Nhiều bất cập và lỗ hổng trong quản lý tài sản công
Sáng 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế tổng hợp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công.
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Dương Minh Ánh- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thì phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai thì còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các địa phương; đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.
Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu; hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công, cũng khó thì được cơ quan định giá. Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức đánh giá, những cái trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải chuyển đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt các thủ tục khác.
Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng trình bày, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công.
Tranh luận về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mặc dù đã có Luật Quản lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành một loạt Nghị quyết, đặc biệt mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74. Tuy nhiên, vấn đề quản lý tài sản công vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, cử tri rất băn khoăn về tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, sử dụng tài sản công trong thời gian qua cho thấy những bất cập và lỗ hổng trong quản lý tài sản công như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu.
Đặc biệt, là những vụ việc quản lý công sản thời gian qua, cho thấy thước đo về niềm tin của Nhân dân đối với quản lý tài sản công có vấn đề; các kiến nghị Kiểm toán nhà nước cũng chưa được thực hiện nghiêm túc.
Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Giải trình thêm về thất thoát, lãng phí tromg đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công…
Đề nghị bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ phong trào Đoàn, Đội trong nhà trường
Tại phiên chất vấn, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH TPHCM đặt câu hỏi tới Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục - Đào tạo, đề nghị cho biết phong trào đoàn đội trong nhà trường hiện nay có quan trọng hay không? Nếu quan trọng thì vì sao không bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ phong trào đoàn đội trong nhà trường hoặc đưa vào quy định để chi từ nguồn sự nghiệp của nhà trường.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH TPHCM
Ngoài ra, mỗi năm, nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề hoặc hoặc dạy nghề cho thanh niên xuất ngũ rất ít. Theo Bộ trưởng là có lãng phí hay không và làm cách nào để giải quyết hiệu quả vấn đề này?
Trả lời chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu về kinh phí sự nghiệp bố trí cho phong trào Đoàn, Đội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là định mức kinh tế kĩ thuật ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về học nghề cho quân nhân giải ngũ liên quan đến Tổng Cục dạy nghề và các đơn vị của Quân đội, phía Bộ Tài chính đều bố trí đầy đủ theo dự toán, nhu cầu của các bộ ngành gửi.
Tranh luận lại, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, nên có một quy định của ngành tài chính cứng từ Trung ương về chi cho phong trào phong trào đoàn đội bởi nhiệm vụ này hết sức quan trọng. Cụ thể, đại biểu đề nghị đưa vào quy định cứng phải chi từ nguồn ngân sách địa phương trích ra cho phong trào đoàn đội, để hoạt động này thực sự chất lượng và không mang tính hình thức như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có Thông tư 05 năm 2015, chỉ quy định về vấn đề phụ cấp của giáo viên kiêm nhiệm đối với phong trào Đoàn Đội, còn hoạt động của phong trào Đoàn Đội có bố trí kinh phí không, bố trí như thế nào, tổ chức theo cung cách thế nào… thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy trình ngân sách, các công việc đó phải được các cấp ngân sách trình lên, Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp, không có vai trò đề xuất phát sinh các khoản chi.