(CATP) Năm 2022 được cho là năm bắt đầu tiến trình phục hồi của nền kinh tế đất nước sau giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Việc phục hồi kinh tế được thực hiện trong những điều kiện không dễ dàng bởi các di chứng của đại dịch vẫn dai dẳng, cả trong nước cũng như trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân đã có những nỗ lực vượt bậc, đặc biệt đã có những giải pháp sáng tạo đối với những vấn đề chưa có tiền lệ để đưa đất nước vượt qua khó khăn và thu được những thành quả đáng tự hào.
Tỷ lệ tiêm vaccine cao đã giúp đất nước đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng. Người dân vẫn được khuyến cáo phải cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt phải thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng và rửa tay bằng nước diệt khuẩn. Nhưng nhịp độ giao tiếp xã hội đã dần trở lại bình thường; nhờ đó, các hoạt động trong khuôn khổ sản xuất, kinh doanh cũng như trong cung ứng dịch vụ công và trong sinh hoạt hàng ngày đã nhanh chóng đạt được trạng thái như trước đại dịch. Cuối năm ghi nhận các mức tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách,… đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Có những ngành mà doanh số đã chinh phục những cột mốc lịch sử mới, như xuất khẩu cá tra, gỗ,…
Không thể phủ nhận những thách thức đối với đất nước trong quá trình phát triển đi lên trong năm vừa qua là không nhỏ. Việc Trung Quốc kiên trì với chính sách zero Covid đã khiến giao thương giữa hai nước gặp rất nhiều trở ngại, trong khi trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta, đồng thời cũng là nguồn cung ứng khách du lịch lớn nhất. Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy cả thế giới vào cuộc khủng hoảng sâu sắc: lạm phát tăng cao ở các nước phát triển; giá cả năng lượng leo thang đột biến; người dân các nước phát triển thắt chặt chi tiêu; các đơn đặt hàng từ đó cũng giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia mà sự phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.
Cà phê là mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ảnh ST
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo đất nước đã đề ra những đối sách thích hợp cho phép đưa con tàu đất nước vượt qua giông bão khủng hoảng toàn cầu và tiếp tục vững vàng đi tới.
Trước sự thắt chặt các hàng rào kiểm soát mà nhà chức trách Trung Quốc thực hiện để phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đã có những biện pháp thích ứng để bảo đảm hàng hóa xuất khẩu sang nước bạn được lưu thông suôn sẻ, như: tăng cường kiểm dịch hàng hóa và tuân thủ các điều kiện về vệ sinh dịch tễ khi giao nhận hàng theo đúng những đòi hỏi khắt khe của nhà đương cục nước sở tại; tìm con đường xuất khẩu chính ngạch cho những mặt hàng chủ lực;... Nhờ các biện pháp hợp lý, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn diễn ra gần như bình thường trong bối cảnh nước bạn duy trì thái độ ứng phó rất quyết liệt đối với dịch bệnh và điều đó gây khó khăn lớn cho hoạt động kinh tế xuyên quốc gia. Mặt khác, để không bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, dù đó là thị trường cực lớn, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới và cũng đã thu được kết quả tích cực.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cộng hưởng với những tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung và nói riêng những nước phát triển đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng lạm phát phi mã. Một loạt các biện pháp được đề ra để ứng phó. Một trong những biện pháp đáng chú ý là tăng lãi suất cơ bản để kềm chế lạm phát. Chính biện pháp này, áp dụng đối với hai đồng tiền mạnh là Đô la Mỹ và Euro, đã gây áp lực lớn đối với hệ thống tiền tệ, tài chính, tín dụng của Việt Nam. Trước áp lực đó, chúng ta đã có những bước đi linh hoạt để giúp cho nền kinh tế đất nước tiếp tục vận hành bình thường và nhất là không bị cuốn vào cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Sản xuất mặt hàng điện tử công nghệ cao tại Việt Nam. Ảnh ST
Chẳng hạn, các ngân hàng được phép tăng lãi suất huy động vốn để thu hút nhiều nhất có thể lượng tiền mặt nhàn rỗi trong dân cư; mặt khác, ngân hàng cũng đồng thời được khuyến cáo không nâng lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp không phải chịu sức ép nâng giá thành hàng hóa. Rất nhiều ngân hàng đã hưởng ứng khuyến cáo này. Nhờ đó, giá cả hàng hoá thiết yếu không biến động nhiều và người dân được hưởng lợi; hoạt động xuất khẩu cũng diễn ra trơn tru nhờ hàng Việt Nam vẫn giữ được tính cạnh tranh về giá, bên cạnh sự cạnh tranh về chất lượng.
Một bước đi khác cũng tạo ấn tượng đặc biệt là kiểm soát tăng trưởng tín dụng (còn được giới chuyên môn gọi là tạo room tín dụng). Việc ấn định mức tăng trưởng tín dụng tối đa được duy trì trong gần suốt một năm đã giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông ngoài xã hội và do đó, góp phần chủ yếu vào việc kềm chế lạm phát. Tất nhiên, sự giới hạn này cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế. Đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới rộng giới hạn tăng trưởng tín dụng thêm một mức.
Quyết định này đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế vào đúng đợt tăng tốc sản xuất cuối năm. Đó được ví như dòng nước mát chảy vào vùng đất đang khô hạn hay như món quà Tết cho mọi người. Đặc biệt, đối với những ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp khi cho vay trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nới rộng mức tăng trưởng tín dụng: những ngân hàng này có rộng hơn dư địa cho vay so với các ngân hàng khác. Đó được coi như được một phần thưởng cho doanh nghiệp đã thể hiện tốt trách nhiệm xã hội trong giai đoạn khó khăn chung của quốc gia.
Trong năm mới, các thách thức được cho là không hề giảm sút. Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc; cuộc xung độ Nga - Ukraine có nguy cơ giằng co, dai dẳng. Cuộc khủng hoảng toàn cầu còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Các dự báo về kinh tế thế giới năm 2023 của giới chuyên gia đều thể hiện sự dè dặt, thậm chí bi quan.
Tuy nhiên, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, chắc chắn đất nước sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, chinh phục những cột mốc thành tựu mới về kinh tế xã hội và sớm tiến đến sự hùng cường đúng như kỳ vọng của mỗi chúng ta.
Viện sĩ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện