Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên:

"Người dân cần ở một thành phố văn minh là sự an toàn..."

Thứ Năm, 12/11/2020 11:22

|

(CAO) Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, TPHCM đang xây dựng thành phố văn minh, thông minh, điều mà người dân cần ở thành phố văn minh là sự an toàn.

Cho ý kiến về dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên thảo luận tổ sáng nay (12/11), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn: “Kinh tế tăng trưởng thì “đáng ra an ninh tốt hơn” như quy luật của nhiều quốc gia khác”.

Theo ông Nghĩa, với việc ra đời lực lượng này thì phải tính đến chế độ bảo hiểm, trách nhiệm gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của lực lượng này.

“Thủ tướng đang kêu gọi chuyển sang kinh tế số, như vậy, con người vật chất sẽ giảm đi, và chuyển sang ngành nghề nào đó để sử dụng hiệu quả hơn” – ông Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) thắc mắc liệu với dự luật này thì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được xác định là thi hành công vụ? Chế độ chính sách ra sao. Bà Yến đề nghị cần tránh chính quy hóa lực lượng hành chính, làm thay việc của lực lượng chính quy.

Tương tự, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM) đánh giá, sức thuyết phục của dự án luật “chưa mạnh lắm”, “hơi gượng” khi áp dụng cho công an bán chuyên trách sang lực lượng này.

Nêu thực tế TPHCM, ông Khuê nói, đúng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động khó khăn trong giải quyết vi phạm lòng lề đường, tham gia giải quyết trật tự giao thông…, nhưng nếu gắn với việc xây dựng đô thị thông minh thì chưa chặt chẽ.

“Khi có luật thì cũng phải tính đến trụ sở, đồng phục, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh tật, tai nạn hay chẳng may hy sinh…” – đại biểu Khuê nêu vấn đề. Theo ông Khuê, trong khi chúng ta đang phải tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách thì lại làm cho bộ máy phình ra ở tổ chức khác mà nhiệm vụ chưa chắc đã khoa học hơn.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê

Nhận định luật ra đời nhằm hướng tới một giải pháp căn cơ hơn, mang tính pháp lý và tính bền vững hơn, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn về dự luật này, để trước mắt ngăn chặn, sau đó kéo giảm tội phạm, ổn định tình hình ANTT trong tình hình mới.

Ghi nhận TPHCM đang xây dựng thành phố văn minh, thông minh nhưng ông Nên lưu ý, điều mà người dân cần ở một thành phố văn minh là sự an toàn.

Dẫn lại ưu tư của một Việt kiều về tình hình an ninh tại TP khi về nước, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận cái dân lo chính là sự bất an. “Mà nếu anh cần một sự ổn định và phát triển thì cái trước tiên phải “an” - ông Nên bình luận.

Một địa phương mà để người dân, người già, người nghĩa hiệp phải ra tay “đánh án”, theo ông Nên, với trách nhiệm quản lý xã hội, người lãnh đạo cũng tự cảm thấy không ổn.

“Ngay mình cũng thấy không ổn. Mình là lãnh đạo, mình là quản lý một địa phương mà để cho người già, để một anh bỏ vợ con phải đi làm hiệp sĩ đường phố chống tội phạm theo sự tự phát như thế là không ổn” – ông Nên khẳng định.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM muốn nói về sự cần thiết phải ban hành Luật này. “Tất nhiên phải làm rõ đối tượng điều chỉnh chứ không chỉ riêng lực lượng này, chế độ cho họ như thế nào” – ông Nên nêu quan điểm.

Cho rằng đây là lực lượng hỗ trợ, lại là hỗ trợ phòng chống tội phạm, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ ra sự ảnh hưởng sẽ rất khác, liên quan đến nhiều việc nên rất cần tính toán kỹ. Dù vậy, ông cũng lưu ý, “sức mạnh có thể uy hiếp được tội phạm chính là quần chúng chứ không phải là sự có mặt của lực lượng chức năng ở khắp nơi".

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Lưu ý thực tế tình hình đảm bảo an ninh trật tự chưa ổn, Bí thư Nên cho rằng “chúng ta phải bàn vô, chứ đừng bàn ra”, để làm sao khi luật này ra đời có thể chuyển biến được tình hình.

Còn theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, tăng cường bảo vệ an ninh trật tự cơ sở ở nông thôn là rất quan trọng, trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì địa phương nào.

“Nếu an ninh trật tự cơ sở không được đảm bảo thì tác động đến tình hình xã hội nói chung, trộm cướp, tội phạm, vi phạm pháp luật…” – ông Huệ nói và cho rằng nhìn bóng dáng người mặc sắc phục thực thi nhiệm vụ là tội phạm cũng sợ. Hơn nữa lực lượng chính quy thì có nghiệp vụ, kỹ năng cũng sẽ tốt hơn.

Theo lãnh đạo Hà Nội, cần đánh giá về phạm vi điều chỉnh của dự luật, bởi vì đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn không chỉ có bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chuyên trách mà là “thế trận lòng dân”, tức là toàn bộ hệ thống chính trị tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở.

“Nên chăng luật này quy định thế trận nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, chứ không chỉ riêng các lực lượng nêu trên” – ông Huệ gợi ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang