(CATP) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam từ khi ra đời đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, "... do nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu..." (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống xâm lược bảo vệ bờ cõi, QĐND càng phát triển hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, nhân dân trong bất kỳ tình huống nào. Trong đại dịch Covid-19 kéo dài suốt từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là trong cao điểm các tháng 6, 7, 8, 9-2021; hình ảnh "bộ đội Cụ Hồ" có mặt trên tuyến đầu chống dịch đã làm cả nước nói chung, nhân dân TPHCM nói riêng, vô cùng xúc động, tự hào...
Sài Gòn - thành phố khổng lồ với khoảng 13 triệu dân (cả thường trú, tạm trú) ngày thường luôn nhộn nhịp chen chúc, thế mà suốt 3 tháng cao điểm chống dịch giữa năm 2021, những đại lộ thênh thang ở trung tâm thành phố vắng lặng, buồn bã. Chốt gác dựng lên khắp nơi, từ đường chính đến hẻm nhỏ; bảng đỏ cảnh báo và dây thép gai chia cắt từng con đường, khu phố.
Hàng triệu gia đình nơm nớp thu mình trong nhà, quên tất cả nhu cầu ngoài phố để bắt đầu cuộc sống kham khổ chịu đựng. Gần 60 năm đời người và gần 40 năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ những người như tôi có thể tưởng tượng ra một thành phố "giãn cách xã hội", một thành phố giữa đại dịch còn ngột ngạt, sợ hãi hơn cả thời chiến như thế!
Lực lượng quân đội tăng cường cho TPHCM đang đi trao quà an sinh cho các hộ nghèo tại phường 3, quận Tân Bình
Kẻ thù vô hình lởn vởn khắp nơi, làm thay đổi sinh hoạt, tình cảm của cả loài người, cả thời đại văn minh, đến mức ngay cả người thân thiết, ruột thịt cũng có thể gây hiểm họa dịch bệnh cho nhau. Làm sao có thể ngờ những người con hiếu thảo ra ngoài mưu sinh rồi trở về với "Covid" làm hại cha mẹ già; làm sao có thể ngờ vô số gia đình người lớn đã mất hết chỉ sau vài cơn sốt, cơn ho, để lại hàng ngàn đứa trẻ côi cút; làm sao có thể ngờ hệ thống y tế của TPHCM quá tải, đứng trước nguy cơ vỡ trận và mỗi ngày 3, 4 trăm ca tử vong, không kịp đếm chứ nói gì đến mai táng! Làm sao tưởng tượng dân Sài Gòn có lúc thèm một ổ bánh mì mà không thể mua, cần một bó rau, gói muối mà không thể ra chợ... chiến tranh cũng không thể tàn phá, đe dọa và làm khổ con người hơn mức đó!
Chính trong lúc Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương... đang lâm nguy, hổn hển kiệt sức vì đại dịch như vậy, Bộ Quốc phòng đã điều động cả trăm nghìn bộ đội, sĩ quan, dân quân phối hợp với các lực lượng công an, y tế, thanh niên tình nguyện... lao vào tuyến đầu chống dịch.
Đã 46 năm rồi, kể từ ngày 30-4-1975, Sài Gòn mới tràn ngập sắc xanh quân đội như thế. Bộ đội gác chốt cùng công an, bộ đội vác bình oxy chạy huỳnh huỵch vào hẻm sâu cấp cứu; bộ đội chở rau, chở gạo trên những chiếc xe máy, xe đạp vào từng hộ dân nghèo khổ nhất; bộ đội đi chợ mua cá, mua rau giúp các bà nội trợ, bộ đội dọn rác; lấy mẫu xét nghiệm, tuần tra bảo vệ an ninh trật tự cùng công an; bộ đội chuyển các F0, F1 đi cấp cứu, cách ly cùng lực lượng y tế; bộ đội mai táng và mang tro cốt những người không may về cho thân nhân của họ... Đâu đâu cũng có bộ đội, đâu đâu bộ đội cũng được dân mến, dân thương, dân khen... Ngày cũng như đêm, thấy bộ đội là thêm phần an tâm, thêm người giúp đỡ!
"Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, vì dân, do dân..." sẽ là như thế, mãi mãi là như thế, không gì có thể thay đổi được điều này. Xin cảm ơn những người lính đã xông pha giữa đại dịch để lo cho dân, cứu dân, hết lòng vì dân!