Công an TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, về nguồn “Về với dải đất miền Trung”, đến các di tích lịch sử “một thời đỏ lửa” trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Thượng tá Nguyễn Đình Dương – Phó Giám đốc Công an TP làm trưởng đoàn, cùng tham gia có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và cán bộ chiến sĩ tiêu biểu trong CATP.
“Đò xuôi Thạch Hãn… xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Điểm đến đầu tiên của Đoàn công tác là Thành cổ Quảng Trị - nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) bảo vệ Thành cổ. Nơi đây có dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng, đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đoàn thành kính dâng hoa, dâng hương trang trọng, thành kính, dành phút mặc niệm thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng đến các anh hùng đã ngã xuống nơi đây.
Đoàn công tác Công an TP.Hồ Chí Minh tại Khu di tích Thành cổ Quảng Trị
Rời Thành cổ Quảng Trị, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, Đoàn đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi yên nghỉ của những người con Đất Việt đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Nghi lễ dâng hoa và thắp hương đã được thực hiện trong không khí trang nghiêm và bồi hồi xúc động. Thượng tá Nguyễn Đình Dương – Phó Giám đốc Công an Thành phố đã gióng 9 hồi chuông thể hiện lòng thành kính, cùng lời tri ân đến các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những nén hương được các thành viên trong đoàn xúc động thắp trên từng ngôi mộ, ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương – Phó Giám đốc CATP cùng các thành viên đoàn công tác trên cầu Hiền Lương lịch sử
Vĩ tuyến 17 dọc theo hai bờ sông Bến Hải là địa điểm tiếp theo của hành trình. Đoàn đã dừng chân cùng nhau nhìn lại chiến tuyến lịch sử này - nơi chia cắt 2 miền đất nước suốt hơn 20 năm. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng là biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc.
Tại Quảng Bình, trong không khí trang nghiêm, Đoàn công tác kính cẩn đặt lẵng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Đoàn công tác Công an TP.Hồ Chí Minh dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Rời Đồng Hới - Quảng Bình, Đoàn tiếp tục đến với Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh -nơi được xem là “yết hầu” cho mọi tuyến đường từ Bắc vào Nam. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà kẻ địch đã muốn biến địa điểm này thành “tọa độ chết”. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Đồng Lộc đã hứng chịu 1.863 lần máy bay ném bom với gần 50.000 quả bom các loại.
Nhắc đến ngã ba Đồng Lộc, không ai có thể quên hình ảnh 10 cô gái Thanh niên xung phong đã trở thành hình ảnh bi thương của di tích quốc gia này. Đoàn CATP đã được kể lại câu chuyện về những gian khổ, tinh thần quyết tâm và sự hy sinh anh dũng của các Chị. Với tâm trạng bồi hồi, xúc động, Đoàn CATP đã thực hiện nghi lễ thắp hương, dâng hoa với lòng thành kính vô bờ.
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Dịp này, tại các điểm đến Đoàn Công an TP.Hồ Chí Minh đã trao tặng các phần quà với kinh phí hơn 740 triệu đồng, hỗ trợ nâng cấp sửa chữa trụ sở Công an tỉnh Quảng trị, Công an huyện Gio Linh - Quảng trị ,Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an huyện Đức Thọ, trong đó, hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng trụ sở Công an xã An Dũng - huyện Đức Thọ và trao 200 phần quà cho nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Thọ, đóng góp kinh phí duy tu sửa chữa tại các khu Di tích Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương, Ban Quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tặng và trồng cây lưu niệm tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc...
Những phần quà tuy nhỏ nhưng gửi gắm tình cảm to lớn của lực lượng Công an TPHCM, mong muốn đem đến những niềm vui, hỗ trợ một phần những khó khăn trong cuộc sống của các gia đình, đồng hành cùng đồng chí đồng đội, góp phần tiếp nối truyền thống cách mạng của cha anh vùng đất địa linh, nhân kiệt.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương – Phó Giám đốc CATP kính cẩn dâng hương
Hành trình Về nguồn đến với các "địa chỉ đỏ" nổi tiếng của dải đất miền Trung anh hùng, tất cả các thành viên trong Đoàn Công tác đã trải qua cả một “bản giao hưởng bi hùng của cảm xúc”. Những di tích của chiến tranh vẫn còn in dấu trên trên những nẻo đường, nhân chứng sống trong những câu chuyện. Từ đây, các cán bộ chiến sĩ CATP Hồ Chí Minh càng nhận thức rõ tinh thần Việt Nam kiên cường, bất khuất và yêu hòa bình. Trong lòng mỗi người khi trở về đều sâu đậm tinh thần đồng đội, quyết tâm cống hiến cho non sông mà các thế hệ cha anh đi trước đã truyền lại.
“Các anh ơi! Những hồn thiêng sông núi
Đất nước mình đổi mới đẹp biết bao
Gương các anh niềm kiêu hãnh tự hào
Công ơn đó chẳng bao giờ phai nhạt”.
Một số hình ảnh chuyến về nguồn của Đoàn công tác Công an TP.Hồ Chí Minh: