Tăng trưởng khá
Báo cáo kết quả về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP tiếp tục triển khai có hiệu quả và tập trung đối với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp hàng tháng đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm. Dù vậy công nghiệp TP vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm.
Theo số liệu của Sở Tài chính, đến tháng 10-2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 1,61% so dự toán. Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đầu năm là 392.790,653 tỷ đồng, đạt 101,61% dự toán năm và tăng 22,33% so cùng kỳ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp về kinh tế - xã hội của TPHCM 10 tháng và giải pháp cho 2 tháng cuối năm 2022, chiều 1-11-2022
Đây là bức tranh kinh tế khá tốt sau khi TPHCM khống chế được đại dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa hoàn toàn “bình phục”, vì một số ngành kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng lớn của hậu đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng của TP trong 10 tháng qua là 9,97%, dự báo cả năm 9,44% - đạt và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Để đạt thành quả đó là sự cố gắng rất lớn của TPHCM. Nên nhớ rằng, vào thời điểm kết thúc tháng 9-2021 - trước khi mở cửa sau đại dịch - lần đầu tiên trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng GRDP quý III của TP HCM giảm hơn 24% so với cùng kỳ 2020, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 âm 6,78%.
Cơ chế đặc thù mới sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho thành phố rõ nét hơn, để TPHCM bứt phá.
Thách thức
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau những tháng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM cơ bản tìm lại được những gì đã mất. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 là thử thách không hề nhỏ trong bối cảnh tình hình biến động phức tạp, khó lường.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lo lắng mục tiêu thu ngân sách năm 2023 (chỉ tiêu TPHCM được Quốc hội giao là 469.000 tỷ đồng) cũng là thách thức.
Để khắc phục những khó khăn trước mắt và lâu dài, TPHCM cần một đường băng mới để cất cánh. Trong đó đặc biệt Quốc hội đã cho phép TPHCM được phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết 31-12-2023 (Nghị quyết 54).
Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt - Hàn thuộc Khu công nghệ cao TPHCM
Nghị quyết 54 cho phép TPHCM được thí điểm thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (9 nội dung) và về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý (2 nội dung).
Với 5 năm triển khai Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó kinh tế TPHCM liên tục đạt tăng trưởng cao (trừ giai đoạn 2 năm dịch bệnh). Khi TP vượt qua đỉnh dịch, kinh tế phục hồi nhanh. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt tăng trưởng 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Chính sách đặc thù đã giúp TPHCM giải quyết nhiều vướng mắc để phát triển, nhưng theo lãnh đạo TP và các chuyên gia, Nghị quyết 54 vẫn còn một số vướng mắc. Đó là đặc thù không thể thay thế những ràng buộc của các luật có liên quan, trừ khi Quốc hội khẳng định cơ chế đặc thù không bị chi phối bởi luật hiện hành. Muốn thực hiện tính “đặc thù” phải cho TPHCM một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá.
Cần một nghị quyết mới
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, trong giai đoạn kéo dài thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sớm nhất có thể, mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ Nhà nước.
Theo ông Võ Văn Hoan, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TP sẽ định hướng điều chỉnh 4 vấn đề. Theo đó, nghị quyết mới phải là nghị quyết để thực hiện chứ không thí điểm nữa. Nội dung đặc thù toàn diện trên nhiều lĩnh vực hơn như quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị môi trường, văn hóa xã hội, kinh tế, tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền. Trong đó, TP kiến nghị nghị quyết mới phải có một chương quy định những cơ chế riêng cho TP.Thủ Đức. TP cũng sẽ kiến nghị đưa một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng, một số chức năng nhiệm vụ của bộ ngành giao về cho TP trực tiếp quản lý, điều hành.
Các học viên thực tập vận hành và lập trình robot tại Khu công nghệ cao TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ, TP sẽ song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54, không tạo ra khoảng trống về chính sách. “Tinh thần là cơ chế đặc thù sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho TP rõ nét hơn”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Tại Nghị quyết của Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có quyết định giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.
Đã đến lúc TPHCM cần một cơ chế mới, một nghị quyết mới phù hợp với thực tiễn kinh tế chính trị trong giai đoạn mới, khi mà các thực thể khách quan đang thay đổi, kể cả địa chính trị trong khu vực cũng thay đổi, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển toàn diện trong tương lai gần.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của đất nước, với hạt nhân là đô thị đặc biệt TPHCM. Muốn TPHCM trở thành “hạt nhân đô thị đặc biệt” thì phải cần một cơ chế, chính sách mới phù hợp. Nói một cách khác, TPHCM cần một đường băng mới để cất cánh.