Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh:

Làm ngoại giao phải có hoài bão cho đất nước, dân tộc

Thứ Sáu, 05/05/2017 10:21

|

(Tiếp theo và hết)

Làm ngoại giao phải có hoài bão cho đất nước, dân tộc
 

PV: Bà đã rất thành công trong vai trò Đại sứ Bỉ kiêm Đại sứ EU. Xin bà nêu vài dấu ấn khó quên trên cương vị này?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Thời gian công tác tại Bỉ, tôi có làm được một số việc hữu ích. Một trong những điều đó là tổ chức Tuần lễ Việt Nam (3 tuần) năm 2001, tạo được tiếng vang tốt đối với dân Bỉ và những người châu Âu làm việc tại Bruxelles, thủ đô châu Âu và với bà con Việt kiều. Bên Bỉ có 2 cộng đồng ngôn ngữ chính: Pháp và Hà Lan nên tôi triển khai ở 3 nơi: Gand, Liège, thủ đô Bruxelles. Tôi tôn trọng thực tế ba vùng nên họ rất ấn tượng.

Đặc biệt, cái khó lúc đó là không có tiền để triển khai. Vì vậy, tôi thuyết phục các đoàn tham gia tự túc tối đa kinh phí, thiếu cái gì thì tôi vận động thêm bạn bè Bỉ hỗ trợ. Tại Liège, tôi đã vận động thành công để Việt Nam trở thành khách danh dự trong hội chợ thương mại, vận động bà con Việt kiều đến rất đông, có tài xế lái xe đưa doanh nhân, người mẫu, múa rối... tham gia các hoạt động, họ thích lắm. Có những Việt kiều định cư ở những thành phố khác nhau, cũng nhờ cơ hội này mà có dịp gặp gỡ, nên không khí rất vui vẻ, đầm ấm.

Ban đầu cũng có vài hoạt động phản đối yếu ớt, nhưng đến cuối ngày thì họ “chịu không thấu” với tình cảm thật đối với quê hương đất nước, nên đã rủ nhau vào ăn phở, tham quan. Rồi họ nhận xét “làm đại sứ như bà này thì cũng được”. Còn ông Đại sứ Bỉ đầu tiên tại Việt Nam thì nói vui: “Bà Ninh đã đặt lại Việt Nam trên bản đồ châu Âu”.

Việc tìm mua được trụ sở khang trang, giá rẻ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ cũng khiến tôi rất vui. Năm 2000 nhận thấy trụ sở của đại sứ quán quá khiêm tốn, không xứng tầm với vị thế đất nước, nhất là ở một nơi được mệnh danh là “thủ đô của châu Âu”, nên tôi xin ý kiến ở nhà rồi nhờ một kiến trúc sư người Việt tìm được tòa nhà 1.050m2 có vườn nhỏ, vốn là tòa đại sứ Nhật, rất đẹp, treo giá bán 1,5 triệu USD. Quan hệ Nhật - Việt tốt đẹp khiến cho việc đàm phán rất thuận lợi, cuối cùng tòa nhà được mua lại với giá 1 triệu USD, rất rẻ so với tòa nhà đẹp đẽ, sang trọng này, nhất là trong hoàn cảnh tài chính nước ta lúc đó còn eo hẹp.

Sau đó, tôi về nước gặp các họa sĩ nổi tiếng xin tranh để treo tại sứ quán. Có nhiều họa sĩ ủng hộ, nhưng cũng có trường hợp cho biết, nguyên tắc của họ là không tặng tranh, chỉ bán, vì thế họ yêu cầu tôi ký giấy cho... “mượn tranh vô thời hạn”. Tòa nhà này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhận xét lúc khánh thành là “ngôi nhà Việt Nam đẹp nhất” ở nước ngoài lúc bấy giờ.

Có một kỷ niệm khó quên nữa với tôi là lần đón Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm. Lần đó tổng bí thư chính thức thăm Ý, nhưng lại đột xuất có kế hoạch đến thăm và chào xã giao Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trụ sở tại Bruxelles. Khi tôi nhận lệnh đón đoàn thì chỉ còn hơn 24 tiếng để chuẩn bị, đó là lần đầu tiên tôi mất ăn mất ngủ, bởi khó khăn nhất là về vấn đề bảo đảm an ninh và lễ tân cho đoàn. Khi tôi liên hệ với Bộ Ngoại giao Bỉ thì được trả lời: “Đây là chuyến làm việc với EU, không phải với Chính phủ Bỉ, nên chúng tôi không thể khởi động bộ máy an ninh và lễ tân vào việc này được. Ở đây thiếu gì vua chúa đi chơi ghé qua, chúng tôi không thể lo hết. Chỉ khi nào họ thăm chính thức Bỉ thì chúng tôi mới bảo vệ an ninh và bố trí lễ tân”.

Còn viên chức Ủy ban châu Âu thì nói: “Phạm vi bên ngoài trụ sở thì chúng tôi cũng chỉ là khách của Bỉ thôi, không can thiệp và bảo vệ được, nên bà phải bàn với Bỉ”. Lúc này tôi nhớ đến người bạn thân là Bộ trưởng Quốc phòng của Bỉ, nên tìm cách liên hệ. Tôi điện cho ông chánh văn phòng thì biết bộ trưởng đang đi thăm Mỹ, khó khăn lắm mới nối máy được với ông. Lúc này tôi phải dựa vào mối quan hệ cá nhân, nhờ ông giúp cho tình huống nan giải của mình.

Ông suy nghĩ rồi bảo tôi cứ lên kế hoạch là trong chương trình của đoàn có Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ tới chào xã giao Trưởng đoàn Việt Nam, để ông có lý do dặn chánh văn phòng khởi động bộ máy an ninh bảo vệ đoàn (kế hoạch chào xã giao này chỉ trên giấy thôi). Tôi lập tức đưa vào chương trình đoàn có mục song phương này và gửi sang cho Bộ Ngoại giao Bỉ. Nhờ đó, mọi việc diễn ra tốt đẹp khi đoàn của tổng bí thư tới. Đây cũng là bài học lợi hại trong hoạt động ngoại giao, khi phải tạo dựng tốt những mối quan hệ cá nhân, để có thể thành công trong công việc.

 

- Với vai trò là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bà đã có những nỗ lực nào nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội trong công tác đối ngoại? Những điều bà mong muốn, kỳ vọng vào Quốc hội ngày ấy đến nay đã đạt được và những điều còn bỏ ngỏ, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Thời kỳ đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội hầu như không có những hoạt động với ngoại giao đoàn tại Hà Nội, vì thế tôi chủ động tiếp xúc với các đại sứ, cho làm điều tra qua bảng câu hỏi xem họ có nguyện vọng gì, mở thêm kênh để xem cộng đồng nước ngoài có những bức xúc và nhu cầu phản ánh ra sao. Đồng thời, bố trí tiếp xúc với phu nhân đại sứ, các nữ đại sứ, chủ động đề nghị khôi phục cuộc họp Nghị viện Á - Âu lần 4 và tổ chức họp tại Huế thành công.

Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ sang thăm Việt Nam, tôi có trao đổi trước rằng Mỹ không biết Bác Hồ từng có cảm tình với cuộc cách mạng giành độc lập của Mỹ và muốn tìm cách tiếp cận với Mỹ từ rất sớm. Tôi cho in bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ra tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó in nghiêng đoạn trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và đặt trước mặt các vị khách tại buổi hội đàm để gây sự chú ý. Dụng ý của việc làm đó nhằm nhấn mạnh, lẽ ra mối quan hệ Mỹ - Việt đã khác từ rất lâu rồi. Đây là một cơ hội bị đánh mất từ trước. Quả thực, điều này đã khiến họ chú ý ngay và rất thích thú. Sau đó, tôi còn tranh thủ dẫn phu nhân của các nghị sĩ đi may áo bằng lụa tơ tằm. Hôm nay chọn vải thì ngày mai đã có váy áo đẹp để mặc, nên các phu nhân rất thích.

