Vì vậy, Bộ đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhiều cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc vì bình yên cuộc sống” và có nhiều tác phẩm nổi bật, gây tiếng vang trong bạn đọc cả nước.
Tại cuộc vận động thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc vì bình yên cuộc sống” trong ba năm 2012 - 2015, trại sáng tác đặt tại Khu nghỉ dưỡng Minh Tâm - Đà Lạt với 27 nhà văn trong ngoài ngành từ miền Trung trở vào phía Nam tham gia. Nhiều gương mặt nhà văn tên tuổi nhưng cũng có nhiều gương mặt lần đầu tham gia trại, tạo nên sắc thái sinh động từng tác giả qua từng trang viết.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao Kỷ niệm chương cho các nhà văn Việt Nam
Sau 20 ngày đi thực tế, thăm một số trạm giam, một số đơn vị công an và một vài gương điển hình, các nhà văn bắt đầu lác đác nộp tác phẩm cho trại thì những người tổ chức trại chúng tôi nhận được thông báo đặc biệt, Bộ trưởng Trần Đại Quang muốn đến thăm trại viết, gặp gỡ các nhà văn tại đây. Thông tin khiến các nhà văn ngỡ ngàng và cũng phấn khích bởi lần đầu tiên có một Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp đến thăm, đối thoại với nhà văn.
Lập tức trung tướng Bùi Bá Định - Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND cùng Ban Giám đốc Nhà xuất bản CAND (đơn vị thường trực cuộc thi) cấp tốc bay vào Đà Lạt làm việc. Truyền đạt ý kiến tiếp theo cho biết, Bộ trưởng muốn thông qua cuộc gặp với các nhà văn dự trại để gặp mặt các nhà văn cả nước, trao đổi, đối thoại và cảm ơn sự ủng hộ của giới nhà văn dành cho lực lượng Công an. Từ cuộc gặp các nhà văn dự trại thành cuộc gặp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn phụ trách chi Hội Nhà văn Việt Nam các vùng miền, cùng một số nhà văn tên tuổi.
Không khí trại viết vốn im ắng trong những ngày này trở nên sôi nổi hẳn, ngồi đâu các nhà văn cũng xôn xao bàn tán chuyện lần đầu tiên có một Bộ trưởng Bộ Công an gặp gỡ nhà văn cả nước. Hồi hộp lẫn tò mò, là không khí chung của các nhà văn.
Trung tướng Bùi Bá Định là người cẩn thận và kỹ lưỡng. Ông tổ chức liên tục mấy cuộc họp với Ban Giám đốc NXB CAND, Ban Giám đốc nhà nghỉ Minh Tâm và chúng tôi, những cán bộ tổ chức trại viết. Từng vấn đề được đặt ra kỹ lưỡng, chi tiết nhằm để cho cuộc gặp gỡ trọn vẹn. Sau đó trung tướng Hữu Ước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL, Chủ tịch chi hội nhà văn CAND cũng bay vào trao đổi thêm.
Từ 27 nhà văn cùng một số cán bộ Nhà xuất bản phục vụ trại viết, nay số quan khách lên đến gần cả trăm người, khiến nhà nghỉ Minh Tâm lo lắng tính toán chu đáo. Ban tổ chức ưu tư: các nhà văn vốn tính phóng khoáng, sẽ có nhiều vấn đề hóc búa đặt ra với Bộ trưởng tại buổi đối thoại này, làm sao cho cuộc gặp được trọn vẹn là điều chúng tôi quan tâm.
Bộ trưởng Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng nhà văn lực lượng Công an
Tuy nhiên với tầm vóc Bộ trưởng, là một trí thức có học hàm học vị Giáo sư Tiến sĩ, từng viết nhiều tác phẩm nghiệp vụ được dạy trong các trường CAND, chúng tôi tin rằng ông sẽ giải đáp tốt tất cả thắc mắc của các nhà văn, thế nhưng ước muốn vẫn mong mọi chuyện hài hòa đôi bên.
Vấn đề bảo đảm an ninh cũng được đặt ra, thế nên những nhà văn có bạn bè thân nhân đến thăm, ở lại... đều được Ban tổ chức “đả thông”, tuy nhiên vẫn có trường hợp một nhà văn rất nổi tiếng, đột xuất ghé đến ở lại trại ngoài dự kiến khiến chúng tôi trở tay không kịp.
Quan khách ào ạt đổ về gồm đại diện Ban Tuyên giáo TW, các Tổng cục, Vụ Cục thuộc Bộ và mấy chục nhà văn, gồm Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và cuối cùng sáng 14-4-2014, Bộ trưởng xuất hiện trong sự chờ đợi của mọi người. Cao lớn, nét mặt sáng sủa, dáng đi nhanh nhẹn, giọng Bắc ấm của ông đã tạo ấn tượng mạnh cho mọi người ngay từ khi gặp gỡ.
