Tập huấn Luật Cảnh sát cơ động và các văn bản quy định chi tiết thi hành

Thứ Tư, 22/03/2023 13:37  | Mai Anh

|

(CAO) Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới công an các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 22-3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát cơ động và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới công an các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: N.H

Với mục đích tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật CSCĐ với nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, chi tiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng CSCĐ và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn lực lượng CAND.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh CSCĐ đã quán triệt những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật, quá trình xây dựng dự án luật và bố cục của Luật CSCĐ. Truyền tải những quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; các quy định đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; chế độ quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với lực lượng CSCĐ.

Luật CSCĐ gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Điều 3 Luật CSCĐ quy định rõ, CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc CAND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật CAND và được xác định rõ trong Luật CSCĐ, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam).

Để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, tránh lạm quyền, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.

Việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này.

Các vụ bạo loạn có vũ trang, khủng bố, tập trung đông người biểu tình bất hợp pháp… sẽ được CSCĐ giải quyết trên cơ sở thực thi đúng trong khuôn khổ pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương và bảo đảm hoạt động bình thường của các chủ thể.

Quy định trong Luật về việc CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong trường hợp sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT và quy định về CSCĐ được quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tính chất đặc thù của CSCĐ so với các lực lượng khác trong CAND…

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động trình bày tại hội nghị - Ảnh: N.H

Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ nhấn mạnh việc ban hành Luật CSCĐ là thật sự cần thiết, với nhiều nội dung mới, sát thực tiễn. Luật CSCĐ góp phần xây dựng lực lượng CSCĐ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng Luật vào thực tiễn công tác, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu đề nghị tăng cường phổ biến rộng rãi nội dung luật tới đông đảo cán bộ, chiến sỹ cùng nắm vững và thực hiện nghiêm; các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền ban hành các văn bản triển khai thực hiện chi tiết gắn với điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn…

Bình luận (0)

Lên đầu trang