Anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo: Chìm nổi một cuộc đời

Chủ Nhật, 30/08/2015 05:10  | Huỳnh Thanh Văn

|

(CATP) Ngày 28-8-2015, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về xếp hạng di tích quốc gia, đối với nơi ở và hoạt động của đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo (dinh tỉnh trưởng cũ, sau là nhà bảo tàng tỉnh), tọa lạc tại số 146 Hùng Vương, phường 3, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Đây là nơi ở và hoạt động của đại tá Phạm Ngọc Thảo từ năm 1960 đến 1962, với cương vị là Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).

LÀM TỈNH TRƯỞNG, BỊ ÁM SÁT NHẦM

Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14-2-1922, trong một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo Công giáo.

Sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, ông ra Hà Nội học, tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu.

Năm 1946, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp khóa 1 ở trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ (chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng). 

Ông Phạm Ngọc Thảo thời trẻ- Ảnh: Tư liệu

Năm 1946 đồng chí Lê Duẩn được Trung ương cử vào Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp bảo vệ, đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam, về chiến trường Nam bộ để lãnh đạo kháng chiến.

Hiệp định Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam, với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.

Nhờ trí thông minh và kiến thức uyên bác, Phạm Ngọc Thảo được trí thức Sài Gòn hoan nghênh và anh em Ngô Đình Diệm tin dùng. Chính Ngô Đình Diệm đích thân phong tặng Phạm Ngọc Thảo cấp bậc trung tá và cử làm Tỉnh trưởng Bến Tre, để trắc nghiệm chương trình Bình định.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới, ông đề nghị trực tiếp với Ngô Đình Diệm 3 yêu cầu:

- Một là ổn định tình hình Bến Tre không phải bằng bạo lực mà là chính trị, vì ông không thể hành động như những quân nhân võ biền khác. Mục đích của ông là không phải đàn áp phong trào đấu tranh của Bến Tre đang lên cao độ.

- Hai, nếu bắt được Việt Cộng, có đủ bằng chứng, cho lập phiên tòa xét xử. Với yêu cầu này, Phạm Ngọc Thảo sẽ có cớ để trừng trị bọn đầu hàng, chỉ điểm.

- Ba, Tỉnh trưởng Bến Tre được đặc cách chỉ báo cáo với Tổng thống, không qua một ban, bộ nào. Như vậy, Phạm Ngọc Thảo sẽ tránh được những kẻ gièm pha, ton hót.

Ngô Đình Diệm đã chấp thuận cả 3 yêu cầu đó. Về làm Tỉnh trưởng Bến Tre một thời gian, ông đã ký quyết định thả 2.000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, trong đó có ông Võ Viết Thanh, sau này là Chủ tịch UBND TPHCM và lập tòa án trừng trị bọn phản bội, đầu hàng. Nhiều phản ứng của phía chính quyền và quân đội Sài Gòn đều được Phạm Ngọc Thảo bác bỏ, rằng Ngô Tổng thống đang thí nghiệm một luận thuyết mới: Luận thuyết thân dân, phải có thì giờ để kiểm nghiệm.

Có thể nói, chính sách không cho phép quân lính thuộc quyền đàn áp dân chúng của Phạm Ngọc Thảo đã góp phần cho các cuộc nổi dậy của quân và dân Bến Tre đạt được nhiều thắng lợi hơn.

Ông Đặng Quốc Tuấn (Tư Tuấn), sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bến Tre cho đến khi về hưu, nhớ lại: Hôm đó là ngày Quốc khánh VNCH 26-10-1961, một cuộc mít-tinh lớn biểu dương lực lượng được tổ chức tại Quảng trường An Hội, ngay khu Vườn Hoa 3 con chim câu bây giờ.

Ông Hai Trung, Tỉnh ủy viên phụ trách Thị ủy, đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho ông Thiều phá cuộc mít-tinh này với 5 trái lựu đạn, 3 trái nội hóa, 2 trái MK2 của Mỹ. Ông Thiều giao nhiệm vụ lại cho ông Tư Tuấn, lúc đó 17 tuổi, đang học đệ tam (lớp 10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2, 3 trái kia để ở nhà ông Thiều.

Ông Thiều đứng tại vị trí ngay trụ sở Báo Đồng Khởi ngày nay, còn ông Tư Tuấn đứng cách 10m. Theo bàn bạc, ông Thiều ném lựu đạn trước, ông Tư Tuấn ném tiếp theo, xong chạy về tập kết tại nhà ông Thiều ở thị xã.

Ông Tư Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ 30, tới phần diễu hành, tất cả quan khách đứng lên. Ông Thiều liệng 1 trái lựu đạn rơi cách ông Thảo 1 mét rưỡi, không thấy nổ. Tôi liệng tiếp 1 trái cách ông Thảo 5 mét rồi bỏ chạy, cũng không nổ luôn. Lúc đó bọn tôi bỏ chạy không để ý, sau giải phóng chị Nhiệm vợ ông Thảo về Bến Tre gặp chúng tôi có nói lại mới biết, lúc đó ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết làm sao thì thấy khói dần dần mỏng ra, ổng biết lựu đạn lép, nên nắm chặt luôn.

Tôi chưa biết ông Thiều bị bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại. Rủi cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có mật báo dẫn người lên ém. Tôi đến bọn chúng giữ lại, chưa bắt ngay. Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn và chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà ông Thiều. Vì cái cặp da có giấu cây súng trước đây tôi để trong cặp, nên tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ.

Một tuần sau khi hai ông bị bắt, ông Thảo có đến gặp ông Tuấn và ông Thiều. Lần đó, một cố vấn Mỹ thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch. Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám sát Tỉnh trưởng ngay tại ngày Quốc khánh? Có phải Cộng sản giao việc không? Ai là người giao việc?”. Trả lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới Cộng sản, không có ai giao việc cả”.

Ông Thảo dịch như thế nào ông Tư Tuấn không biết, ông Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm”. Lần thứ hai, ông Thảo đến hỏi thăm trước khi cả hai bị đưa về Chí Hòa.

Hai ông bị kết án mỗi người 20 năm tù, sau đó đưa ra Côn Đảo. Ông Thiều được trao trả năm 1973, thoát ly lên chiến khu, sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, qua đời năm 1984 vì bệnh. Còn ông Tư Tuấn đến ngày giải phóng mới về.

VANG DỘI CÁC CUỘC ĐẢO CHÍNH

Cuối năm 1963, cao trào chống đối Ngô Đình Diệm dâng cao, nhưng các tướng, tá còn nghi ngờ lẫn nhau nên chưa đứng vào một nhóm để hợp lực hành động. Tháng 9-1963, Trần Kim Tuyến - trùm mật vụ và Phạm Ngọc Thảo bí mật làm cuộc đảo chính. Do bị lộ, Tổng thống Diệm đã cử Trần Kim Tuyến đi làm Tổng Lãnh sự ở Ai Cập.

Ngày 1-11-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ do một nhóm tướng lĩnh khác. Chính làn sóng của Đài Phát thanh Sài Gòn, do trung tá Phạm Ngọc Thảo điều động, đã góp phần lớn vào việc tác động tinh thần quân đội và quần chúng ngoài phạm vi Sài Gòn trong cuộc đảo chính. Nên sau khi đảo chính, ông được nhóm sĩ quan cầm đầu thăng quân hàm đại tá.

Sau đó ông được tướng Nguyễn Khánh mời làm phát ngôn viên báo chí trong “Hội đồng quân nhân Cách mạng”. Khi Trần Thiện Khiêm được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ, ông được cử làm tùy viên báo chí và quân sự của Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại đây.

Đầu năm 1965, ông bị gọi về nước, vì chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ phát hiện ông hoạt động cho đối phương. Biết bị lộ, ông tìm cách trốn tránh và móc nối với các lực lượng đối lập khác như tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát để lật đổ chế độ.

Một kế hoạch chi tiết được vạch ra cho cuộc đảo chính với tên là Chiến dịch Nguyễn Huệ như sau: đại tá Phạm Ngọc Thảo chiếm 2 mục tiêu chính: Tư dinh của Nguyễn Khánh ở bến Bạch Đằng và Đài Phát thanh Sài Gòn với các lực lượng thiết giáp; thiếu tướng Lâm Văn Phát sẽ chiếm sân bay Biên Hòa với thiết giáp và bộ binh tại Thủ Đức; đại tá Bùi Dzinh chiếm Bộ tư lệnh biệt khu Thủ đô tại trại Lê Văn Duyệt với lực lượng bộ binh trung đoàn 46...

Đại tá tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo  tiếp xúc với người dân ở Bến Tre - Ảnh: Life

Cuộc đảo chính nổ ra trưa 19 tháng 2 năm 1965 ở Sài Gòn chỉ làm chủ Đài Phát thanh trong một thời gian ngắn, nhưng mục tiêu quan trọng hàng đầu là bắt sống Nguyễn Khánh đã không thực hiện được. Trong tờ Việt Tiến (in ronéo, phát bí mật) với bút hiệu Lê Minh, đại tá Phạm Ngọc Thảo đã viết: “Chúng tôi vì không muốn đổ máu mà hơn nữa ngay từ phút đầu đã thấy có sự chia rẽ và tranh giành nhau, nên tôi đã cho lệnh chấm dứt cuộc chính biến vào lúc 20 giờ ngày 19 tháng 2 và coi như 20 giờ làm chủ thủ đô đã chấm dứt”.

Không đầy ba tháng sau đó, đại tá Phạm Ngọc Thảo bị An ninh quân đội Sài Gòn truy bắt tại Tam Hiệp, Biên Hòa khi ông đã bị thương và bị sát hại dã man vào ngày 17-7-1965. Đã 50 năm, đại tá tình báo Anh hùng Phạm Ngọc Thảo anh dũng ngã xuống cho tự do, độc lập của Tổ quốc.

Những năm 1988, 1989 bà Phạm Thị Nhiệm, phu nhân ông Thảo định cư ở Mỹ, có về thăm tỉnh Bến Tre và An Giang. Ông Dương Văn Ẩn (Mười Ẩn) - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh (cùng chung Tiểu đoàn 410 lừng danh của Phạm Ngọc Thảo những năm 1948 - 1949, lúc hoạt động ở Đồng Tháp Mười) đã đưa bà Nhiệm đi thăm Dinh Tỉnh trưởng, nơi ông làm việc ngày trước và một số người thân quen. Bà hỏi chú em chọi lựu đạn ám sát ông Thảo ngày đó bây giờ ra sao?

Ông Mười Ẩn liền cho gọi Tư Tuấn (Đặng Quốc Tuấn) lại Dinh Tỉnh trưởng gặp bà. Bà Nhiệm thăm hỏi Tư Tuấn trong niềm vui vô hạn, rồi bảo anh gửi cho bà tấm ảnh khi còn là học sinh Kiến Hòa, để về treo bên cạnh ảnh ông Thảo làm kỷ niệm. Bà kể: “Hồi đó, ông Thảo vẫn thường nhắc chúng mầy”...

Đại tá Phạm Ngọc Thảo được truy tặng Anh hùng LLVT và được đặt tên cho một con đường tại TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang