(CAO) Chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra hơn 10 vụ đuối nước làm 16 em học sinh thiệt mạng. Nếu tính cả đầu năm 2015 đến nay thì con số này xấp xỉ 30 em. Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em?
Những con số giật mình
Theo Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ trẻ em bị tai nạn đuối nước cao nhất thế giới. Trong năm 2014, có tới 76 em bị chết vì đuối nước.
Nghệ An là tỉnh có nhiều ao hồ, sông suối, kênh rạch nên tình trạng trẻ em chết đuối tương đối cao. Từ đầu năm 2015, các cấp chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền sâu rộng nhằm hạn chế số lượng trẻ em đuối nước nhưng thực trạng trên không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng.
Trẻ em đi tắm biển cần có người lớn đi theo để kèm cặp
Điển hình như, ngày 16-5, trên địa bàn Nghệ An xảy ra hai vụ đuối nước làm 5 em học sinh tử vong. Trong đó, có hai anh em ruột là Vũ Văn Huynh, Vũ Văn Đệ, học sinh lớp 5, trường tiểu học Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Được biết, gia cảnh của hai em học sinh này vô cùng khó khăn.
Ngày 10-5, trong lúc theo ông nội đi chơi, bé trai Hồ Hữu Tạo (4 tuổi, trú xóm 3, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) đã sẩy chân rơi xuống ao chết đuối mà người ông không hay biết. Chiều cùng ngày, hai em Nguyễn Cẩm Tú, Nguyễn Hà My (học sinh lớp 6, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) rủ nhau sông Lam tắm cũng bị đuối nước.
Nguyên nhân được cho là các em tranh thủ trước lúc tập văn nghệ xuống sông tắm.
Tiếp đó ngày 18-5, bé Trần Thị Thanh Thảo (3 tuổi, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu) cũng rơi xuống ruộng lúa tử vong khi theo mẹ ra đồng.
Phải vào cuộc quyết liệt hơn
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An cho biết: “Mới đầu mùa hè nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước xảy khá phổ biến khiến chúng tôi rất lo lắng. Hiện, sở đang soạn thảo công văn để chỉ đạo về vấn đề trên.
Đồng thời, đôn đốc các huyện có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao sớm mở các lớp dạy bơi trong tháng 6”. Vài ngày sau đó, Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An cũng đã có công văn yêu cầu nhà trường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và gia đình tuyên truyền, ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Những buổi tập huấn nâng cao kĩ năng để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở học sinh
Cũng nhân dịp này, các trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều buổi dạy tập bơi, kỹ năng tắm biển cũng như cách vượt khỏi vùng nước xoáy.
Em Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 5, trường tiểu học Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: “Chúng em tập bơi và có các thầy giáo cô giáo hướng dẫn. Tuy nhiên các bạn bị nạn đều là đi riêng với nhau và không có người lớn. Hơn nữa cứ mỗi lần muốn tắm, muốn bơi cũng không có bể nên phải xuống biển”.
Có thể nhận thấy, để tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, không chỉ tuyên truyền trên giấy và các văn bản mà phải những giải pháp cụ thể. Trong đó, vai trò giám sát của nhà trường, gia đình là yếu tố quyết định.
Việc tạo sân chơi, điểm giải trí tập trung cho các em học sinh vào dịp hè cần được chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa. Tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng đuối nước cần có biển cảnh báo, hướng dẫn để hạn chế tối đa xảy ra tình trạng đuối nước.