Điều đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử là những cuộc kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Lê-nin, đã được Đảng ta tổ chức trong những tháng năm hoạt động cách mạng bí mật (1930 - 1945). Để tổ chức được những cuộc kỷ niệm này, trong thời gian ấy, đồng chí và đồng bào ta đã phải hy sinh cả tính mạng mình trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù.
Tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười lần đầu tiên ở Việt Nam
Năm 1929, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đã nêu lên 17 khẩu hiệu để tổ chức kỷ niệm 12 năm Cách mạng tháng Mười Nga, trong đó có 6 khẩu hiệu nổi bật là: Cách mạng tháng Mười Nga muôn năm! Bênh vực Liên bang Xô Viết! Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa! Giao nhà máy cho thợ thuyền! Trả ruộng đất cho dân cày! Lập chính quyền Xô Viết công nông binh Đông Dương! Đánh đổ Nam triều và chế độ phong kiến!
Trong nội dung các tờ truyền đơn được phát tán, đã viết rõ: "Kỷ niệm Cách mạng tháng Mười không những là để thị uy với quân địch và giác ngộ quần chúng, kỷ niệm là để cho mình xứng đáng với ý nghĩa cuộc kỷ niệm ấy. Kỷ niệm là phải mau mau đoàn kết nhau lại cho kiên cố rồi theo gương Cách mạng tháng Mười làm cách mạng ở Đông Dương".
Nhà xuất bản của Trung ương Cục miền Nam trong ngày kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11/1954), tại chiến khu U Minh
Suốt tháng 10 và trong tuần đầu tháng 11/1929, hội viên các tổ chức Công hội và Nông hội đã bí mật chuẩn bị cho việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười lần thứ 12. Ngay trong buổi sáng sớm ngày 07/11/1929, tại các địa phương thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Tuaran, Phaiphô, Quảng Nam - ở nơi xưởng thợ cũng như tại các vùng nông thôn đều có treo cờ đỏ búa liềm, dán yết thị và phát tán truyền đơn giữa các lối đi, trên mái nhà, trên ngọn cây, trên cột dây thép... Việc treo cờ, dán yết thị và phát tán truyền đơn đã liên tiếp diễn ra trong hai ngày 07, 08/11/1929. Có những lá cờ vì được treo quá cao nên phải mất tới 3, 4 ngày bọn địch mới gỡ được.
Theo nguồn tài liệu được lưu giữ của các cơ quan lưu trữ, chúng ta biết rằng, ngay từ tối ngày 06/11/1929, tại các nhà máy lớn ở Nam Định và Vinh (nhà máy dệt, nhà máy điện, nhà máy diêm...) đều có toán lính khoảng 30 người do một tên thiếu úy chỉ huy kéo đến bao vây suốt đêm ngày. Những công xưởng tại Tuaran và Thanh Hóa đã bị bọn cảnh sát và mật thám đeo bám gắt gao. Ở thành phố Huế cũng như tại các tỉnh lỵ Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, bọn Pháp đã cho lính đi tuần tra suốt đêm. Thậm chí trong nhà trường (như Quốc học Vinh, Bách nghệ Huế...), bọn đốc trường người Pháp cũng luôn luôn sợ sệt, tuy không rời súng lục, dao găm.
Tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười trong các cao trào đấu tranh 1930 - 1931 và 1936 - 1939
Một điều có ý nghĩa chính trị và tư tưởng sâu sắc là, sau khi được thành lập, Đảng ta đã tổ chức thành công những cuộc kỷ niệm đầy ấn tượng về Cách mạng tháng Mười Nga, về ngày sinh và ngày mất của Lê-nin nối tiếp nhau diễn ra trong các cao trào cách mạng. Trong những năm tháng ấy, mặc dù chủ yếu là hoạt động trong điều kiện bí mật và bất hợp pháp, nhưng báo chí cách mạng của chúng ta đã phát huy được lợi khí trên trận địa tư tưởng nhằm truyền bá trong quần chúng tư tưởng vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Mười. Đó là các tờ: "Báo Vô sản" - cơ quan của Lao động Đông Dương; "Báo Lao động" - cơ quan của Đảng bộ Tây Nam kỳ; "Báo Tân học sinh" - của Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội; "Báo Lao khổ" - cơ quan của Tỉnh ủy Nghệ An; "Lao tù tạp chí” - của Nhà tù Hỏa Lò; "Báo Suối reo" - của Nhà tù Sơn La; "Báo Tiến lên" - của Nhà tù Côn Đảo...
"Báo Lao động" trong bài viết kỷ niệm 17 năm Cách mạng tháng Mười (1934), đã giải thích cho đồng chí và đồng bào ta nhận thức về 4 lý do cần phải tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là vì:
- Cách mạng tháng Mười là bước đầu tiên thắng lợi của vô sản thế giới.
- Chúng ta noi theo tinh thần của các chiến sĩ kiên quyết hy sinh vì quyền lợi giai cấp đấu tranh mà phải bỏ mình.
- Chúng ta học tập kinh nghiệm hay của Cách mạng tháng Mười.
- Chúng ta vạch mặt chỉ trán bọn quốc gia cải lương phản cách mạng và bọn chủ trương cực tả hoạt động trốtxkít đồ đệ của Trốtxki ở Đông Dương.
Để thiết thực kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Báo Lao động đã nêu lên trước quần chúng những nhiệm vụ cần kíp trong cương lĩnh hành động nhằm đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ:
1. Chống các sắc thuế (đòi bỏ hẳn thuế thân)
2. Chống lúa ruộng, lúa vay, tiền thế chưn, cống lễ
3. Công nhân ngày làm 8 giờ, có xã hội bảo hiểm
4. Trợ cấp cho công nhân thất nghiệp
5. Đàn bà con nít làm ngang hàng với đàn ông thì tiền lương phải ngang nhau
6. Đòi tự do đoàn kết, tự do ngôn luận, tự do đi lại của lao động
7. Phản đối khủng bố trắng, thả tù chính trị...
"Báo Dân chúng" - cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương, số 29, ra ngày 05/11/1938 đã viết bài "Nhân dân Đông Dương kỷ niệm Cách mạng tháng Mười bằng cách nào?". Tờ báo viết:
"Ở xứ Đông Dương các tầng lớp nhân dân đang rên siết dưới chế độ bóc lột thuộc địa tàn nhẫn, thợ thuyền chịu nạn sinh hoạt đắt đỏ, tiền lương không tăng, nhiều chủ không thi hành luật lao động, tự do nghiệp đoàn chưa có mà xin tổ chức ái hữu cũng bị bắt bớ ngăn cản; dân cày không đất cày, bị địa tô cao, cho vay siết họng, hoặc mất mùa đói khổ; kêu cứu thì bị vu cáo là "quấy rối trị an" và bị bỏ tù, tiền lương viên chức hứa tăng mà chờ mãi không thấy thi hành.
Kỷ niệm 21 năm Cách mạng tháng Mười, chúng ta phải biết học lấy cách ứng dụng chiến thuật tranh đấu vì ba khẩu hiệu "hòa bình, bánh mì, tự do" sao cho thích hợp trong giai đoạn hiện tại với tình hình cụ thể của xứ Đông Dương bị chế độ thuộc địa dã man áp bức... Điều kiện để đảm bảo sự thắng lợi của cuộc tranh đấu vì tự do, hòa bình, cơm áo là phải liên hiệp tất cả lực lượng tiến bộ vào Mặt trận dân chủ thống nhất".
Chỉ tính riêng trong năm 1930, đồng thời với việc tổ chức các cuộc bãi công, Đảng ta đã tổ chức trong khắp Đông Dương 15 cuộc biểu tình và mít-tinh lớn nhân dịp kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Mười. Trên cả 3 miền của đất nước ta đều có tổ chức lễ kỷ niệm. Bắc Kỳ là nơi tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười tốt nhất trong nhà máy, xưởng thợ. Trung Kỳ là nơi tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười tốt nhất ở nông thôn. Có nơi, nông dân đã biến biểu tình thành những cuộc vũ trang tấn công vào các công sở của địch, như ở Phú Diễn và Phủ Lý. Ở Phú Diễn, những người biểu tình đã chiếm được nhà ga.
Những dấu ấn lịch sử đặc biệt trong việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười
Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười đã khắc sâu trên những trang sử đỏ dấu ấn cách mạng thiêng liêng. Đó là việc các chiến sĩ Cộng sản với niềm tin vô hạn, từ trong bóng tối nhà giam của bọn thực dân Pháp đã tổ chức những cuộc tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười không thể nào quên. "Lao tù tạp chí” của Nhà tù Hòa Lò Hà Nội, "Tờ Tiến lên" của Nhà tù Côn Đảo, "Tờ Suối reo" dày 60 trang của Nhà tù Sơn La... đã viết nhiều bài đặc sắc. Điều đáng nhớ là "Tờ Lao tù tạp chí” của Nhà tù Hỏa Lò, số ra đặc biệt ngày 07/11/1931, đã đăng bài thơ "Bài ca Cách mạng tháng Mười" do tập thể các đảng viên Cộng sản sáng tác. Xin trích nội dung như sau:
Sóng cách mạng vang ầm mặt đất
Công nông Nga đã phất cờ đầu
Mười ngày chấn động hoàn cầu
Làm gương cho bạn năm châu trông vào
...