Thời đó tôi muốn Quốc hội cho thành lập Nhóm nữ nghị sĩ nhưng chưa được, vì chưa có tiền lệ. Nay Nhóm nữ nghị sĩ đã thành lập và đi vào hoạt động là điều đáng mừng. Tôi cũng băn khoăn về tuổi nghỉ hưu của nam nữ không giống nhau, thể hiện còn bất bình đẳng; về nguyên tắc và để phù hợp với các văn kiện quốc tế liên quan, tuổi nghỉ hưu nam nữ phải bằng nhau, nhưng nữ có thể nghỉ trước tùy theo nguyện vọng, sức khỏe của mình. Như vậy sẽ là tối ưu.

- Được biết trong 3 năm trở lại đây, bà đã nhận vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình & Phát triển TPHCM và Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TPHCM; đã tổ chức một chương trình với tên gọi “Sáng kiến Màu cam”, nhắm đến người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Xin bà chia sẻ thêm về hoạt động này.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Có lần, một giảng viên và nhiếp ảnh gia người Nhật từng có triển lãm ảnh về chất độc da cam đến gặp tôi, đề nghị lập một quỹ để góp tiền ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam. Ông cho biết nữ vận động viên người Nhật đoạt huy chương vàng chạy marathon Olympic năm 2007 và một số công ty Nhật có thể tham gia giúp tạo nguồn kinh phí bước đầu. Tôi nghĩ mình không thể không ủng hộ những sáng kiến và thiện chí như vậy của họ, nhất là vào lúc đã nghỉ hưu, không còn ràng buộc nào, nên đã xây dựng chương trình “Sáng kiến Màu cam”.

Tháng 1-2017, chúng tôi đã tổ chức cho 41 người khuyết tật tham gia cuộc chạy việt dã ở TPHCM và quyên góp được một số tiền. Nhờ đó chúng tôi đã chi 200 triệu đồng cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM dưới dạng học bổng, đồng thời mở lớp đào tạo nghề làm tranh ghép gỗ. Chúng tôi cũng chi 200 triệu cho con cháu nạn nhân chất độc da cam và sửa nhà cho một nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ dành 100 triệu cho những cá nhân, tổ chức có ý tưởng, dự án hay và thiết thực góp phần vào chương trình “Sáng kiến Màu cam”. Thông tin sẽ được cập nhật trên trang web của quỹ: http://hpdf.vn/.

 

- Ngoài “Sáng kiến Màu cam”, quỹ và ủy ban còn có chương trình hay sáng kiến nào khác nữa không, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Tôi quan niệm hòa bình không chỉ là chấm dứt chiến tranh, mà còn là xây dựng cuộc sống thanh bình, văn minh, tiến bộ. Vì thế, hiện Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM mong muốn góp phần xây dựng nhận thức, thái độ và hành vi “yêu hòa bình” trước thực trạng bạo lực nổi lên trong thời gian gần đây (gia đình, nhà trường, đường phố, mạng xã hội...). Chúng tôi sẽ đưa ra những chương trình giáo dục văn hóa hòa bình, với thông điệp “hòa bình - nhân văn - văn minh”.

Ngày 21-9 hàng năm là ngày Hòa bình thế giới. Quỹ đề xuất hàng năm lấy ngày thứ bảy trước đó (năm 2017 là thứ bảy 16-9) làm ngày hòa bình của TP, để tổ chức một loạt hoạt động hướng đến thanh niên với các nội dung trên. Nên chăng có một bài hát hòa bình song ngữ (tiếng Anh và Việt) được chọn hay sáng tác để tạo thành bài hát hiệu triệu của phong trào hòa bình?

 

- Nếu có một bạn trẻ mong muốn trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp và xin một lời khuyên, bà sẽ nói gì?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Đầu tiên, bạn phải xác định lấy đất nước và dân tộc làm động lực, hoài bão. Thứ hai, nghề ngoại giao yêu cầu biết rộng, đồng thời hiểu sâu, nhiều chiều. Vì thế giới ngày càng phức tạp, bạn cần hiểu biết tinh tế, có kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp, truyền thông để truyền đạt và thuyết phục. Bạn cũng phải có bản lĩnh, biết kiềm chế và từ chối, biết mạnh bạo xông pha, cả công lẫn thủ thì mới trở thành nhà ngoại giao cống hiến tốt cho đất nước.

 

- Xin trân trọng cảm ơn bà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang