa) và thập niên 1980 (chiếm đóng trái phép một số bãi đá ở Trường Sa) thuộc chủ quyền Việt Nam (VN).

Từ thập niên 1990 cho đến 2 thập niên đầu thế kỷ XXI, TQ tăng cường các hoạt động “chính trị hóa tranh chấp” trong quan hệ đa phương với các nước ASEAN nhưng vẫn kết hợp các quy tắc “chính trị nước lớn” khi cùng lúc gia tăng sức ép về chính trị - ngoại giao và tăng cường sự hiện diện quân sự ở BĐ.

Tuy nhiên, 2 xu hướng “chính trị hóa” và “quân sự hóa” tranh chấp dường như chỉ thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật nhằm gây áp lực trong ngắn hạn để tạo không gian cải tạo thực địa trên BĐ theo hướng có lợi cho TQ, từ đó tạo “thế đã rồi” giúp củng cố nền tảng thuận lợi cho các chính sách “kinh tế hóa tranh chấp” thực hiện nhiệm vụ thu hút các quốc gia khu vực và quốc tế cùng tham gia “cuộc chơi hàng hải” do Bắc Kinh điều phối trên BĐ về lâu dài, với những tuyên truyền đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Do đó, “kinh tế hóa” tranh chấp mới thực sự là định hướng chính sách mang tính chiến lược của TQ trên BĐ.

Nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính - cột mốc chủ quyền của Việt Nam ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Minh Tân

Từ sự háo thắng của chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”...

“Kinh tế hóa tranh chấp” là định hướng được đưa ra đầu tiên vào tháng 10-1982, khi TQ chính thức đề cập đến chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” (nhưng yêu cầu các bên trước tiên phải công nhận “chủ quyền thuộc TQ”).

Đến năm 2013, Đại hội Đảng lần thứ XVIII của TQ đề ra Chính sách xây dựng (XD) cường quốc hải dương, tiếp tục nhấn mạnh vị trí hạt nhân của an ninh kinh tế biển trong khái niệm an ninh hỗn hợp mới của nước này (quan điểm được đề ra từ thời ông Giang Trạch Dân).

Đây là một hoạt động lý luận quan trọng nhằm nâng cao vai trò của các hoạt động “kinh tế hóa tranh chấp” trong sự kết hợp với 2 xu hướng truyền thống là “chính trị hóa” và “quân sự hóa” tranh chấp.

Việc đẩy mạnh và đề cao vai trò các hoạt động “kinh tế hóa tranh chấp” nhằm giảm nhẹ khả năng leo thang căng thẳng trên BĐ và hướng đến 2 mục tiêu chiến lược sau cùng: kiện toàn “cuộc chơi hàng hải” do TQ điều phối và thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền “các bên đều có lợi”.

... Đến chính sách “lưỡng dụng” nhằm cải tạo thực địa ở Biển Đông

Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu XD phi pháp các đảo nhân tạo ở Trường Sa (TS). Đến tháng 4-2015, lần đầu tiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh tuyên bố tính “lưỡng dụng” trong kế hoạch triển khai các đảo nhân tạo mà nước này đang XD trái phép trên BĐ, bao gồm cả “XD nơi trú ẩn, hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm và cứu hộ, dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, dịch vụ nghề cá cùng thủ tục hành chính cần thiết cho TQ, các nước láng giềng cũng như chính các tàu” đang hoạt động trên BĐ”.

Tuyên bố này trên thực tế nhắm đến 3 mục tiêu: làm giảm quan ngại về quá trình “quân sự hóa” các đảo nhân tạo đang được Bắc Kinh cải tạo trái phép ở TS, nâng cao các nội dung tuyên truyền “đôi bên cùng có lợi” nhằm tạo lợi thế cho quá trình “chính trị hóa” trên bàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) giữa TQ với ASEAN và chuyển hướng dư luận một cách tinh vi sang định hướng nhận thức “kinh tế hóa” vì tương lai hậu cần hàng hải Đông Nam Á - lĩnh vực có tiềm năng khai thác rất lớn trên tuyến hàng hải huyết mạch (SLOC) như BĐ.

Đến năm 2017, lần đầu tiên TQ đưa ra sáng kiến Hợp tác kinh tế khu vực Nam Trung Hoa mở rộng tại phiên họp bên lề Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (BOAO) và liên tục duy trì chủ đề này trong chương trình nghị sự của BOAO các năm 2018 và 2019. Sáng kiến này đề cập đến các dự án hợp tác kinh tế biển, khoa học biển, hậu cần biển trên BĐ do TQ điều phối, từng bước sẽ dẫn đến XD một thể chế hợp tác chung cho khu vực biển mở rộng.

Bên cạnh đó, cũng tại Diễn đàn BOAO năm 2019, TQ tuyên bố khả năng gắn Sáng kiến hợp tác kinh tế khu vực Nam Trung Hoa mở rộng vào Sáng kiến BRI - một dự án lớn về cơ sở hạ tầng kết nối đang nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia trong và ngoài khu vực.

Tháng 3-2019, chính quyền tỉnh Hải Nam (TQ) tuyên bố XD kết nối Hải Nam - Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của VN) - Trung Sa (bãi Macclefield) thành trung tâm hậu cần chiến lược của cả khu vực. Đây là bước ngoặt trong các phát ngôn chính thức của một đơn vị hành chính địa phương TQ về vấn đề “kinh tế hóa tranh chấp” ở BĐ.

Đoàn đại biểu TP.HCM vẫy tay chào CBCS tại nhà giàn DK1/Tư Chính sau khi đến thăm, tặng quà các anh đang làm nhiệm vụ tại đây. Ảnh: Minh Tân

Việt Nam từng bước vạch trần âm mưu “kinh tế hóa” của Trung Quốc

Tiếp bước cha ông xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo từ hàng trăm năm qua, ngay từ những năm tháng khó khăn bị bao vây cấm vận, từ giữa thập niên 1970, VN đã xác lập “hành lang chủ quyền” ở quần đảo TS.

Đến cuối thập niên 1980, VN tiếp tục củng cố “hành lang chủ quyền” ở khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đầy tiềm năng dầu khí với hệ thống nhà giàn DK-1 hiên ngang trên các bãi cạn giữa biển đầy sóng gió. Sự củng cố và hoàn thiện liên tục cơ sở vật chất ở các “hành lang chủ quyền” đã tạo nên những lớp “thành đồng” trên biển của VN.

Sang thập niên 1990, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã phối hợp cùng các công ty dầu khí quốc tế tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN.

Các hoạt động này giúp tạo nên 1 vành đai kinh tế kéo dài từ cửa nam vịnh Bắc bộ đến tận mũi Cà Mau, với sự hiện diện lợi ích kinh tế của các cường quốc như Mỹ (Exxon Mobil), Nga (Rosneft, Gazbrom, Zarubezhneft), Nhật Bản (Idemitsu), Ấn Độ (ONGC)... dưới sự điều phối của tập đoàn dầu khí VN, tạo nên “vách sắt” cho VN giữa những lớp “thành đồng”.

Do đó, mặc dù phía TQ nhiều lần xâm lấn EEZ của VN để tiến hành những đợt thăm dò khai thác và gần đây nhất là vụ tàu khảo sát Hải Dương địa chất số 8 xâm phạm EEZ Việt Nam ở phía bắc bãi Tư Chính, thì kết quả cũng phải rút về mà không đạt kết quả cụ thể trước các lớp “thành đồng vách sắt” mà VN đã kiên cố hóa qua 4 thập kỷ. Việc VN chặn đứng được các hoạt động “kinh tế hóa” trên Biển Đông của TQ là thắng lợi trong tiến trình đẩy lùi chiến lược này.

Kết hợp cùng với các bước đi ngoại giao bài bản nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và quyền chủ quyền trên mặt trận pháp lý, phối hợp cùng ASEAN trong đàm phán COC với TQ trên phạm vi khu vực và kêu gọi sự quan tâm của quốc tế đối với an ninh hàng hải nói chung trên BĐ, VN thực sự đã tạo được thế trận từng bước phơi bày sự bá quyền mà TQ muốn XD trên BĐ để cảnh tỉnh các quốc gia liên quan không bị cuốn vào cái bẫy “kinh tế hóa” đang chờ sẵn.

Chiến lược “vây lấn” của Trung Quốc trên Biển Đông
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang