(CAO) Ngày mai 20-1, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện này đang trở thành tâm điểm đưa tin của truyền thông quốc tế.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) dẫn lời David Brownb- một nhà ngoại giao từng công tác tại Việt Nam 10 năm nhận định:“Đây có lẽ là Đại hội Đảng quan trọng nhất tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua”. Tờ báo này cũng nhận định Đại hội XII sẽ đóng vai trò “định hình tương lai của Việt Nam”.
Còn tờ Washington Post (Mỹ) ví von Đại hội Đảng XII có tầm quan trọng đối với đời sống chính trị Việt Nam như bầu cử tổng thống đối với Mỹ. Đại hội Đảng XII diễn ra trong bối cảnh công cuộc Đổi mới, cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đi được chặng đường 30 năm, đưa diện mạo đất nước phát triển từ những nước nghèo trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Theo đó, các đại biểu tham dự Đại hội sẽ bầu ra các vị trí lãnh đạo cao nhất cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Washington Post cho rằng Đại hội XII có tầm quan trọng không khác gì cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ.
Tờ báo này dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích cho rằng Đại hội Đảng XII có ý nghĩa rất lớn, vì nó diễn ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Đổi mới, cải cách kinh tế. Công cuộc Đổi mới đã biến Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Đại hội Đảng XII đóng vai trò định hình tương lai đất nước. Trong ảnh là các nhân viên xếp hoa trang trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, chuẩn bị cho Đại hội Đảng - Ảnh: AFP
Tờ New York Times (Mỹ) nhận định thế hệ lãnh đạo tiếp theo sau đại hội sẽ vác trên vai gánh nặng lèo lái đất nước, tìm ra những quyết sách phù hợp để giải quyết các vấn đề hóc búa như đối phó với tham vọng bành trướng “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, tiếp tục công cuộc hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vì thế, Đại hội Đảng XII đóng vai trò định hình chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.
Trang tài chính Bloomberg (Mỹ) nhận định dàn lãnh đạo được bầu ra sau đại hội phải lựa chọn con đường tăng trưởng phù hợp, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại.
Truyền thông quốc tế nhấn mạnh việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước Đại hội Đảng XII là bước đi quan trọng giúp đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.