Tỷ lệ thu hồi tài tài sản tham nhũng đã đạt tới 40% số tài sản tham nhũng

Thứ Hai, 20/03/2023 14:23

|

(CAO) Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, thời gian qua các cơ quan thi hành tố tụng đã phối hợp rất tốt, nên tỷ lệ thu hồi tài tài sản tham nhũng đã đạt tới 40% số tài sản đã tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, đáng biểu dương của các cơ quan thi hành tố tụng.

Từ đầu cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hoà chất vấn Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình về việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhìn nhận công tác này đã có nhiều tiến bộ, nhưng đại biểu Hoà cho rằng, việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. “Sắp tới Chánh án phối hợp với các cơ quan có liên quan làm như thế nào, ra sao để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân” – đại biểu Hoà đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Văn Hoà chất vấn Chánh án Nguyễn Hoà Bình

Trả lời đại biểu Hoà, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định trên thế giới cũng như của nước ta, việc thu hồi tài sản tham nhũng không bao giờ triệt để cả.

Theo ông Bình, thời gian qua, các cơ quan thi hành tố tụng đã phối hợp với nhau rất tốt, nên tỷ lệ thu hồi tài tài sản tham nhũng đã đạt tới 40% số tài sản đã tham nhũng. “Đây là một con số rất đáng ghi nhận, đáng biểu dương của các cơ quan thi hành tố tụng” – Chánh án nhận định.

Ông cho biết, theo quy định hiện hành, thì chỉ có thể thu hồi được những tài sản tham nhũng, nếu như quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng, công an, viện kiểm sát, tòa án chứng minh được tài sản đấy có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng.

Quang cảnh phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình

Nêu kinh nghiệm thế giới, Chánh án nói, do tham nhũng là tội phạm đặc thù, nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tham nhũng của tài sản, người ta còn có cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình của các nghi can.

“Nếu như ông có được tài sản này mà ông không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó thì cũng xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu” – Chánh án phân tích. Ông nhìn nhận, nếu Việt Nam có cơ chế này thì tỷ lệ thu hồi tài sản trong tương lai sẽ rất cao.

Đề cập đến một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn thấp, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) chỉ ra, là do vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng. Khẳng định đây là một “điểm nghẽn”, đại biểu Khoa đề nghị Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết quan điểm và hướng xử lý của ngành tòa án về vấn đề này.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa nêu câu hỏi

Hồi âm đại biểu, Chánh án toà tối cao nhắc lại, nếu có được cơ chế để thu tài sản như nhiều nước đã áp dụng, tức là cơ chế phi hình sự, tức là tăng nghĩa vụ giải trình thì việc thu hồi tài sản sẽ khả quan hơn.

“Việc này phụ thuộc vào luật lệ. Giải pháp căn cơ thì chỉ có thay đổi luật thôi chứ không có cách nào khác” – ông Bình nhấn mạnh.

Từ vị trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định mời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tham gia giải trình về thắc mắc của các đại biểu.

Nhận yêu cầu, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự nói riêng đặt ra.

Theo ông Long, thời gian qua, nhờ tổng hợp khá nhiều giải pháp, kết quả thu hồi tài sản khá tích cực. “Trong 5 tháng đầu năm 2023, tức là báo cáo theo thi hành án dân sự là bắt đầu từ mùng 1/10 năm ngoái, đã thu được trên 17.000 tỷ đồng. Nếu xét về số lượng tuyệt đối thì tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022” – Bộ trưởng Long dẫn chứng.

Nhìn nhận về công tác thu hồi tài sản, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng có khá nhiều vấn đặt ra, trong đó nguyên nhân khách quan thì có những khó khăn trong bản thân của các vụ án này.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tham gia giải trình

“Số lượng tài sản trong hầu hết các vụ án lớn nằm rải rác ở các địa phương khác nhau. Rồi nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm rõ. Có trường hợp cần phải xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và của người ngay tình đến mức nào…” - Bộ trưởng lý giải.

Về giải pháp, ông cho biết, tới đây sẽ tiếp tục bám sát và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan điều phối ở bên Đảng, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, ở cấp trung ương và ở cấp địa phương là tổ chức tương tự như vậy.

“Đặc biệt, sẽ tập trung vào các vụ án lớn đang được dư luận xã hội quan tâm và sẽ thường xuyên báo cáo Chính phủ hoặc đề ra các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp” – ông Long nói, đồng thời đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định theo pháp luật tăng cường quá trình giám sát để việc tẩu tán và giấu các tài sản trong vụ án tham nhũng kinh tế giảm đi.

Đề nghị sửa đổi vụ án hành chính cấp huyện do tỉnh xử, cấp tỉnh do toà chuyên biệt xử
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang