Việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ở ĐBSCL đạt yêu cầu

Thứ Ba, 07/11/2023 10:05

|

(CAO) Bộ Giao thông vận tải sẽ mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Sáng 7/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng từng chia sẻ, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình triển khai đến nay và việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông trong giải quyết nhu cầu cấp bách về nguồn nguyên liệu cát sông, cung cấp cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam có khả thi cao hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Theo đại biểu, bên cạnh tác hại từ việc khai thác cát trái phép mang lại, nhưng những mỏ cát cũng ảnh hưởng đến môi trường, ví dụ tại đồng bằng sông Cửu Long, việc khai thác cát tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã bàn giao mỏ cát về cho chủ đầu tư để chuẩn bị xây dựng công trình cao tốc của đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu lo ngại việc khai thác cát được cấp phép, theo đó cho phép mặt âm lòng đất xuống 10m hoặc 20m nhưng họ khai thác tới 30m - 40m. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xác minh khó khăn, trong khi đó cát ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm, mà xây dựng đường cao tốc sử dụng tới 54 triệu mét khối, như vậy là quá lớn. Do vậy, cần có giải pháp quản lý và hạn chế khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho các dự án công trình giao thông, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Sau thời điểm đó, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập tổ với các bộ ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, triển khai quyết liệt việc nghiên cứu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt thực hiện thí điểm trên các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Bộ trưởng cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, chất lượng vật liệu cát biển hiện nay đang thí điểm là đã đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như sử dụng cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh.

Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác nhau như Hải Phòng, Vũng Tàu. Tháng 12 tới, Hội đồng đánh giá cấp bộ sẽ họp và có đánh giá tổng kết dự án, qua đó Bộ sẽ triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục để mở rộng diện tích thí điểm với một số dự án đường cao tốc cũng như cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ, việc khai thác, sử dụng cát biển vẫn cần đảm bảo khai thác bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc làm rõ chất lượng, tiềm năng, khả năng khai thác của các vùng miền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang