Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý nhiều ngày qua về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tăng tầng nấc trung gian
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Ở cấp địa phương thì thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã.
Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết. Trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là hơn 1,971 triệu người, đến năm 2016 là hơn 2 triệu người, tăng khoảng 5,8%).
Để giải quyết vấn đề này, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương,…
Sẽ thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 6
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp khi phát biểu trên Hội trường Quốc hội. Trao đổi với báo chí sau đó, đại biểu Hòa tính toán, sau khi sáp nhập có thể giảm 10 tỉnh trở lên có quy mô dân số thấp và giảm được 3-4 Bộ.
Đại biểu này cho rằng, ban đầu có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau khoảng 1 năm sẽ đi vào nền nếp và hoạt động bình thường. Ngoài giảm đầu mối các bộ ngành để quản lý dễ dàng, 63 tỉnh thành như hiện nay là rất lớn, trong công tác thanh kiểm tra cũng khó khăn, cần số lượng cán bộ nhiều, nếu giảm đầu mối thì số lượng cán bộ sẽ giảm đi, sẽ thuận tiện. Điều quan trọng nữa là khi sáp nhập sẽ mang lại hiệu quả về tinh giản biên chế, giảm đầu tư, giảm chi thường xuyên, lấy ngân sách đó đầu tư cho hạ tầng an sinh xã hội.
“Tôi cho rằng, trước tiên phải nhập tỉnh trước, sau đó sẽ tiến hành xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau” - đại biểu Hòa nêu quan điểm vừa thừa nhận khó khăn nhất của việc sáp nhập là vấn đề về con người, bởi “đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư”; ngoài ra cái khó khác là vấn đề quản lý địa bàn do địa hình phức tạp, đồi núi. “Về lâu dài phải thực hiện, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch chi li cụ thể và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, để thực hiện đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao hơn” - đại biểu Hòa đề xuất.
Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội về sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 1-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. “Trong Nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định. Còn về sáp nhập các Bộ, theo ông Lê Vĩnh Tân, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu”.