Chúng ta được thừa hưởng từ Bác Hồ một kho tàng lý luận và thực tiễn vô cùng quý giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được thể hiện trong gần 200 bài nói, bài viết và trong những cuốn sách viết về vấn đề tu dưỡng của người cán bộ cách mạng. Điều đặc biệt là, bằng những hoạt động không hề mệt mỏi để xây dựng Đảng ta, Bác đã trang bị cho chúng ta kim chỉ nam hành động - đó là những nguyên lý tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Suốt trong chiều dài lịch sử, từ những tháng năm bôn ba đi tìm đường cứu nước đến lúc từ giã cuộc đời, công tác xây dựng Đảng là mối quan tâm hàng đầu của Bác. Sau khi tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, cách đây 100 năm - năm 1924, Bác đến thành phố cách mạng Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), ráo riết chuẩn bị về mặt lý luận và tổ chức để thành lập Đảng ta. Ở đây, Người đã mở các lớp huấn luyện chính trị, gửi người sang Liên Xô học tập, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng; sáng lập báo Thanh Niên; tổ chức ra các nhóm thiếu niên, phụ nữ cách mạng Việt Nam đầu tiên...
Đầu năm 1930, Bác triệu tập Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (gần Hồng Kông). Hội nghị thông qua "Chính cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt" và "Điều lệ vắn tắt" của Đảng do Bác soạn thảo.
Bác Hồ với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3/1964 (Ảnh: TTXVN)
Tháng 10/1930, Bác chủ trì cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ 1 họp ở Hồng Kông. Hội nghị đã đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, được sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của Bác Hồ và dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng ta đã có bước khởi động mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng về mặt tổ chức. Theo số liệu thống kê của Tạp chí Quốc tế Cộng sản tháng 5/1932: "Chỉ trong khoảng thời gian một năm (4/1930 - 4/1931), Đảng Cộng sản Đông Dương đã kết nạp 2.400 đảng viên vào Đảng, 1.500 thanh niên vào Đoàn Thanh niên cộng sản, 6.000 người vào Công hội đỏ và 64.000 người vào các hội nông dân".
Ngày 12/5/1931, Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho Bác Hồ, đánh giá cao sự cống hiến của Người gắn liền với việc thành lập, tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương.
Quán triệt lời dạy của V.Lê-nin "Cướp chính quyền đã khó, việc giữ vững chính quyền càng khó hơn", sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và sau ngày toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Chỉ mới hai tuần lễ sau ngày Quốc khánh nước ta, ngày 17/9/1945 Bác đã viết thư gửi các đồng chí tỉnh Nghệ An nói rõ những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và các cơ quan chính quyền. Ngày 17/10/1945, Người tiếp tục gửi thư cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu lên 6 lỗi lầm của cán bộ cần được sửa chữa.
Năm 1947, Bác Hồ viết quyển "Sửa đổi lề lối làm việc", trong đó Người đã nêu lên "12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính". Năm 1949, Bác viết nhiều bài trên báo xoay quanh vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng như: "Cần, kiệm, liêm, chính", "Đảng ta", "Dân vận"... Ngày 18/01/1949, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ 6, Bác Hồ chỉ rõ cần phải "chấn chỉnh bộ máy chính quyền, chỉnh đốn các đoàn thể quần chúng và chỉnh đốn nội bộ Đảng".
Tháng 01/1950, Bác gửi thư cho Hội nghị toàn quốc của Đảng nói rõ về việc xây dựng Đảng. Đầu năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II, Người đã báo cáo về những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và nêu ra những nhiệm vụ mới nhằm sắp xếp bộ máy tổ chức để đưa Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ CAND, tháng 02/1961 (Ảnh: TTXVN)
Trong những năm 1952 - 1954, công tác xây dựng Đảng càng được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng năm 1953, Bác Hồ đã viết 50 bài báo, trong đó nhiều nhất là viết về xây dựng Đảng. Cũng trong thời gian này, Đảng ta đã liên tục tiến hành các đợt chỉnh huấn, chỉnh Đảng và chỉnh quân để thực hiện việc "tinh binh, tinh cán" dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ. Ở các cơ quan của Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của Đảng từ cấp Trung ương đến cấp huyện đều phải chỉnh huấn, chỉnh Đảng. Trong quân đội, toàn thể bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đều phải chỉnh huấn. Có thể nói, kết quả của các đợt chỉnh quân này đã tăng cường việc trang bị cho quân ta sức mạnh vô địch về tư tưởng và khả năng chiến đấu để lập công to trong chiến dịch Tây Bắc (tháng 10 - 12/1952) và Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3 - 5/1954).
