(CAO) Sáng 3-11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Tờ trình nêu rõ: Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến thành phố Cà Mau (đường vành đai số 2) dài khoảng 2.109 km.
Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 150 km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đọc tờ trình
Quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được khoảng 35.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm. Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1.
Để phục vụ dự án, theo tính toán của Bộ GT-VT, tổng diện tích chiếm dụng khoảng 3.736 ha, tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ, số hộ dự kiến tái định cư khoảng 2.020 hộ và tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (xác định theo mặt bằng giá quý II năm 2017) khoảng 14.155 tỷ đồng.
Theo tính toán, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Dự án từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km).
Thẩm tra chủ trương đầu tư này của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện tuyến đường cao tốc sẽ hình thành tuyến đường tốc độ cao và an toàn trong việc cơ động, huy động nguồn lực với các phương án tác chiến quốc phòng. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị khi triển khai các đoạn thuộc Dự án thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các quân khu của Bộ Quốc phòng đóng tại địa phương có đường đi qua để bảo đảm phương án quốc phòng, an ninh trên địa bàn.