Cần gấp rút tổ chức lại hoạt động đăng kiểm

Thứ Năm, 09/03/2023 18:08

|

(CATP) Ngành Đăng kiểm (ĐK) đang "tê liệt", trong khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) vẫn chưa tổ chức lại hoạt động quan trọng này. Việc xã hội hóa (XHH) hoạt động ĐK là hướng đi, chủ trương đúng đắn. Trong khi các doanh nghiệp đăng kiểm (DNĐK) phát triển rất nóng, nhưng hệ thống chính sách về vấn đề này chưa đủ chặt chẽ, còn những lỗ hổng lớn, để tiêu cực xảy ra gần như trên toàn hệ thống.

"Virus đăng kiểm như virus Việt Á"

Chiều 03-3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi liên quan đến vụ án sai phạm tại Cục ĐKVN, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại TPHCM và các tỉnh, thành, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn của Bộ Công an (CA) - cho biết: Tính đến thời điểm này, CA 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án; khám xét 62 TTĐK, 4 chi cục ĐK; khởi tố 379 bị can (BC) về 7 tội danh; số BC bị bắt lên gần 400, đưa các vụ án liên quan đến hoạt động ĐK trở thành những vụ án có số BC lớn trong lịch sử tố tụng nước ta.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, các BC phạm các tội: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ thiết bị phần mềm để sử dụng trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, phương tiện viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm. Người phát ngôn Bộ CA cho biết thêm: "Tôi từng nói đây có thể là "một virus" như vụ Việt Á. Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục làm rõ”.

Công an Hà Nội khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-10D ngày 28-02-2023. Ảnh: TTXVN

Cũng theo ông Tô Ân Xô, đặc điểm vụ án này có 3 mảng chính: một là, kiểm định (KĐ) phương tiện giao thông đường bộ; hai là, KĐ phương tiện nội thủy thì CA các địa phương đang đi sâu để kiểm tra do liên quan đến nhiều vấn đề; qua xác minh ban đầu, những cán bộ ở Cục ĐKVN và các TTĐK nhận hối lộ của các chủ phương tiện hoặc đối tượng môi giới để bỏ qua các lỗi; ba là hoán cải cũng xảy ra nhiều tiêu cực. Một số nhân viên của Cục ĐKVN lập các công ty "sân sau" hoặc móc nối với công ty có ngành nghề hoạt động thiết kế, thi công cải tạo xe cơ giới để bỏ qua lỗi trong quá trình thẩm định hoặc lập hồ sơ giả trong thi công hoán cải; không thể hiện được khối lượng cắt bỏ thành thùng, đuôi xe hoặc thay đổi số liệu về trọng lượng xe khi cho phép hoán cải..., móc nối với các TTĐK để cấp giấy chứng nhận ĐK.

Đúng như nhận định của ông Tô Ân Xô, liên tục những ngày qua, các TTĐK tiếp tục bị "sờ gáy", trong đó sáng 08-3, CA huyện Đông Anh, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với 6 BC thuộc TTĐK xe cơ giới 29-07D để làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Trên địa bàn Hà Nội có 31 TTĐK, nhưng đến nay đã phát hiện 23 TTĐK mắc sai phạm, 1 trung tâm tự đóng cửa. Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hoặc tạm giữ hình sự hàng trăm BC. Tính tới ngày 07-3, tại Hà Nội chỉ còn 7 TTĐK hoạt động. Trên cả nước, tính đến ngày 06-3 có 61/281 TTĐK tạm dừng hoạt động.

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Đây là quản lý nhà nước hay tội phạm?"

Ngày 17-01-2023, ông Trần Kỳ Hình - cựu Cục trưởng Cục ĐKVN - bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ của nhiều TTĐK khi còn giữ chức lãnh đạo Cục ĐKVN. Trước đó, ngày 11-01-2023 cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục ĐKVN - với cáo buộc cùng 3 đồng phạm nhận hối lộ hàng tháng, hàng quý của các TTĐK ở nhiều tỉnh thành; nhận hối lộ khi cấp phép thành lập các trạm, TTĐK, bỏ qua nhiều sai phạm của các TTĐK trong việc cấp giấy chứng nhận ĐK cho các phương tiện. Cục ĐKVN hoàn toàn buông lỏng quản lý, đến nỗi trong vụ tiêu cực tại TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè, TPHCM), cơ quan điều tra còn phát hiện Giám đốc TTĐK này là Hồ Hữu Tài mù chữ!

Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Cục ĐKVN ngày 16-01-2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: "Vấn đề rất đau đớn, đau xót, kể cả các thế hệ lãnh đạo từng công tác tại Cục ĐKVN, Bộ GTVT cũng như những người đang làm việc. Chúng ta đều cảm thấy tủi hổ, xấu hổ. Lãnh đạo Cục ĐKVN còn nhận tiền theo tháng nữa thì chịu luôn, đó gọi là bảo kê tội phạm cho nên không thể tha thứ được... Đã nhận tiền hàng tháng để bảo kê thì còn chỉ đạo, quản lý gì nữa... Đây là quản lý nhà nước hay tội phạm?" - Bộ trưởng Thắng gay gắt.

Đừng đổ lỗi cho "xã hội hóa"!

Có một số ý kiến cho rằng việc XHH, cho phép tư nhân thành lập các trạm, TTĐK đã khiến công tác ĐK trở nên bát nháo. Sự thật không phải vậy, vấn đề ở đây là do Cục ĐKVN buông lỏng quản lý hoàn toàn.

Xã hội hóa hoạt động ĐK được triển khai từ sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2018 ra đời, đến năm 2019 bỏ quy định về phát triển các TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương. Ngay lập tức các DNĐK phát triển rất nhanh, số lượng trạm, TTĐK đã tăng gần gấp 3 lần, trong đó có nhiều DNĐK là "sân sau" của cán bộ quản lý Cục ĐKVN.

Xã hội hóa hoạt động ĐK là hướng đi, chủ trương đúng đắn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà các lĩnh vực khác cũng đã làm và làm tốt. Nếu không có hệ thống ĐK theo mô hình doanh nghiệp (DN) kinh doanh (KD) có điều kiện thì làm sao các TTĐK của Nhà nước có thể KĐ lượng lớn phương tiện giao thông thủy, bộ.

"Kiên quyết chuyển cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện", Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Bộ Chính trị xác định rõ như vậy. Thực tế trên nhiều lĩnh vực hoạt động, Nhà nước không thể làm hết mọi thứ, nhất là những dịch vụ công, liên quan mật thiết đến người dân. Vấn đề của XHH là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thế nào, đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát để cho hoạt động XHH đúng quy định pháp luật.

Thực tế vừa qua cho thấy, các DNĐK phát triển rất nóng song hệ thống chính sách về ĐK có nhưng chưa đủ chặt chẽ, vẫn còn những lỗ hổng tạo ra kẽ hở, ranh giới phân tuyến quản lý và kiểm soát trong lĩnh vực hoạt động giữa khu vực công và tư còn mập mờ, trong đó có vấn đề ở khâu giám sát, dẫn đến việc lợi dụng hoạt động này để trục lợi.

Để phát huy hiệu quả hoạt động xã hội hóa ĐK, loại hình KD có điều kiện cần có hệ thống văn bản pháp quy, quy định rõ ràng, phải có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho hoạt động ĐK.

Bộ GTVT vẫn chưa tổ chức lại hoạt động đăng kiểm

Cục ĐKVN cho biết, trong bối cảnh thiếu hụt ĐK viên sau loạt sai phạm xảy ra tại nhiều đơn vị ĐK trên cả nước khiến các trung tâm này phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến tình trạng ùn tắc ĐK kéo dài trong nhiều tháng từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục ĐKVN rà soát lại 4 vấn đề lớn nhằm khắc phục những bất cập trong công tác KĐ xe cơ giới: xây dựng thể chế, ban hành các quy định liên quan đến ĐK, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp phân quyền; cùng với đó quan tâm đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vừa có trình độ vừa có đạo đức; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, phần mềm, nhà xưởng... đáp ứng điều kiện hoạt động ĐK. Đặc biệt, chú trọng công tác tổ chức thực hiện, vận hành hoạt động.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Cục ĐKVN cần khẩn trương nghiên cứu, trình sửa đổi ngay Nghị định 139/2018/NĐ-CP về điều kiện KD dịch vụ KĐ xe cơ giới trên cơ sở những tồn tại, lỗ hổng để xảy ra các sai phạm thời gian qua. Cục ĐKVN cũng có trách nhiệm tăng cường quản lý thanh kiểm tra, xây dựng quy định tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra đối với hoạt động KĐ xe cơ giới...

Tuy nhiên, những yêu cầu này cho đến nay Cục ĐKVN chưa làm được, vẫn đang đối phó với những vụ án liên quan, khi nhiều TTĐK tiếp tục bị điều tra tiêu cực.

Ngày 13-01-2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT, sau khi chỉ ra những vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực ĐK, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các lãnh đạo bộ xử lý bình tĩnh nhưng cương quyết, chắc chắn, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập thời gian qua.

Hoạt động ĐK là dịch vụ công liên quan đến người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành GTVT. Sau những tiêu cực hết sức nghiêm trọng của ngành này, cần phải tổ chức lại hoạt động ĐK khoa học, chặt chẽ, đặc biệt xem trọng việc XHH hoạt động này bằng các biện pháp quản lý qua các điều kiện kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên.

Xử nghiêm sai phạm nhưng không để ùn tắc tại các TTĐK

Chiều 08-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ CA để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các TTĐK.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khả năng đáp ứng nhu cầu KĐ các phương tiện giao thông của người dân ở Hà Nội đạt khoảng 40% và 50% ở TPHCM, thậm chí có tháng chỉ đạt 30% ở cả hai thành phố lớn này.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ CA Nguyễn Văn Long cho biết, những sai phạm của ngành ĐK có tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát. Theo lãnh đạo các bộ, ngành, cần có giải pháp tập trung để đưa hoạt động ĐK sớm trở lại bình thường, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc cung cấp các dịch vụ công, trong đó có hoạt động ĐK, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân. Tuy nhiên, những sai phạm tại Cục ĐKVN, một số TTĐK hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ CA, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến dịch vụ ĐK, quyền lợi của người dân. Phó thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp này, các đơn vị "phải làm ngay, phải thay đổi ngay, không thể để tình trạng ĐK như thế này".

Ông Hà yêu cầu Bộ GTVT sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các DN sản xuất, KD, nhập khẩu ôtô đủ điều kiện được tham gia thực hiện KĐ xe. Thực hiện miễn ĐK lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp và xe nhập khẩu chưa qua sử dụng. Huy động, điều phối nhân lực ĐK viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác chi viện cho các TTĐK ở Hà Nội, TPHCM; kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu KĐ của người dân.

Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ CA xem xét phương thức tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động của các TTKĐ, bảo đảm minh bạch, rõ ràng; tăng cường công tác đào tạo, quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ ĐK viên...

Bình luận (0)

Lên đầu trang