Công tác xây dựng Đảng đã được Bác Hồ đặc biệt quan tâm chỉ đạo tiến hành nối tiếp liên tục trong thời kỳ Đảng ta tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi ký kết hiệp định Genève, tháng 3/1955, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa II), Bác đã đề ra 3 vấn đề: Cải tiến sự lãnh đạo của Đảng, kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng và sửa đổi lề lối làm việc. Tháng 4/1956, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Người đã phân tích những thiếu sót trong công tác Đảng, trước hết là sự lãnh đạo về tư tưởng. Tháng 9/1962, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp về cuộc vận động chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Tháng 3/1965, trong cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bác đã nêu lên vấn đề xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết, vấn đề đạo đức và tác phong của đảng viên. Trong thời kỳ này, Bác Hồ cũng đã viết nhiều bài báo về công tác xây dựng Đảng như: "Tự phê bình và phê bình" (1955), "Chi bộ ở nông thôn" (1957), "Đạo đức Cách mạng" (1958)...
Trong những năm cuối đời (1966 - 1969), Bác Hồ đã để tâm nhiều đến công tác xây dựng Đảng. Người đến thăm và nói chuyện với hội nghị tổng kết công tác xây dựng chi bộ "bốn tốt", trực tiếp giảng bài cho lớp huấn luyện đảng viên mới... Hàng năm, đến ngày thành lập Đảng, Bác thường viết bài nhắc nhở cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng.
Trước khi qua đời, Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một Bản Di chúc thiêng liêng, trong đó kết tinh những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người. Có thể nói, Bản Di chúc này còn là nơi hội tụ những nguyên lý về công tác xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những sự kiện lịch sử đã được minh chứng trên đây về việc xây dựng Đảng của Bác Hồ, giống như chiếc thấu kích hội tụ về tư tưởng, giúp cho chúng ta nhận thức ở trong đó những nguyên lý của công tác xây dựng Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tuân theo sự giáo huấn của Bác Hồ, kể từ ngày Bác đi theo cụ Các Mác, cụ Lê-nin, Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhờ vậy, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành được những thành tựu vô cùng to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn có những hạn chế, khuyết điểm; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Nhận thấy rõ tác hại nghiêm trọng của nguy cơ này, từ năm 1986, khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (02/02/1999) chỉ rõ: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, lãng phí có chiều hướng phát triển nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên". Đại XI của Đảng (01/2011) tiếp tục xác nhận: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống phát triển trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng". Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (01/2012) đã cảnh báo: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống còn phát triển trong những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp". Tại Đại hội XIII của Đảng (01/2011), Đảng đã đề ra nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng về cán bộ, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cho đến nay nguy cơ này vẫn chưa được đẩy lùi. Chúng ta được biết, trong năm 2023, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 423 tổ chức Đảng (tăng 2,92% so với năm 2022), thi hành kỷ luật 18.130 đảng viên (tăng 10,64% so với năm 2022), có 3.073 cấp ủy viên (chiếm 16,94%) (Nguồn: sggp.org.vn, ngày 27/12/2023).
Chúng ta vô cùng thấm thía trước lời dạy của Bác Hồ: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, xuất bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr.557 - 558).
Thực tiễn cho thấy rõ, muốn làm tốt công tác xây dựng Đảng, không thể không gắn chặt giữa hai nhiệm vụ xây và chống, đặc biệt là phải đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt hơn nữa Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
(CATP) Tác phẩm"Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng"(NXB Chính trị quốc gia Sự thật 2023) tái bản lần thứ 22, của GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú là những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người mà từ những bậc danh nhân, hào kiệt đến đứa trẻ chưa biết chữ trên đất nước Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua đều kính yêu, thần tượng gọi là Bác Hồ, Cụ Hồ... Những câu chuyện đó càng làm chúng ta kính phục lòng yêu nước, trí tuệ và nhân cách vĩ đại của Bác Hồ...