Sáng nay (8/11), tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.
Còn gần 2.500 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc áp dụng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ nhiều quá trình chẩn bệnh, điều trị và theo dõi sau điều trị. Với sự phát triển khoa học kĩ thuật có nhiều thiết bị hiện đại đã giúp phát hiện bệnh ngay từ đầu để có thêm cơ hội chữa bệnh tốt hơn. Thời gian qua, ngành y tế đã tăng cường để có trang thiết bị tốt hơn để khám chữa bệnh cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, vừa qua có tình trạng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết gây tốn kém chi phí và tâm lý bức xúc cho người bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến Quỹ BHYT - là quỹ của toàn dân mà trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, người dân để Quỹ được phát triển, ổn định, phục vụ người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là nhận thức trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác, điều này đòi hỏi chỉ đạo để có nhận thức xét nghiệm ở hợp lý cao nhất. Ngoài ra, việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác, người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mới đây nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được thông qua đã có nhiều quy định về vấn đề này, Quyết định 316/2016/QĐ-TTG về vấn đề xét nghiệm, cùng với đó là các thông tư quy định về các định mức kỹ thuật, trần thanh quyết toán, tăng cường giám định BHYT, kết nối liên thông để kiểm soát chi phí.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông còn tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế về vấn đề bệnh nhân đi viện thì phải mua thuốc ở bên ngoài khiến nhiều cử tri quan tâm, phản ánh.
Trong buổi chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế có nhấn mạnh quyền lợi của bệnh nhân và người tham gia BHYT phải đảm bảo. Đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết.
Theo đại biểu Mai, bệnh nhân đi viện mà phải mua thuốc ở bên ngoài với giá rất đắt thì không phải ai cũng mua được. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế chỉ đạo phối hợp với cơ quan BHYT có giải pháp kịp thời cho bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm, khám chữa bệnh, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà thì đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán BHYT.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến này?
Mặt khác, theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay còn xấp xỉ 2.500 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán, quyết toán từ năm 2021 chưa được giải quyết.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay chiều qua (7/11), Bộ Y tế đã họp bàn về những nội dung này để có phương án cụ thể. Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai để khi có dự thảo chính thức sẽ xin ý kiến các bộ ngành, địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh quy định cụ thể điều kiện nào người bệnh được thanh toán bảo hiểm và quy định nào để tránh lạm dụng đòi hỏi các quy định pháp lý một cách chặt chẽ.
Cần giảm chi phí điều trị cho người dân
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan-Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương có đề cập đến mục tiêu giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ y tế, tuy nhiên, đến nay có thể thấy việc triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là vấn đề được ngành y tế rất quan tâm. Vì vậy, để giảm tiền túi của người dân cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, giảm gánh nặng bệnh tật.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi đó nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém.
Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, cũng cần tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách BHYT.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế ở mức 30%, đó mới là hệ thống y tế bền vững.