‘Chảy máu’ rừng phòng hộ ven hồ Tả Trạch

Thứ Sáu, 14/07/2017 08:37  | Hoàng Quân

|

(CAO) Rừng phòng hộ quanh hồ Tả Trạch (công trình quan trọng an ninh quốc gia) đang bị khai thác nghiêm trọng. Lợi dụng chính sách tận thu lâm sản và nạn “lâm tặc” hoành hành, nhiều diện tích rừng bị tàn phá.

Tan nát rừng phòng hộ quanh hồ Tả Trạch

Nhận được thông tin của người dân xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về tình trạng phá rừng ổ ạt đã và đang diễn ra quanh hồ chứa nước Tả Trạch, phóng viên (PV) đã nhiều ngày xâm nhập và ghi nhận nhiều diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá ghê gớm.

Sau nhiều cuộc hẹn bất thành, chúng tôi cũng được một người làm nghề đánh cá trên hồ Tả Trạch đồng ý chở đi khảo sát làm dự án du lịch quanh hồ Tả Trạch. Ngoài khoản tiền công xứng đáng, người này còn ra điều kiện chúng tôi phải giữ bí mật vì công việc, cuộc sống sau này sẽ bị ảnh hưởng nếu như lộ thông tin.

Từ bến đò bên đập chính hồ Tả Trạch, chiếc đò máy xé nước băng ra giữa lòng hồ Tả Trạch. Công trình này được xây dựng từ năm 2005, hoàn thành và sử dụng năm 2016 với tổng mức đầu tư 3.680 tỷ đồng, do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy Lợi 5 (thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư.

Gốc cây cổ thụ bị triệt hạ, khúc gỗ, phách gỗ lớn vẫn còn nằm trong rừng ven hồ Tả Trạch

Công trình có dung tích 650 triệu khối, diện tích lưu vực hồ chứa 717m2, có đập dâng lớn nhất Việt Nam. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh, chính trị, an toàn xã hội, đã được Bộ Công an lập kế hoạch, xây dựng phương án bảo vệ.

Trái ngược lái khung cảnh nên thơ, thanh bình của hồ nước Tả Trạch là sự tan hoang, xác xơ những cánh rừng xung quanh hồ. Hàng trăm hecta rừng tự nhiên trước kia có chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương đã được chuyển sang rừng trồng sản xuất.

Xen kẽ đó là những khoảnh rừng tự nhiên nghèo kiệt bị khai thác tan hoang. Sau một giờ, đò cập bến khe 57, chúng tôi leo dốc ngược lên khoảnh rừng tự nhiên, chứng kiến khung cảnh tan hoang. Một con đường lớn được mở bởi máy xúc, máy ủi đi dọc bìa rừng.

Nhiều cây gỗ tự nhiên đã bị cưa còn trơ lại gốc và gỗ đã được lấy đi. Một số khúc gỗ rừng vẫn còn nằm lại. Phóng tầm mắt ra xa, nhiều khoảng rừng tự nhiên đã bị khai phá. Ở các quả đồi này, ai đó đã sử dụng máy ủi, máy múc để tạo ra những con đường lớn, đi quanh đồi.

Một số khúc gỗ được tập kết bên đường

Tiếp tục theo đò di chuyển đến khe Nóng - nơi được cho là phá rừng nghiêm trọng, PV theo con đường lớn dẫn thẳng lên rừng. Vành đai đầu tiên là rừng sản xuất đã được cạo trọc, chỉ còn thảm cỏ và lớp cây bụi. Càng đi lên cao là rừng tự nhiên, cây gỗ hai bên đường bị chặt sạch. Nhiều khúc gỗ được tập kết bên đường.

Người ướt đẫm, chân tay tua túa máu vì leo dốc cao, băng qua những bụi gai, chúng tôi mệt lả vì đi giữa rừng dưới anh nắng chói chang không bóng cây che chắn khi rừng đã bị cạo trọc. Đi đến đường cụt, len lỏi vào phía sau một lùm cây, có 2 gốc cây lớn đã bị triệt hạ, lượng lớn gỗ đã được cưa xẻ đem ra khỏi rừng, còn lại nhiều phách, khúc gỗ lớn. Một gốc cây có đường kính 70cm có vân gỗ đẹp, vẫn còn dấu cưa máy, nhiều mùn cưa xung quanh là minh chứng cho cây cổ thụ đã bị đốn hạ.

Khảo sát thêm những cánh rừng ở khe Vàng, khe De quanh hồ Tả Trạch, PV ghi nhận nhiều diện tích rừng đã bị tàn phá, rừng trồng đang dần thay thế rừng tự nhiên. Theo tìm hiểu, ở khu vực lòng hồ này có 2 trạm kiểm soát bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Hương Thủy và Trạm kiểm lâm Tả Trạch của Hạt Kiểm lâm Hương Thủy với hàng chục cán bộ, nhân viên canh giữ 24/24 giờ nhưng rừng vẫn bị tàn phá, gỗ được khai thác đưa ra khỏi rừng. Theo người dân địa phương, gỗ được cưa xẻ, vận chuyển bằng đò đi trong lòng hồ Tả Trạch hoặc chở bằng xe tải đi theo những tuyến đường xuyên qua các cánh rừng.

Những bất thường trong việc tận thu gỗ rừng

Sau nhiều ngày xâm nhập thực tế, PV đem những thông tin, hình ảnh, clip về tình trạng rừng khu vực quanh hồ Tả Trạch bị khai phá, lãnh đạo, cán bộ Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy xem xong bày tỏ sự bất ngờ.

Ông Trịnh Ngọc Thuận – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Thủy cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho cán bộ đi kiểm tra cụ thể để nắm tình hình và làm việc với chủ rừng để nắm bắt thông tin. Khu vực rừng quanh hồ Tả Trạch do Ban QLRPH Hương Thủy làm chủ rừng. Nếu xảy ra tình trạng phá rừng thì chủ rừng hoàn toàn trách nhiệm. Nếu có tình trạng khai thác rừng thì đơn vị sẽ lập biên bản sau khi đi kiểm tra hiện trường, làm việc với chủ rừng và tùy tính chất, mức độ để có biện pháp xử lý”.

Những khúc gỗ được khai thác từ nhiều năm còn nằm lại trong rừng

Ông Thuận còn khẳng định, đơn vị có trạm kiểm lâm với 6 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ trên khu vực lòng hồ Tả Trạch và công tác kiểm tra, bảo vệ rừng thường xuyên được thực hiện. “Công tác trực báo, giao ban được thực hiện hàng tuần và các cán bộ, nhân viên báo cáo thời gian qua không có tình trạng phá rừng ở quanh lòng hồ Tả Trạch. Tuy nhiên qua thông tin, hình ảnh báo chí cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ”, ông Thuận hứa.

Sáng 13-7, ông Hoàng Phước Toàn - phó Giám đốc Ban QLRPH Hương Thủy cùng cán bộ, nhân viên ở đây cho biết vẫn chưa xác định được cụ thể các vị trí xảy ra khai thác rừng trái phép như PV cung cấp. Tuy nhiên, đơn vị sẽ cử cán bộ, nhân viên đến kiểm tra toàn bộ khu vực rừng quanh hồ Tả Trạch mà đơn vị đang quản lý.

Về thực tế nhiều diện tích rừng phòng hộ quanh hồ Tả Trạch bị khai thác, ông Toàn cho biết là đơn vị thực hiện việc tận thu gỗ rừng theo quyết định của UBND tỉnh. Ngày 30-6-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Quyết định về việc cho phép thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng không có khả năng thành rừng của Ban QLRPH Hương Thủy.

Đơn vị này được tận thu gỗ rừng trong diện tích 190,22ha ở 3 tiểu khu 171, 178 và 181 thuộc địa phận xã Dương Hòa, loại cây: keo hỗn giao cây bản địa (sao đen, sến,…), tổng giá trị đầu tư hơn 708 triệu đồng (hơn 371 triệu đồng giá trị đầu tư trồng rừng và hơn 337 triệu đồng giá trị đầu tư chăm sóc). Ngày 31-8-2016, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán và cấp phép khai thác tận thu gỗ rừng trồng đã được thanh lý để trồng lại rừng cho BQL rừng phòng hộ Hương Thủy, diện tích tận thu chỉ còn gần 79ha.

Nhiều con đường được mở để thực hiện việc tận thu khai thác rừng quanh hồ Tả Trạch
Một số khúc gỗ rừng tự nhiên được tập kết ở đập phụ trong lòng hồ Tả Trạch

Các quyết định không nói thời hạn tận thu, thời hạn trồng rừng, không đề cấp việc đấu giá tài sản, không có hội đồng đấu giá. Ông Toàn cho biết: “Do sản phẩm lấy ra thu không đủ bù chi phí nên Sở NN&PTNT giao cho đơn vị tự tổ chức khai thác thu gom và làm vệ sinh rừng để trồng lại rừng, không tổ chức đấu thầu, đấu giá. Đơn vị hợp đồng với hộ ông Đoàn Văn Trúc (“Tô”, ngụ thôn Khe Sồng, xã Dương Hòa - PV) thực hiện việc tận thu”.

Khi PV đề nghị xem hợp đồng thì ông Toàn cho biết, hồ sơ đang được cán bộ kế toán ngân sách giữ nhưng người này đã đưa người nhà đi chữa bệnh, không có ở cơ quan. Liên hệ với ông Nguyễn Hữu Cự - Giám đốc Ban QLRPH Hương Thủy để đề nghị được tiếp cận hợp đồng này thì ông Cự nhiều lần không nghe điện thoại, hoặc từ chối vì bận việc.

Thực tế thì Ban QLRPH Hương Thủy cùng ông Đoàn Văn Trúc đã thực hiện tận thu gỗ rừng trong 2 năm nay, không rõ số lượng gỗ đã tận thu bao nhiêu nhưng thực tế thì hàng trăm ha rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng và việc trồng rừng mới vẫn chưa được thực hiện. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN & PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra, làm rõ.

Clip nhiều cây gỗ rừng tự nhiên bị khai phá, được tập kết bên đường:

Bình luận (0)

Lên đầu trang