Đây là hoạt động đã thành thông lệ vào dịp đầu năm mới để các cấp lãnh đạo lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, nhắn nhủ của các em thiếu nhi - những mầm non tương lai của TP.
Trước khi diễn ra chương trình, 157 đại biểu thiếu nhi và nhiều lãnh đạo TP đã đến dâng hoa, báo công lên tượng Thiếu nhi với Bác Hồ tại Nhà Thiếu nhi TPHCM.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa; Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quận sự TPHCM Trương Văn Hai; Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong cùng lãnh đạo các sở ban ngành TP, lãnh đạo Thành Đoàn TPHCM, đại diện các đoàn thể... Và 157 đại biểu thiếu nhi, đại diện cho 1,4 triệu trẻ em TPHCM, là những đội viên - học sinh tiêu biểu, những tài năng trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực, học sinh giỏi tiêu biểu, thành viên tích cực của các câu lạc bộ - đội nhóm Nhà Thiếu nhi, con em công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chiến sĩ hải quân đang công tác ở vùng biên giới, hải đảo.
Lãnh đạo TPHCM trao đổi cùng các em thiếu nhi. Ảnh: Thanh Vũ
Trên tinh thần “trao đổi thẳng thắn” mà Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, người chủ trì cuộc gặp mặt, phát biểu mở đầu, các đại biểu thiếu nhi đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý kiến, kể cả “hiến kế” cho các cấp quản lý.
Lĩnh vực giao thông vận tải và hoạt động xe buýt đã trở thành “điểm nóng” với nhiều ý kiến phản ánh liên quan. Em Trịnh Thu Phương (học sinh trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình) nêu tình trạng các xe buýt thường quá đông, xảy ra việc chen lấn, nhồi nhét khách, không thoải mái cho học sinh đi học bằng xe buýt. Với những học sinh đi học bằng xe lam thì biện pháp an toàn không đảm bảo, dễ gây tai nạn cho hành khách. Em cũng góp ý về việc phân bố hợp lý các tuyến xe buýt tránh tình trạng có tuyến quá đông, tuyến lại quá vắng. Cùng ý kiến, em Nguyễn Phạm Hải Phượng (học sinh trường Trần Quang Khải, Quận 12) còn phản ánh về thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên xe buýt thường khó chịu, không muốn nhận khách là học sinh, vốn là đối tượng được ưu tiên giá vé, và tình trạng bỏ bến, không đón khách thường xuyên diễn ra...
Em Giang Thị Mộng Như (Trường THCS Tân Tạo) góp ý xây dựng TP. Ảnh: Thanh Vũ
Việc giảm tải chương trình học, đổi mới phương pháp dạy và học vẫn là quan tâm hàng đầu của các em. Nhiều ý kiến mong muốn ngành giáo dục phân phối lại chương trình học cho hợp lý, giảm lý thuyết suông mà cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, thiết thực để áp dụng những kiến thức đã học. Em Giang Thị Mộng Như (Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân) nêu tình trạng các số liệu trong sách giáo khoa đã từ những năm 2000 không còn phù hợp với thực tế và mong muốn sách giáo khoa mau chóng được đổi mới, cập nhật số liệu, thông tin phù hợp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trò chuyện với thiếu nhi. Ảnh: Chế Trung
Ngoài ra, các em còn kiến nghị: xây dựng thêm khu vui chơi, giải trí phục vụ thiếu nhi ngoại thành; có thêm không gian sinh hoạt công cộng cho thiếu nhi; quan tâm chăm sóc tinh thần cho người khuyết tật; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường sống an toàn; bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho thiếu nhi; nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường; xây dựng thêm nhiều hồ bơi, mở nhiều lớp tập bơi để tránh tình trạng đuối nước vẫn thường xuyên diễn ra... Em Trần Phan Bảo Ngọc (lớp 7, trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) thẳng thắng đề nghị chấn chỉnh lại hoạt động, thái độ của lực lượng cảnh sát giao thông...
Với những vấn đề đặt ra, lãnh đạo các sở ban ngành TP đã nhanh chóng tiếp thu và cho các em câu trả lời ban đầu. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết chương trình giảm tải đã được chỉ đạo khắp TP và tiếp tục được thực hiện rốt ráo hơn; các chương trình học ngoại khóa tiếp xúc với thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử... sẽ được lan tỏa rộng hơn ở các trường. TP đã có kế hoạch soạn sách giáo khoa mới theo hướng tinh gọn, tích hợp nhiều môn học nhằm tạo thuận lợi nhất cho học sinh (dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018).
Nhiều năm qua, ngành giáo dục cũng đã phối hợp với ngành thể thao, các trường thực hiện phổ cập bơi cho học sinh. Cùng với cơ chế xã hội hóa mới, việc xây hồ bơi trong nhà trường sẽ diễn ra thuận lợi hơn, sẽ có thêm nhiều hồ bơi phục vụ nhu cầu các em. Bí thư Thành Đoàn TPHCM Nguyễn Mạnh Cường cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động phổ cập bơi cho thiếu nhi cũng như chăm lo tốt hơn nữa nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng lớn và đa dạng của các em.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường hứa sẽ có những chấn chỉnh quyết liệt để đến tháng 6 sẽ có chuyển biến rõ rệt về thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên xe buýt cũng như xử lý nghiêm các nhà xe, chủ xe, doanh nghiệp vi phạm, khắc phục tình trạng bỏ bến không nhận khách.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường trả lời câu hỏi của các em thiếu nhi. Ảnh: Thanh Vũ
Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong cho biết sẽ chấn chỉnh hiệu quả tinh thần trách nhiệm thi hành nhiệm vụ không chỉ ở cảnh sát giao thông mà tất cả các lực lượng khác của Công an TP, nhất là trong ứng xử, tiếp xúc với công dân...
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP trả lời câu hỏi của các em thiếu nhi
Phát biểu chỉ đạo chương trình, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đánh giá tuy những năm qua TP luôn quan tâm công tác chăm lo, bảo vệ thiếu niên nhi đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu cũng như đúng với tiềm năng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Chế Trung
Để thực hiện tốt hơn việc chăm lo cho thiếu nhi, đồng chí đề nghị các nơi nghiêm túc thực hiện những chỉ đạo trước đây của nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải; đề nghị Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND chỉ đạo rà soát lại những chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng và xem xét trong tổng thể chính sách phát triển chung của TP; Chủ tịch UBND chỉ đạo các sở ban ngành quan tâm đến ý kiến của các cháu hôm nay, cũng như của 1,4 triệu trẻ em TP, để có kế hoạch giải quyết cụ thể (giảm tải chương trình học, đổi mới sách giáo khoa như thế nào, lộ trình cụ thể ra sao... đều phải công khai); Đoàn Thanh niên tiếp tục đổi mới để có hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn để các cháu thực sự là người chủ của TP... Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh, từ lãnh đạo, thầy cô giáo đến phụ huynh học sinh, cần coi việc lắng nghe các em thiếu nhi là việc thường xuyên. Các sở ban ngành, công chức viên chức cần tự chỉnh đốn mình, nâng cao trách nhiệm công vụ, phải làm gương, từ tuân thủ giờ giấc đến thái độ phục vụ người dân thật hòa nhã...
Nhắn nhỉ với các đại biểu thiếu nhi, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị “cùng thi đua”, mỗi người làm thật tốt việc của mình, từ lãnh đạo, nhân viên đến học sinh. Các em thiếu nhi phải thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; thể hiện tình yêu và trách nhiệm với TP; nuôi dưỡng khát vọng, học giỏi, khỏe mạnh để xây dựng TP; rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện tư duy tự sáng tạo như truyền thống của TP, xứng đáng với “thương hiệu” là thiếu nhi của TP mang tên Bác.