Ông có một thời gian dài cộng tác với Báo Công an TPHCM với nhiều bài vở về tình hình ANTT đầy giá trị. Nhân kỉ niệm 45 thành lập Báo, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông, ghi nhận những kỷ niệm với Báo CATP trong những tháng ngày tham gia cộng tác với Báo CATP.
Một độc giả "đọc nóng" tờ Báo Công an TPHCM tại sạp bán báo. Ảnh: T.Minh
Quê tôi ở Vĩnh Long, nơi có 2 cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền và sông Hậu, sắp tới đây sẽ còn có đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Nhắc đến chuyện cầu, đường tôi không thể quên bến phà Mỹ Thuận, nơi mà hàng đêm các loại xe phải tranh thủ chạy đua với thời gian để kịp chuyến phà chót ở bến phà Mỹ Thuận. Bởi sau 12 giờ khuya phà ngừng chạy đến 4 giờ sáng hôm sau mới hoạt động trở lại.
Và thế là Báo Công an TPHCM cùng các tờ báo khác cũng phải chạy đua với thời gian để qua phà, kịp phát hành báo đến bạn đọc những tin nóng hổi vào sáng sớm. Tôi nhớ các anh tài xế của báo như Mai Văn Việt, Ba Then, Văn Xựng… khi chạy xe chở báo ngang cơ quan tôi đều tranh thủ gửi tặng tờ Báo CATP rồi tiếp tục phóng xe mất hút trong màn đêm đen đặc.
Đại tá Trần Văn Thắng
Về cơ duyên được làm quen với các phóng viên của Báo CATP là một câu chuyện khác. Ngày ấy, anh Kiều Phong tên thường gọi là Sáu Du (tôi hay gọi thân mật là anh Sáu) - phóng viên Báo CATP có vợ ở phường 5, thị xã Vĩnh Long nên cứ cách hơn tháng là anh cùng 4, 5 phóng viên đi một lèo nắm tin viết bài các tỉnh miền Tây.
Có lúc anh Sáu chạy chiếc cup “cánh én” cà tàng một mình từ Sài Gòn về Vĩnh Long. Thời điểm ấy còn khó khăn, nhìn anh “một mình một ngựa” rong ruổi hàng trăm cây số trên các nẻo đường miền Tây rồi lại quay về TP làm chúng tôi vừa lo vừa nể. Lúc ấy tôi công tác ở Phòng Công tác Chính trị, tiếp các anh chỉ có vài ba ly rượu đế, ốc hấp, bánh xèo, cóc ổi…Nghĩ anh em PV Báo CATP buồn nhưng không ngờ vậy mà vui, mà tình nghĩa.
Tôi còn nhớ anh Thanh Liêm - Trưởng ban Phóng viên 3 - chiếc cầu nối để bài vở tôi được sử dụng trên Báo CATP. Thời điểm ấy tuy ít phóng viên, nhưng để có bài đăng trên Báo CATP không phải dễ, gần mấy chục tin bài gửi nhưng vẫn không thấy tăm hơi. Được sự gợi ý từ anh Thanh Liêm, viết bài xong tôi đọc lại nhiều lần bản thảo của mình và phát hiện viết báo không phải là như viết báo cáo.
Sau này, để ý thấy cách chỉnh sửa, biên tập, tôi mới viết theo “gu” của báo và ngay lập tức được đăng tin, bài liên tục mà không bị bỏ như trước kia. Đặc biệt, tôi ngộ ra viết cho Báo CATP là phải nhanh, chính xác và hấp dẫn. Được đăng tin, bài trên Báo CATP thời điểm ấy được gọi vui là “ngon cơm” vì tiền nhuận bút được báo trả khá cao.
Tôi còn nhớ đến phóng viên Thiên Hà, tác giả của bài thơ “Nhớ nhau hoài” và “Gió về miền xuôi” được phổ nhạc cùng êkip từng bí mật xuống Vĩnh Long rồi sang Đồng Tháp, qua Cần Thơ… để thực hiện nhiều loạt phóng sự điều tra hấp dẫn người đọc, có lần anh Thiên Hà khi xuống Phòng cảnh sát hình sự để viết bài về Công an Cửu Long triệt phá băng cướp đường sông, nghe anh em trinh sát kể đến đoạn phục kích trên sông bắt tên tướng cướp Mã Bình, nhưng y đã nhanh chân phóng xuống sông lặn mất tăm, trinh sát nổ súng bắn theo đỏ lửa vẫn không bắt được.
Sau nầy khi sa lưới y khai: Sau khi phóng xuống sông lập tức lặn trở lại bám vào lái ghe chờ cho thiệt êm mới lặn đi. Nghe kể anh Thiên Hà khẽ chúm chím cười rồi quay về viết cho mục trinh sát kể chuyện mà bạn đọc mê rần trời. Rõ ràng qua tài nghệ viết lách của các phóng viên Báo CATP, một mảng chuyên đề viết về nghiệp vụ, cách phá án và đặc biệt là tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ CAND đã được bạn đọc nhiệt tình đón nhận.
Đại tá Trần Văn Thắng trong những lần phối hợp với Báo Công an TPHCM tặng quà cho công an viên và bà con khó khăn ở địa phương
Trong mối quan hệ với anh em của báo, tôi ấn tượng sâu đậm với anh Trương Tuấn (nguyên Trưởng ban Phóng viên Văn hóa, Thể thao, Quốc tế. Người có biệt danh Trương Phi). Tính anh ăn ngay, nói thẳng. Không được là không, còn đã hứa là làm cho bằng được. Tôi nhớ ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 21/5/2000, anh Trương Tuấn xuống sớm nhưng các khách sạn, nhà trọ hôm ấy đều “cháy phòng” nên anh phải sang cù lao An Bình nghỉ nhờ nhà bà con.
Sáng hôm sau, chúng tôi tháp tùng đoàn xe của UBND tỉnh Vĩnh Long đón đoàn đại biểu Chính phủ Úc đi trực thăng xuống đáp ở sân bay Vĩnh Long để đi xe sang bờ Tiền Giang làm lễ khánh thành. Lễ cắt băng khánh thành vừa xong, xe đại biểu vừa chạy qua khỏi cầu Mỹ Thuận sang phía bờ Vĩnh Long là bắt đầu “vỡ trận”. Cả chục ngàn bà con các tỉnh miền Tây, TPHCM bắt đầu đua nhau lên cầu, gây ra cảnh ùn tắc giao thông, kẹt xe dài cả chục cây số, tình cảnh thật bi đát muốn tiến cũng không được, lùi cũng không xong.
Thời điểm đó làm gì có wifi, 3G mà gửi tin, bài nóng hổi về tòa soạn. Cứ tưởng báo CATP sẽ trễ hẹn đưa tin, vậy mà ngay số báo hôm sau, tôi ngạc nhiên thấy báo đăng tin, bài hoành tráng, trang trọng mà một trong người tổ chức thực hiện là anh Trương Tuấn.
Rồi lần lượt sau này, do công tác ở Phòng công tác chính trị Công an tỉnh, tôi có điều kiện tiếp xúc với các anh Mai Văn Em, Xuân Hồng, Lại Văn Long, Phan Long, Phan Trường Giang, Văn Cương hay “chú em út” Nguyễn Vinh của Ban Phóng viên 3 phụ trách miền Tây… Tất cả đều để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong các lần công tác ghé Vĩnh Long.
Tuy nhiên, đó đều là những tấm chân tình mang đậm dấu ấn cá nhân, còn đối với tôi, một trong những đọc giả trung thành và sau này là cây viết cộng tác góp phần vào nội dung, tôi không bao giờ quên những sự giúp đỡ chân tình của Báo CATP dành cho quê hương Vĩnh Long.
Hàng chục căn nhà tình nghĩa, tình thương tặng các gia đình chính sách cùng hàng ngàn phần quà tặng các hộ nghèo những dịp Xuân về hay những cây cầu bắc qua các dòng sông, con rạch giúp bà con đi lại dễ dàng và đặc biệt là những chiếc xe đạp, học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học mà Báo CATP dành cho quê hương Vĩnh Long là không bao giờ tôi quên được.
Nhân 45 năm ngày thành lập Báo Công an TPHCM (15/6/1976 - 15/6/2021) viết những dòng này để nhắc lại vài kỷ niệm như món quà tặng các anh chị em, đồng chí, đồng nghiệp đã và đang công tác tại Báo CATP.
Đó những dấu ấn khó phai trong cuộc đời tôi, về một thời khó khăn lẫn “hoàng kim” của Báo Cộng an TPHCM. Nhắc để càng trách nhiệm hơn với công tác báo chí trong tình mới. Dù ở hoàn cảnh nào cũng giữ được tính “trung thực, kịp thời, chính xác, nhân văn” đúng chất xung kích của tờ Báo ngành Công an trên trận tuyến bảo vệ ANTT, vì bình yên cuộc sống của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.