Bão số 9: Sẵn sàng di dời dân, chủ động lực lượng, phương tiện bay cứu hộ

Chủ Nhật, 19/12/2021 08:38

|

(CAO) Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Vào gần đất liền bão số 9 vẫn mạnh cấp 12

Ngày 18/12, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã họp ứng phó bão số 9.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý: Gió mạnh và mưa lớn sẽ bắt đầu từ đêm nay, vì vậy các công tác ứng phó phải tiến hành xong trước 18h tối nay, để muộn sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển tránh trú của ngư dân.

Mặc dù quỹ đạo bão dự báo không vào đất liền nhưng đây là cơn bão mạnh cấp 13 đến 14 khi vào gần đất liền vẫn còn cấp 12, ảnh hưởng đất liền vẫn còn gió cấp 8 tương đương như 1 cơn bão bình thường khi đổ bộ vào đất liền.

Đối tượng nguy cơ cao chịu tác động bởi bão gồm: Người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các dàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè nhất công trình đang thi công; các hồ chứa nước… đòi hỏi công tác chỉ đạo ứng phó phải chủ động cả trên biển, ven biển và sẵn sàng trên đất liền.

Dự báo hướng và thời gian di chuyển của bão số 9. Nguồn: TTDBKTTVQG

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện và Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 17/12; Công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai ứng phó bão số 9.

Ngoài quyết liệt đôn đốc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền tại nơi neo đậu cần tiếp tục bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho các tàu hoạt động ven bờ và ngư dân trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Không loại trừ tình huống bão số 9 sẽ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền khi chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc. Vì vậy phải sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn trên biển và đất liền.

Phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng và cường độ bão rất lớn nên việc ứng phó phải khẩn trương và kịp thời. Đã có nhiều bài học khi tàu thuyền về nơi neo đậu rồi vẫn bị chìm đắm vì vậy tại nơi neo đậu trú tránh của tàu thuyền phải đặc biệt chú ý, trong đó có các nơi neo đậu tàu thuyền ở các đảo.

Tạo điều kiện cho các tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào nơi tránh trú đi đôi với các biện pháp đảm bảo an toàn về dịch COVID-19, đặc biệt là không để người dân trên tàu, thuyền trên chòi canh trên lồng bè, nuôi trồng thủy sản khi có bão.

Ảnh mây vệ tinh của bão số 9, đây là cơn bão rất mạnh, nhìn rõ mắt bão. Nguồn: TTDBKTTVQG

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn

Để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến của siêu bão RAI, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng vừa có điện khẩn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp, chủ động nắm chắc tình hình diễn biến bão; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng và vũ khí trang bị.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố, nhất là đối với các đơn vị đóng quân trong khu vực ảnh hưởng của bão.

Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng ảnh hưởng bão phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu tiếp tục rà soát, nắm rõ tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển;

Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin, hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Ảnh minh họa

Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đang làm nhiệm vụ trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có lệnh.

Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Công điện yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 4, 5, 7 tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường cập nhật diễn biến mới của bão;

Tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, chuẩn bị phương án để chủ động ứng phó với các tình huống; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”;

Sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện kịp thời sơ tán nhân dân ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra, không để bị động, bất ngờ...

Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa khẩn trương ứng phó bão

Ngày 18/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản hỏa tốc số 603/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa về việc triển khai phương án ứng phó với bão số 9.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố nêu trên thực hiện nghiêm Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16/12/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với mưa, bão.

Theo dõi chặt chẽ thông tin các tàu đang trú tránh trên đảo và trên biển, hướng dẫn neo trú, di chuyển để đảm bảo an toàn, nhất là số tàu đang trú tránh và ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc Biển Đông.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công; chủ động vận hành đón lũ, đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất.

Đối với các đảo, tổ chức sắp xếp các phương tiện, tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người trên các phương tiện, tàu thuyền tại khu neo đậu và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn;

Chủ động triển khai phương án di dời, sơ tán người dân, đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 9. Ảnh Hải quân Mỹ

Vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên sẽ bị ảnh hưởng lớn

Tối 17/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức cuộc họp thảo luận trực tuyến các diễn biến mới nhất của cơn bão số 9. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tới dự và chỉ đạo cuộc họp.

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phân tích, nhận định của các cơ quan chức năng, phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết bão số 9 có thể là một trong những cơn bão cuối cùng năm 2021 và đây là một cơn có những điểm bất thường.

Theo Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, hiện nay, còn nhiều dự báo về đường đi của bão, thời điểm bão chuyển hướng lên phía Bắc nhưng luôn luôn phải đề phòng phương án hướng bão có thể đi sâu vào đất liền.

Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, dù bão đi theo phương án nào, thì vùng biển từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên sẽ bị ảnh hưởng lớn, gió có thể lên cấp 8, cấp 9 và tác động của bão là rất lớn. Ông lưu ý công tác cảnh báo tác động gió mạnh, sóng lớn đến tàu thuyền, lồng bè ven biển.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ liên tục bám sát, thông tin cụ thể, kịp thời đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh để có phương án chỉ đạo, điều hành.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cũng đề nghị các đơn vị lưu ý về tác động của gió mạnh, sóng lớn và nguy cơ sạt ảnh hưởng đến hệ thống đê điều.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc của Hệ thống dự báo.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, các đơn vị dự báo của Tổng cục cần sử dụng triệt để số liệu của các nhà giàn khoan DK và 2 ra đa để cập nhật liên tục vào cơ sở số liệu quan trắc, kịp thời đưa ra các dự báo, cảnh báo về các diễn biến bất thường của bão;

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu theo dõi sát sao và cảnh báo, đặc biệt khu vực các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Cù Lao Chàm, đảo Lý Sơn. Ông cũng lưu ý, rủi ro bão ở khu vực này rất cao, đặc biệt cần chú ý đến khu vực: Bắc Khánh Hòa, Nam Phú Yên, Bình Định, Cảng Quy Nhơn…

Lên kế hoạch sơ tán gần 240.000 dân

Sáng 18/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 07h sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã thông báo, hướng dẫn cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận biết diễn biến của bão để di chuyển tránh trú hoặc neo đậu, hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới. 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có lệnh cấm biển.

Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tổng 18.599 ha nuôi trồng thủy sản và 177.592 lồng bè (một số tỉnh có số lượng lớn Phú Yên: 3.390 ha và 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 2.014 ha và 87.409 lồng bè; Thừa Thiên Huế: 3.089ha và 2.000 lồng bè). Các địa phương đã chỉ đạo việc gia cố, chằng néo, di dời, sẵn sàng phương án đưa dân dân lên bờ để đảm bảo an toàn.

Về tình hình an toàn cho người và tàu thuyền tại một số đảo, tổng số dân trong khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão: 51.990 người trên 04 đảo lớn gần bờ (Cồn Cỏ: 500; Cù Lao Chàm: 2.091; Lý Sơn: 22.174; Phú Quý: 27.225).

Hiện nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; cấm đi lại giữa đất liền và các đảo từ chiều 17/12.

Trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động, các nhà giàn đã có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang