(CAO) Ngay sau khi có kết luận của TTCP về quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu Nhà nước, Báo Công an TP.HCM nhận được ý kiến của các cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
Hai cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị xử lý
Ông Tô Tử Thanh (76 tuổi) – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996-2001 là một trong những người đã phát hiện ra vụ mua bán Cảng Quy Nhơn đầy bất thường và đã nhiều lần kiến nghị kiểm tra, thanh tra việc cổ phần hóa (CPH) tại Cảng Quy Nhơn.
Ông Tô Tử Thanh (76 tuổi) – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996-2001.
Trao đổi với Báo Công an TPHCM, váo sáng 18/9, ông Thanh bày tỏ: “Tôi đã đọc kỹ Kết luận của TTCP vào tối qua và thấy rất tốt. Các nội dung kết luận rất đúng và cơ bản đầy đủ. Xin hoan nghênh Nhà nước, TTCP đã sớm vào cuộc và đi đến kết luận. Đa số Đảng viên, nhân dân tỉnh Bình Định rất phấn khởi trước kết luật thanh tra và chắc chắn TTCP sẽ chuyển kết luận đến UBKT TƯ để đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét xử lý các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền xử lý của Ban Bí thư, Bộ Chính trị”.
Ông Thanh cho biết thêm: “Giờ giải quyết, xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân theo kết luận; đồng thời thu hồi 75,01% CP về sở hữu Nhà nước, xử lý tồn tại của doanh nghiệp tư nhân (Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành – PV) mà họ đã được mua Cảng Quy Nhơn, lãi suất của ngân hàng hơn 404 tỷ đồng; phần vốn của nhà đầu tư đã bỏ ra… cũng là bài toán hóc búa. Nếu họ tiếp tục tham gia cổ phần thì tiếp tục tính giá trị đó cho họ, ưu tiên cho họ. Nếu họ không tham gia nữa thì họ rút vốn”.
Việc làm trước mắt cần thiết theo ông Thanh là cần đánh giá lại giá trị thực của Cảng Quy Nhơn là bao nhiêu, phải xác định cho rõ rồi mới thực hiện các bước tiếp theo từ đó mới có cơ sở đầy đủ để Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) quản lý, điều hành Cảng.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015 cũng bày tỏ với Báo Công an TPHCM: “Kết luận của TTCP rất khách quan, đáp ứng được sự mong mỏi của cán bộ, nhân dân Bình Định”.
Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.
Một lần nữa ông Thiện khẳng định: “Từ trước đến nay, việc CPH Cảng Quy Nhơn thì tỉnh Bình Định cơ bản không có quyền và trách nhiệm gì vì các Bộ, ngành đã làm hết từ trước đó. Cụ thể là thực hiện từ năm 2013 và đến tháng 2-2014 cơ bản về chủ trương đã CPH hết và đến tháng 5-2015 thì Bộ GTVT đã hoàn tất CPH hết Cảng Quy Nhơn rồi. Văn bản của tỉnh chẳng qua là để thúc đẩy việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn với mong muốn có cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Bộ GTVT và Vinalines đã làm sai là bán chỉ định cho nhà đầu tư thì bây giờ làm sao để thu hồi lại Cảng cho Nhà nước quản lý để đầu tư được hệ thống hạ tầng Cảng cho đúng tầm của khu vực miền Trung. Lâu nay khu vực Cảng đình trệ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay”.
Chỉ định doanh nghiệp tư nhân nắm CP trái Quyết định Thủ tướng
Như Báo Công an TPHCM đã có loạt bài phản ánh, ngày 4-2-2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký Quyết định (QĐ) số 276/QĐ-TTg “Phê duyệt đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015”, quy định, doanh nghiệp thực hiện CPH nắm giữ 75% vốn điều lệ. Ngày 27-5-2013, Phó Thủ tướng ký văn bản số 747/TTg-ĐMDN chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines CPH Cảng Quy Nhơn theo phương thức: “Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ; các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ”...
Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9-2013, Công ty CP Cảng Quy Nhơn bán đấu giá, bán ra 10% vốn điều lệ (4,04 triệu CP) cho cổ đông tự do và bán tiếp 4,04 triệu cổ phần khác cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Ngày 18-6-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký QĐ số 37/2014/QĐ-TTg quy định Công ty CP, Công ty TNHH hai thành viên trở lên nắm giữ 50% trở lên tổng số cổ phần, vốn góp.
Tháng 6-2015, Vinalines chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP (26,01% tỉ lệ sở hữu cảng) và tháng 9-2015, Vinalines bán nốt phần vốn còn lại với 19,8 triệu CP cho Công ty Hợp Thành. Như vậy sau 3 lần Vinalines chuyển nhượng, Hợp Thành nắm giữ 86,23% cổ phần (440 tỷ đồng). Điều này là trái QĐ số 276/QĐ-TTg của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và QĐ số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn làm trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một cái tên “đình đám” từng nắm giữ CP tại Cảng Quy Nhơn là Trần Duy Tùng (SN 1985), con trai ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ông Tùng làm thành viên HĐQT từ tháng 7-2016. Ngày 1-10-2017, ông Tùng thôi làm thành viên HĐQT và người thay thế là bà Nguyễn Thị Nghiệp.
Tháng 4-2017, UBKT TƯ đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình CPH Cảng Quy Nhơn.
Ngày 18-9-2018, TTCP ra Thông báo kết luận Thanh tra toàn diện việc CPH Cảng Quy Nhơn, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định; đồng thời kiến nghị thu hồi 75,01% CP về sở hữu Nhà nước.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực cảng biển loại 1 với 20.960 kho, 48.000m2 bãi chứa container, nằm trong hệ thống cảng biển để thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020 và tiếp theo. Đây là điểm tiếp nhận hàng hóa đầu mối của các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến các cửa khẩu của Việt Nam với Lào, Campuchia. |