Đón ông có ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Ông vui vẻ bắt tay mọi người, nụ cười tươi luôn nở trên môi, buổi làm việc sau đó diễn ra trong không khí thân tình, ấm cúng.
Đại tá nhà văn Phùng Thiên Tân - Giám đốc Nhà xuất bản CAND đã báo cáo với Bộ trưởng quá trình mở trại tại Đà Lạt và những kết quả đạt được ban đầu. Đại diện các nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu, với ý thức công dân, các nhà văn đã đóng góp ngòi bút của mình vào phong trào bảo vệ ANTQ và giữ gìn trật tự ATXH đất nước qua các tác phẩm viết về lực lượng CAND Việt Nam, những chiến công dũng cảm của người chiến sĩ công an và cũng từ đây tạo nên không ít tên tuổi nhà văn. Nhiều tác phẩm đã đi vào lòng bạn đọc. Hội nhà văn Việt Nam luôn giành những tình cảm chân thành và thân thiết nhất cho lực lượng công an, luôn tham gia và ủng hộ cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc vì bình yên cuộc sống”.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, người thành danh với tiểu thuyết nổi tiếng viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng đã bày tỏ sự cám ơn đối với Bộ Công an, Ban tổ chức đã lo chu đáo và tạo môi trường viết cho các nhà văn. Tiếp là phần đối thoại giữa các nhà văn và Bộ trưởng. Một số vấn đề nóng hổi được đặt ra: Việc tôn trọng tự do sáng tạo theo Bộ trưởng là gì và có bị ngăn cấm ràng buộc gì không? Viết về Công an, có lĩnh vực nào bị cấm đoán không? Tiêu cực ngành công an, nhà văn có được viết không? Đấy là những câu hỏi “hóc búa” đặt ra cho Bộ trưởng.
Và nhà văn nổi tiếng vốn xuất hiện ngoài dự định của Ban tổ chức trại, cũng bất ngờ đứng lên hỏi Bộ trưởng. Ông phàn nàn về môi trường sáng tác của nhà văn cũng như một vài việc tiêu cực đã và đang xảy ra trong xã hội, trách nhiệm ngành Công an đến đâu... Những câu hỏi của ông khiến nhiều người xôn xao nhưng cũng có nhiều nụ cười thú vị.
Bộ trưởng Trần Đại Quang đã điềm tĩnh ghi chép cẩn thận từng câu hỏi, và ông từ tốn trả lời từng vấn đề của các nhà văn. Ông khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do sáng tạo của nhà văn, tuy nhiên nhà văn, trước hết là một công dân, viết nhưng hãy đặt quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Với ngành công an khi mời các nhà văn viết tức không có lĩnh vực cấm, chỉ những vấn đề liên quan đến ANQG không thể công khai. Từng vấn đề tưởng chừng như hóc búa đã được Bộ trưởng bình tĩnh “hóa giải” rất nhẹ nhàng cho thấy tầm vóc trí tuệ của ông.
Ngược lại, ông cũng đặt vấn đề với các nhà văn rằng, tại sao hình ảnh người chiến sĩ CAND trong văn học vẫn chưa đậm nét. Chuyện tiêu cực trong xã hội, trong lực lượng CAND là có, tuy nhiên chỉ là tiểu tiết không thể át đi bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ CAND và mong các nhà văn có cái nhìn tổng thể về lực lượng Công an.
Ông mong các nhà văn có nhiều tác phẩm góp phần cổ vũ động viên lực lượng CAND hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Có những tác phẩm chân thật phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT đất nước. Giúp lực lượng Công an phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch...
Qua cuộc thi này, với những tác phẩm có chất lượng, Bộ Công an sẽ cho in và phát trong lực lượng. Thẳng thắn mà nói, còn nhiều vấn đề các nhà văn muốn tranh luận, trao đổi với ông. Tuy nhiên với thời gian hạn hẹn trong một buổi sáng khó có thể nói hết được. Và các nhà văn cũng đã “thỏa mãn”, ít nhất cũng có một lãnh đạo cấp cao của Đảng đã đến đối thoại lắng nghe, đều mong còn có nhiều cuộc trao đổi như thế nhiều hơn nữa.
Tại buổi gặp, thay mặt Đảng ủy Công an TW và Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà văn dành cho lực lượng CAND Việt Nam trong bao nhiêu năm qua và mong các nhà văn tiếp tục ủng hộ ngành qua ngòi bút của mình.
Thay mặt Bộ, ông trao kỷ niệm chương cho 7 nhà văn có thành tích xuất sắc trong công cuộc Bảo vệ ANTQ, đó là các nhà văn: Nguyễn Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Nguyễn Trí Huân (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Lê Quang Trang (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ.
Kết thúc buổi gặp, nữ nhà văn nổi tiếng người Hà Nội khều khều tôi, thì thầm, này Bộ trưởng bên ông đẹp trai quá!