Đó sẽ là những dân biểu nói tiếng nói của dân, là những dân biểu mà sự xuất hiện của họ tạo nên một nghị trường sôi động.
Dù được ghi nhận có nhiều đổi mới nhưng phải thừa nhận rằng nhiều kỳ họp QH đã đi qua với những phiên thảo luận “nhạt”, khi mà cử tri vẫn phải nghe đại biểu “hát cùng một bài”, như nhận xét của một ĐBQH khóa XIII. Có lẽ đây cũng là lý do khiến chính những người trong cuộc lên tiếng yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn trong thảo luận tại nghị trường. Nói nôm na là, thay vì “tham luận” như hiện nay, các ĐBQH phải tạo ra được không khí tranh luận thật sự. “Một QH tranh luận sẽ mang đến những màu sắc khác nhau cho nghị trường, tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc cho những phiên họp vốn cứng nhắc và nhàm chán” - đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhìn nhận.
Vậy làm sao để có được một QH “tranh luận” như mong muốn của đại biểu Quyền và cử tri cả nước? Ông Quyền nói rằng, việc điều hành phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu cứ để các đại biểu cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, theo ông Quyền, sẽ rất mất thời gian. “Có khi hàng chục bài chuẩn bị sẵn tương đối trùng nhau. Có cần thiết phải như vậy hay không?” - ông Quyền nêu câu hỏi và đề nghị cần biến QH từ QH chỉ có tham luận thành QH tranh luận về những quan điểm khác nhau, về cơ sở lý luận, về triết lý của vấn đề và thực tiễn của vấn đề.
Còn nhớ, khi tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII, nhiều đại biểu không ngần ngại thổ lộ mình từng bấm nút thông qua luật hay vấn đề quan trọng nào đó với tâm trạng rất... day dứt. Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), trong lần thảo luận về Nội quy kỳ họp QH đã thẳng thắn thế này: “Khi biểu quyết thông qua một luật, với quy trình hiện nay, không bấm nút không được, mà bấm nút thì ấm ức”.
Cái quy trình mà ông Lịch nhắc tới, được mô tả cụ thể: “Chúng tôi không được trực tiếp đối thoại với Ban soạn thảo, chúng tôi chỉ được nghe giải trình của Ủy ban Thường vụ QH. Ủy ban Thường vụ QH giải trình xong, đồng ý hay không đồng ý cũng không được nói lại, chỉ bấm nút”. Với cách hoạt động như thế này, vị đại biểu của TPHCM nhận định là đang “thụt lùi” về phương diện tranh luận. “Dĩ nhiên nghị viện là theo đa số, nhưng muốn đa số có chất lượng thì sự tranh luận phải đến cùng”, theo ông Lịch.
Tranh luận là một đòi hỏi chính đáng của mỗi đại biểu khi tham gia phát biểu tại nghị trường. Tranh luận cũng giúp nâng cao chất lượng của hoạt động nghị trường. Nhưng để làm được điều đó, nghị trường cần sự góp mặt của những đại biểu chất lượng.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua có thể thấy, dấu ấn nghị trường của mỗi đại biểu thường gắn liền với trí tuệ và tâm sức mà họ dành cho QH. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), trong một lần trao đổi với phóng viên Báo CATP, đã cho biết, để chuẩn bị tranh luận, ông phải thức đêm, thức hôm nghiên cứu tài liệu. Thời gian phát biểu chỉ 7 phút, có khi chỉ cần một giờ để viết ra, nhưng thời gian nghiền ngẫm, nung nấu với nội dung phát biểu thì lớn hơn thế rất nhiều. “Đại biểu cần cả một chuỗi dài những năm tháng học tập nghiên cứu, tìm hiểu thông tin chỉ để nói trong 7 phút đó” - ông Nghĩa chia sẻ.
“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là anh không phát biểu vì cá nhân anh, không phát biểu vì lợi ích phe nhóm nào đó. Nếu anh phát biểu vì lợi ích của cử tri, của nhân dân, của đất nước và đúng sự thật thì anh sẽ không sợ va chạm”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Dành thời gian là lẽ đương nhiên. Song để tự tin tranh luận tại nghị trường, đại biểu phải có tầm hiểu biết nhất định, và quan trọng, những tiếng nói của đại biểu trên nghị trường phải là những tiếng nói của lòng dân. QH, ĐBQH, nếu không thể nói lên lòng dân, thì những chính sách mà QH ban hành sẽ không bao giờ “sống” được trên thực tiễn.
Thực ra, nhu cầu tranh luận tại diễn đàn QH rất lớn. Nhưng nhu cầu này dường như không được thể hiện nhiều trên thực tế khi các phiên thảo luận tại nghị trường còn buồn tẻ. Điều này từng được lý giải bởi cơ cấu QH hiện nay khiến các đại biểu ngại va chạm: va chạm với cấp trên, va chạm với bộ, ngành, va chạm giữa các địa phương... Với đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì khác, ông cho rằng nếu nể nang, ngại ngần và nói không đúng sự thật thì sẽ phải trả giá rất đắt, bởi lẽ những quyết sách và luật pháp của QH sẽ như những mũi tên không tới đích, những phương thuốc không đủ liều. “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là anh không phát biểu vì cá nhân anh, không phát biểu vì lợi ích phe nhóm nào đó. Nếu anh phát biểu vì lợi ích của cử tri, của nhân dân, của đất nước và đúng sự thật thì anh sẽ không sợ va chạm” - vị luật sư nói.
Như vậy, theo quan điểm của đại biểu Nghĩa thì, người ta sẽ không ngại va chạm khi đã thống nhất với nhau vì lợi ích của nhân dân, lợi ích của đất nước. Hoặc giả ngay trong trường hợp đó, nếu có va chạm, thì đó cũng là sự va chạm cần thiết, va chạm để tìm ra chân lý. Đại biểu Nghĩa khẳng định, “đó là sự va chạm rất đáng quý, vì nó là sự va chạm của quan điểm, của kinh nghiệm và kiến thức chứ không phải là sự công kích cá nhân. Sự va chạm đó sẽ đưa đến giải pháp tối ưu, giúp cho những người tranh luận nhận ra được điểm hợp lý nhất của vấn đề, và cả những đại biểu không tranh luận nhưng nhờ tranh luận sâu sắc và quyết liệt của các đại biểu khác mà sử dụng lá phiếu của mình chính xác hơn”.
Có lẽ từ cách nhìn này mà ông Nghĩa cũng như nhiều đại biểu khác đã để lại nhiều phát ngôn ấn tượng tại nghị trường. Là người có được đào tạo chuyên sâu về luật pháp lại có trên 20 năm làm nghề, những tranh luận của ông Nghĩa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả ban soạn thảo và giới truyền thông. Ông Nghĩa cũng sẵn sàng tham gia tranh luận vào nhiều nội dung mà nhiều người còn coi là “nhạy cảm”. Nhưng như giải thích của ông Nghĩa thì, “một khi động cơ anh trong sáng, anh sẽ không ngại ngần gì cả”.
“Vì dân” luôn là mục tiêu cao cả để mỗi quan chức quyết định hành động của mình. Với mỗi ĐBQH thì mục tiêu này còn là thước đo trách nhiệm của họ, bởi họ là những người đại diện cho dân, mang tiếng nói của dân đến nghị trường. Khi các tiếng nói ở nghị trường đều là tiếng nói của dân thì QH mới làm đúng vai trò của mình và tự thân QH đã là dân mà không cần phải cổ vũ “đến gần dân hơn” như hiện nay nữa.