Thợ thuyền cùng với dân cày
Toàn Nga vui vẻ mừng ngày thành công
Bảy dân tộc cùng nhau kiến thiết
Lập ra thành Xô Viết Liên bang
Công nông sung sướng muôn vàn
Hết đời áp bức hoàn toàn tự do!
...
Lê-nin lại gắng công lập kế
Tổ chức ra Quốc tế đệ tam
Năm châu vô sản kết đoàn
Cùng dân nhược tiểu phá tan quân thù
Nên cách mạng cơ đồ bền vững
Cuộc thành công cũng chẳng bao lâu!
Đông Dương ta phải mau mau
Cứu ta, ta phải cùng nhau một lòng.
Việc tổ chức kỷ niệm 14 năm Cách mạng tháng Mười Nga tại Nhà tù Côn Đảo cũng đã diễn ra một sự kiện đặc biệt. Các chiến sĩ Cộng sản bị giam cầm ở đây đã dựa theo nội dung cuốn sách "Mười ngày rung chuyển thế giới" (của John Reed) để soạn thành một vở kịch tự biên tự diễn đưa lên sân khấu. Hình ảnh đất nước Lê-nin trong những ngày sôi sục cách mạng đã làm sống lại những bài học của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, làm say mê cả người diễn lẫn người xem.
John Reed là nhà văn, nhà báo Mỹ, là người sáng lập Đảng Công nhân Cộng sản - tiền thân của Đảng Cộng sản Mỹ. John Reed đến nước Nga vào mùa hè năm 1917. Khi Cách mạng tháng Mười nổ ra, ông là nhân chứng lịch sử được tận mắt chứng kiến những sự kiện lịch sử vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Mười. Với vốn sống phong phú và nguồn tư liệu dồi dào, John Reed đã viết tác phẩm "Mười ngày rung chuyển thế giới" gồm 12 chương, được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1919. Đây là một kiệt tác văn học cách mạng, được Lê-nin đánh giá cao, được tạp chí New York Times xếp vào diện "100 ấn phẩm báo chí xuất sắc của mọi thời đại".
Những năm cao trào cách mạng 1936 - 1939, Đảng ta đã tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng Mười trong hai sự kiện lịch sử rất độc đáo. Năm 1939, Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Khóa 1) họp tại Bà Điểm (Gia Định) nhằm chuyển hướng sự chỉ đạo về chiến lược và sách lược đấu tranh để thích ứng với tình hình trong nước và thế giới sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Hội nghị đã được tiến hành trong những ngày kỷ niệm 22 năm Cách mạng tháng Mười Nga (06 - 08/11/1939).
Năm 1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã chủ trương lấy ngày kỷ niệm 23 năm Cách mạng tháng Mười Nga làm thời điểm lịch sử để phát lệnh khởi nghĩa cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ xuất phát vào lúc 12 giờ khuya ngày 22/11/1940. Thường vụ Xứ ủy giải thích rõ: "Vì ngày 22/11 dương lịch trùng với ngày 23 tháng mười âm lịch. Vào ngày đó, theo lịch Nga, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới do Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo đã thắng lợi. Mong muốn cuộc khởi nghĩa của Đảng ta cũng sẽ thắng lợi như thế".
Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến việc tổ chức những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười trong lịch sử mà không nói đến khí phách chủ nghĩa anh hùng của đồng chí, đồng bào ta và sự đàn áp cực kỳ man rợ của bọn thực dân Pháp. Đặc biệt là trong những ngày tổ chức kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Mười tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (07/11/1930). Chỉ nói riêng ở huyện Yên Thành trong cuộc biểu tình lớn với hàng nghìn người kéo về huyện lỵ để đòi giảm sưu cao thuế nặng và chống khủng bố, đã có tới 24 người dân bị địch bắn chết.
Ở huyện Diễn Châu, bà con nông dân kéo tới phủ để đưa yêu sách, đã bị lính Pháp bắn chết 47 người, hàng trăm người bị chết trôi, nhưng đoàn biểu tình vẫn dũng cảm kéo thẳng vào phủ lỵ Diễn Châu để đấu tranh với địch.