Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc

Thứ Tư, 18/01/2023 17:20

|

(CAO) Nghị quyết về việc miễn nhiệm được Quốc hội nhất trí thông qua với sự tán thành của 465/482 đại biểu tham gia biểu quyết.

Với đa số phiếu thuận, tại phiên họp bất thường lần thứ 3 diễn ra chiều nay (18-1), Quốc hội đã đồng ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc thông qua hình thức bỏ phiếu kín.

Việc này được thực hiện trên cơ sở xem xét tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày trước đó.

Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước

Trong các căn cứ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Cũng với hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã thống nhất cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá XV với ông Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài các căn pháp lý, việc này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dựa trên cơ sở ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.

Theo quy định tại Hiến pháp, Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, vì vậy, khi Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước thì đương nhiên thôi chức danh Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh.

Nghị quyết về các nội dung trên sau đó được thông qua với sự tán thành của 465/482 đại biểu tham gia biểu quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, nhân sự thay thế cho vị trí này chưa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình. Theo Điều 93 của Hiến pháp 2013, trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.

Như vậy, với việc chưa có nhân sự Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới. Đây là việc đã từng có tiền lệ, khi tháng 9-2018, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đảm nhiệm quyền Chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Một tháng sau, vào ngày 23-10-2018, bà Thịnh thôi đảm nhiệm chức vụ này khi tại kỳ họp thứ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khoá XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trước kỳ họp bất thường lần 3 Quốc hội khoá XV, hôm qua (17-1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã triệu tập Hội nghị bất thường xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Sau khi xem xét nguyện vọng này, Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Toàn cảnh kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khoá XV

Tính đến thời điểm Quốc hội miễn nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 2 năm giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương các khóa: X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa (XI, XII, XIII) và là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, XV.

Từ 2001 đến 2006, ông Phúc là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Từ tháng 3-2006 đến 5-2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ.

Từ năm 2007, ông làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Từ 2011 đến 2016, ông lần lượt được bầu vào Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, giữ chức Phó thủ tướng; Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ; Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng; Phó trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…

Tháng 4-2016, ông được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. 3 tháng sau, Quốc hội khóa XIV tiếp tục quy trình kiện toàn nhân sự, bầu ông Phúc làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại Đại hội Đảng XIII hồi tháng 1-2021, ông Phúc tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và được bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 4-2021, ông được Quốc hội khóa XV bầu làm Chủ tịch nước và tái cử chức danh này tại kỳ họp Quốc hội 3 tháng sau đó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang