Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh:

Làm ngoại giao phải có hoài bão cho đất nước, dân tộc

Thứ Tư, 03/05/2017 11:40

|

Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những gương mặt nổi bật của ngành ngoại giao Việt Nam.

Trong căn hộ chung cư yên tĩnh tại quận Phú Nhuận (TPHCM) vào những ngày tháng Tư lịch sử, với phong thái khoan thai, lịch lãm, bà đã dành cho phóng viên Báo CATP một cuộc chuyện trò cởi mở, chân tình về cuộc đời ngoại giao phong phú của mình.

- Phóng viên: Với gia thế, môi trường sống và học tập thời trẻ như bà, đến với cách mạng hẳn không dễ dàng gì, xin bà cho biết cơ duyên nào đưa bà đến với con đường ấy?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Gia đình tôi là gia đình quan lại triều đình nhà Nguyễn ở Huế, là thành phần trung lưu trong xã hội. Khi tôi xong tú tài năm 1964, mẹ tôi nghĩ theo kiểu xưa là con trai thì cho đi học tiếp ở nước ngoài, còn con gái chỉ cần học một nghề yên bình như nghề thuốc tại Sài Gòn cho một cuộc sống êm ả sau này. Tuy nhiên, ba tôi lại có suy nghĩ tân tiến hơn, ông bảo sẽ cho tôi đi du học ở Pháp, vì thấy tôi học tốt. Tại Pháp, tôi theo học Đại học Sư phạm chuyên ngành Anh văn và văn học Anh Mỹ.

Từ những năm 1960 ở Paris, phong trào ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc phát triển rất rầm rộ, các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh cũng sục sôi đấu tranh giành độc lập chủ quyền. Khi học ở đây tôi được tiếp xúc với những trào lưu như vậy. Sau một, hai năm, tôi quyết định tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, như một lẽ tự nhiên.

Ở Paris, các Việt kiều rất dễ theo phong trào phản chiến, bởi còn có sự hiện diện của hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc và Mặt trận dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam Việt Nam, đang tham gia đàm phán về Hiệp định Paris, cùng với Hội Việt kiều yêu nước hoạt động mạnh mẽ.

Sau đó tôi được giới thiệu gia nhập hội và tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi Mỹ rút quân về nước. Từ năm 1969, tôi tham gia hoạt động đối ngoại của Hội Việt kiều yêu nước và được phân công làm phiên dịch không chính thức cho hai phái đoàn miền Bắc và MTDTGP miền Nam.

Cuối năm 1969, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm và đi dạy tiếng Anh tại trường đại học ở Paris. Thời gian này, trong phái đoàn miền Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn có chị Nguyễn Thị Chơn (vợ ông Trần Bạch Đằng) được cử tham gia để hoạt động dân vận, tìm trí thức đang học hoặc làm việc bên Pháp trở về tham gia cách mạng, hoạt động nội thành.

Hội Việt kiều yêu nước đã giới thiệu tôi và một số người khác cho chị Chơn. Tôi được chọn vì còn trẻ, độc thân, học hành bài bản. Sau đó tôi được chị Chơn bồi dưỡng về kiến thức, nghiệp vụ trong nửa năm. Thời gian này, tôi tạm ngưng hoạt động công khai ở Hội Việt kiều yêu nước, chuẩn bị về nước hoạt động.

Năm 1972, ông Trần Văn Tấn - Hiệu trưởng Viện Đại học Sài Gòn - tới Paris tuyển mộ giảng viên cho trường. Thấy đây là cơ hội tốt để về nước hoạt động, tôi gặp ông Tấn xin về nước giảng dạy và được bổ nhiệm làm Phó khoa tiếng Anh của Viện ĐH Sài Gòn. Tôi hoạt động nội thành từ đó cho đến ngày 30-4-1975.

Khi biết tôi tham gia cách mạng, ba tôi chỉ ngạc nhiên nhưng không phản đối. Ông tôn trọng sự lựa chọn của tôi, dù trong gia đình cũng có người anh ruột là sĩ quan quân đội Sài Gòn - điều bình thường của nhiều gia đình miền Nam lúc bấy giờ. Ông hiểu tôi có làm gì cũng chỉ nhằm góp phần chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình, thống nhất cho đất nước - điều mà ai cũng mong muốn!

 

- Bà đã chính thức bước vào con đường ngoại giao chuyên nghiệp như thế nào, thưa bà?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:

Sau năm 1975, ngành ngoại giao nước nhà thiếu nhiều cán bộ am tường ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như vốn sống tại các nước phương Tây. Năm 1979, được cử ra Hà Nội công tác trong ngành đối ngoại, tôi cảm thấy khá băn khoăn vì ba má đã lớn tuổi, người anh đang đi học tập cải tạo, môi trường sống và làm việc ở miền Bắc lại chưa quen. Bạn bè tôi cũng có 2 quan điểm: bạn bè Nam bộ khuyên tôi đừng ra vì sẽ gặp khó khăn, cực khổ, cô đơn; nhóm còn lại thì khuyên tôi nên đi vì lĩnh vực ngoại giao mới mẻ, năng động có vẻ hợp với tôi hơn là giáo dục.

Tôi còn đang do dự thì ông Xuân Thủy - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương - đã gặp, phân tích cho tôi nhiều điều. Ông bảo tôi làm giáo dục cũng tốt, nhưng ngành đối ngoại đang rất thiếu những người có vốn sống và am hiểu văn hóa, xã hội phương Tây. Vả lại bản thân tôi cũng thích thử thách ở công việc mới, môi trường mới. Khi ra ngoài đó tuy bước đầu đúng là gặp khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng tôi thích nghi tương đối tốt. Mặt khác, ông Xuân Thủy cũng can thiệp để anh tôi được về sớm, có điều kiện chăm sóc cha mẹ già. Nhờ vậy tôi đã phần nào yên tâm hơn.

 

- Từng làm việc, phiên dịch cho các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Xuân Thủy, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch..., xin bà kể về những ấn tượng đối với các nhà lãnh đạo này.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh:​

Tôi thấy tất cả những nhà lãnh đạo kể trên đều có tầm vóc của những chính khách, chứ không đơn thuần là những nhà hoạt động chính trị. Phong thái, kiến thức, cách ứng xử và nhãn quan chính trị, tấm lòng luôn vì nước, vì dân của họ khiến bất cứ ai tiếp xúc cũng đều nể trọng, kể cả những người không cùng chính kiến, quan điểm. Chuyến đầu tiên tôi đi dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào khoảng tháng 5-1980 tại Ấn Độ. Tiếng Pháp thì bác rất giỏi, còn tiếng Anh bác chỉ nghe hiểu chứ không nói được. Thế nhưng sau buổi dịch, bác nhận xét về tiếng Anh của tôi: “Cô phát âm rất tốt, đọc đúng dấu nhấn”. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, vì dấu nhấn là điểm quan trọng hàng đầu trong phát âm tiếng Anh.

Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đúng là huyền thoại, điều này được thể hiện rõ qua thái độ nồng hậu, quý trọng đặc biệt của các chính trị gia và chính khách châu Phi, trong chuyến đi thăm châu lục này năm 1980 mà tôi được chọn đi phiên dịch. Đối với họ, chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi tướng Giáp, mở đường cho khả năng chiến thắng chế độ thực dân trên thế giới.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng gây ấn tượng mạnh với tôi từ những ngày còn học ở Paris, khi bà là trưởng phái đoàn trong Hội nghị bốn bên về Hiệp định Paris mà tôi có tham gia phiên dịch cho một số hoạt động không chính thức. Là nữ trưởng đoàn trẻ đẹp, phong thái quý phái, lại có ngoại ngữ tốt, bà Bình đã chiếm được rất nhiều cảm tình của các giới và rất thuận lợi trong tiếp xúc.

Trong con mắt của người phương Tây, tuy vóc người nhỏ nhắn nhưng ở bà Bình toát lên phong thái đĩnh đạc, trí thức, không phô trương nhưng có gì đó rất đáng nể. Hình ảnh đó của “Việt cộng” làm cho cả thế giới ngạc nhiên; còn chúng tôi thì vui mừng, tự hào vì đất nước có một người đại diện như vậy.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt. Phong thái lịch lãm và sự sắc sảo, thẳng thắn, cởi mở của ông khiến những người đối diện rất thích thú và nể trọng, nhất là cánh nhà báo phương Tây. Họ thường nhận xét “ông này rất khó chơi, nhưng tụi tôi thích ông ấy”.

Tôi xin kể hai mẩu chuyện về ông Xuân Thủy. Thời năm 1970, châu Âu nổi lên phong trào phụ nữ mặc “minijupe/miniskirt” (váy ngắn). Khi ông Xuân Thủy từ Hà Nội sang Pháp trở lại, vừa xuống máy bay ở Paris, một nhà báo phương Tây đột ngột hỏi: “Ông nghĩ gì về minijupe?”. Đây là câu hỏi vui nhưng lại hơi khiêu khích, có tính “nắn gân, thử sức” xem thái độ và khả năng ứng xử của ông trưởng đoàn miền Bắc Việt Nam ra sao.

Thường thì thời đó người ta sẽ dễ sa vào câu trả lời thể hiện lập trường, quan điểm, phê phán lối sống phương Tây... Còn ông Xuân Thủy chỉ cười tủm tỉm và nói: “Tôi nghĩ nó không thể ngắn hơn được nữa”. Đó là một câu trả lời ngắn gọn, thông minh, dí dỏm. Nghe vậy, các nhà báo phương Tây ồ lên cười thích thú, “ghi điểm” cho ông Xuân Thủy.

Chuyện thứ hai, khi phiên dịch các buổi chiêu đãi, nhiều khi mình đành nhịn đói vì phải liên tục dịch luân phiên cho chủ và khách. Ông Xuân Thủy có lần chủ động nói với mọi người trong bàn tiệc: “Có lẽ chúng ta tập trung ăn vài phút, để cô phiên dịch có thể ăn”. Điều đó làm tôi rất cảm động, dù có chút e ngại. Trong ngoại giao thông thường thì không ai nói thế, nhưng qua đó có thể thấy sự quan tâm của ông đối với cấp dưới và những người xung quanh thế nào.

 

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang