Ba phương án cấm bán rượu bia theo giờ

Thứ Sáu, 13/04/2018 19:08

|

(CAO) Ngày 13/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Dự thảo Luật này là quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia và hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Trước đó, Dự thảo lần 1 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ bị dư luận cho rằng không khả thi, tại dự thảo lần này, quy định này đã có sự thay đổi.

Hiện, Bộ Y tế có ba phương án. Phương án 1 chỉ được bán rượu, bia từ 11 giờ đến 14 giờ và 17 đến 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 2 là bán từ 6 đến 22 giờ hằng ngày. Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

Đề xuất cấm bán rượu bia theo giờ bị dư luận cho là không khả thi. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, đây là ba phương án đưa ra để lấy ý kiến công luận, phương án nào nhận được nhiều sự đồng thuận, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và chỉnh sửa.

Dự thảo Luật sẽ nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí. Ngoài nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên, việc quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.

Về việc quản lý sản xuất rượu thủ công, Dự thảo Luật siết chặt hoạt động kinh doanh này nhằm hạn chế tối đa hậu quả gây ra nếu có của việc sản xuất rượu thủ công.

Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ.

Theo đó, với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, Dự thảo Luật quy định, người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Theo thông tin của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, hiện chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới.

Năm 2017, sản lượng bia Việt Nam chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/ năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế cùng thời kỳ chỉ bình quân 113 USD/người.

Dự tính vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng con số thực tế theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm. Bên cạnh đó, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tỉ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.

Rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Thiệt hại của rượu, bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu, bia mang lại...

Bình luận (0)

Lên đầu trang