Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của thời đại:

Kỳ 3: Hành trình tích hợp thẻ căn cước ở Trung Quốc

Thứ Tư, 08/11/2023 08:55  | Anh Duy

|

(CATP) Chiếc thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử từ lâu đã trở thành "phong vũ biểu" cho tốc độ CĐS ở các nước. Tại Trung Quốc (TQ), chính phủ đã trải qua 2 thập kỷ từ khi áp dụng loại thẻ này với nhiều ứng dụng thiết thực đem lại tiện ích cho người dân.

"Ném đá dò đường"

Hành trình này bắt đầu vào năm 2003. Tờ New York Times đưa tin, việc thay CCCD truyền thống bằng loại gắn chíp là sự thay đổi chính sách mới một cách ngoạn mục, khi 1 thẻ điện tử giờ sẽ trở thành công cụ lưu trữ thông tin quan trọng của cá nhân cho tất cả 960 triệu công dân TQ (thời điểm năm 2003), mà chính quyền ở bất cứ đâu trên toàn quốc đều có thể truy cập.

Thời điểm đó, các quan chức TQ hy vọng CCCD gắn chíp được trang bị công nghệ tiên tiến sẽ giúp ngăn chặn gian lận, làm giả các giấy tờ trọng yếu, bảo vệ hàng triệu người và tiết kiệm hàng tỷ đôla. Với quy mô dân số của mình, Bắc Kinh phải mất 5 - 6 năm để cấp loại CCCD này cho toàn dân.

Chiến dịch cấp thẻ CCCD gắn chíp được đặt ra vào thời điểm TQ đang kiên trì tái cơ cấu thành cỗ máy kinh tế tinh gọn hơn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giữa lúc phải đánh vật để ngăn chặn người dân ở những vùng quê nghèo tiếp tục kéo về thành phố. Theo New York Times, chiến dịch cấp căn cước mới nhằm giúp chính quyền giải quyết 2 mặt xung đột nhau: thúc đẩy tự do hóa kinh tế đồng thời giám sát công dân trong một xã hội ngày càng thay đổi.

Thẻ căn cước gốc, được giới thiệu vào năm 1985, chứa các dữ liệu cá nhân như quốc tịch, ngày sinh và số nhận dạng gồm 18 chữ số đồng thời cũng hiển thị thông tin về việc đăng ký hộ khẩu của 1 người, vốn theo truyền thống gắn liền với nơi sinh của từng cá nhân. Tháng 06/2003, cơ quan lập pháp hàng đầu của TQ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Luật CCCD quốc gia, phê duyệt cấp thẻ CCCD mới. Loại thẻ này tích hợp 1 vi mạch lưu trữ dữ liệu cá nhân (chíp), nhưng không chứa bất kỳ thông tin cá nhân nào khác những gì có trên loại thẻ cũ, được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2004 ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồ Châu - thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang.

Lộ trình thay thẻ căn cước này khi đó đứng trước nhu cầu CĐS cấp thiết của thời đại. Jafizwaty Haji Ishahak - chuyên gia phân tích của 1 công ty tư vấn ở Kuala Lumpur, Malaysia nhận định với phóng viên tờ New York Times rằng: "Khi Thế vận hội Olympic đang đến gần vào năm 2008, TQ dự đoán nhu cầu về các loại thẻ khác nhau sẽ ngày càng tăng, bao gồm thẻ chuyển tuyến, thẻ ngân hàng và thẻ an sinh xã hội. Thẻ dịch vụ xã hội được triển khai theo từng giai đoạn có thể theo dõi tất cả dịch vụ của chính phủ mà 1 cá nhân nhận được, từ chăm sóc sức khỏe đến phúc lợi...".

Hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới (AI) tổ chức tại Thượng Hải - Trung Quốc tháng 7/2023. AI đang được ứng dụng vào quá trình chuyển đổi số ở nước này. Ảnh: Reuters

Thành quả sau 2 thập kỷ

Hơn 2 thập kỷ, chiếc thẻ căn cước gắn chíp ngày nào giờ đã tích hợp thêm nhiều tính năng hữu dụng. Năm 2017, Quảng Châu - một trong những thành phố lớn của TQ - cho phép người dân liên kết căn cước gắn chíp của họ với ứng dụng nhắn tin di động và mạng xã hội phổ biến ở nước này là WeChat bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt. Chính quyền tỉnh Quảng Đông khi đó đã công bố chương trình thí điểm và nhân rộng ra toàn quốc. WeChat bắt đầu hoạt động vào năm 2011, với vai trò ứng dụng nhắn tin di động, nhưng sau đó đã mở rộng sang mạng xã hội, gọi thoại, lưu trữ đám mây, mua sắm trực tuyến và dịch vụ tài chính, bao gồm cả thanh toán di động.

Thẻ căn cước quốc gia của TQ thời điểm 2017 được sử dụng cho mọi việc từ nhận phòng khách sạn, đặt vé tàu, mở tài khoản ngân hàng (NH) đến tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội. Thí điểm này là dự án chung của Văn phòng an ninh công cộng, Tencent, NH Xây dựng TQ và 9 tổ chức khác. Trong chương trình thí điểm WeChat, để có được phiên bản đầy đủ chức năng, người dùng phải truy cập 1 thiết bị đầu cuối ngoại tuyến trong thành phố và quét thẻ căn cước thực của mình. Phiên bản giới hạn có thể được sử dụng cho các chức năng có mức độ bảo mật thấp như đăng ký đặt chỗ tại quán cà phê internet, trong khi phiên bản đầy đủ có thể được sử dụng cho hầu hết chức năng yêu cầu nhận dạng, bao gồm cả đăng ký kinh doanh.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên tích hợp thẻ căn cước vào điện thoại thông minh, mà Estonia cũng là ví dụ điển hình trên toàn thế giới trong lĩnh vực chính phủ điện tử, đã sử dụng ID di động (căn cước di động) từ năm 2007. Thẻ SIM đặc biệt cho phép công dân Estonia sử dụng điện thoại di động làm giấy tờ nhận dạng.

Căn cước thông minh mới hơn một chút, được phát triển đặc biệt cho điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android và iOS mà không yêu cầu thẻ SIM đặc biệt. Công dân có thể sử dụng nó không chỉ để giải quyết các công việc chính thức trực tuyến, mà còn để nhận dạng chính mình tại các NH, ký hợp đồng kỹ thuật số hoặc thành lập công ty.

Như vậy, ứng dụng CĐS trong việc cho ra đời các thế hệ CCCD ngày càng tiên tiến cho thấy xu hướng không thể đảo ngược trong lĩnh vực quản lý công hiện nay.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Lĩnh vực thuế trong giai đoạn chuyển đổi số
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang