Báo chí là tiên phong trong phòng chống tham nhũng

Thứ Bảy, 29/04/2017 07:07  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Sáng 28-4 tại Hà Nội, báo nhân dân, Ban thường trực ủy ban Trung ương MTTQVN, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo "báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Tới dự hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch uỷ ban trung ương MTTQVN, ông Thuận Hữu - Chủ tịch hội nhà báo Việt Nam (Tổng biên tập báo Nhân dân), ông Hà Ngọc Anh - Phó trưởng ban dân vận Trung ương cùng lãnh đạo các có quan ban ngành liên quan.

Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mối quan hệ giữa báo chí và mặt trận Tổ Quốc là không có chế tài xử lý. Báo chí có vai trò quan trọng trong phát hiện, phản ánh, MTTQ có vai trò phản biện, giám sát nhưng đều không có chế tài xử lý. Tuy nhiên, rất nhiều phản ánh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có hiệu quả rất cao.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Trung bình mỗi phường xã có 2 nhà báo, do đó có thể quan sát, phản ánh yếu kém, tiêu cực rất hiệu quả". Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn qua buổi hội thảo này báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ có hiệu quả cao hơn nữa,...

Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Trần Văn Độ (nguyên Chánh án TANDTC) cho rằng: báo chí là sự hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí; nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập; nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý... đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời.

PGS-TS Trần Văn Độ

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của Tòa. Hiện tượng câu view... bằng các thông tin giật gân, miêu tả các sự việc rùng rợn, khiêu dâm gây tò mò của các vụ án; định hướng dư luận thiếu vô tư khách quan, không phù hợp quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ông Độ cho rằng nhận thức về chính sách pháp luật của người viết trong định hướng dư luận thiếu chính xác. Do đó đặt ra vấn đề quan hệ của báo chí với cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng có những vấn đề cần xem xét.

Luật sư, Tiến sỹ Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, không phải tự nhiên mà nghề báo và nghề luật sư có những điểm tương đồng, làm cơ sở cho mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong thực hiện chức năng xã hội và nghề nghiệp của mình.

Theo điều 9 Luật phòng chống tham nhũng, cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.

Luật sư - Tiến sỹ Phan Trung Hoài

Theo ông Hoài, đối tượng tham nhũng thường là những người có chức, có quyền, do đó đặt ra rất nhiều vấn đề nhạy cảm trong quá trình hành nghề đối với cả nhà báo lẫn luật sư. Ông Hoài nhấn mạnh: trong quá trình hành nghề, đặc biệt là khi tham gia các vụ án tham nhũng, có một vấn đề nhạy cảm, đang còn nhiều ý kiến khác nhau, rất cần có sự đồng thuận trong nhận thức vì nó liên quan đến thông tin và truyền thông.

Đó chính là giải quyết bài toán giữa trách nhiệm và bảo mật thông tin của khách hàng với bổn phận phải tố giác tội phạm của một công dân khi biết rõ khách hàng của mình phạm tội. “Khi bào chữa cho một nhà báo của Tuổi Trẻ, điều khó khăn nhất là làm sao để xác định ranh giới giữa tác nghiệp báo chí và vi phạm pháp luật. Bởi nếu không nắm chắc pháp luật, PV rất dễ bị biến thành người đưa hối lộ” - luật sư Hoài nói.

PGS, TS Nguyễn Văn Dững (trưởng khoa báo chí học viện báo chí và tuyên truyền) lại cho rằng: tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, phạm vi ngày càng phổ biến, hình thức biểu hiện ngày càng hoành hàng và trơ trẽn, sự cấu kết lợi ích nhóm ngày càng chặt chẽ và có hệ thống từ trên xuống dưới.

Ông Dững cho rằng tham nhũng chủ yếu ở 3 lĩnh vực: đất đai, quy hoạch dự án và tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong bối cảnh hiệm nay, muốn chống tham nhũng thì không thể và không chỉ dựa vào bộ máy mà quan trọng là Đảng và Nhà nước cần tin tưởng và biết dựa vào dân.

PGS-TS Nguyễn Văn Dững

Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian qua, các cơ quan báo chí đã nêu ra được rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí: “Phóng viên cần giữ vai trò vừa là người quan sát, phản ánh ý kiến của nhân dân. Nhưng liệu PV có đảm nhiệm vai trò của điều tra viên hay không và nếu như vậy thì PV phải được hỗ trợ về nghiệp vụ và phải hiểu sâu, nghiên cứu sâu chức năng điều tra này?”

Nói về ý nghĩa của hội thảo, ông Nhân cho hay: “Hội thảo sẽ làm rõ đặc thù của nhà báo trong việc khai thác thông tin, những khó khăn của nhà báo trong việc thực thi nhiệm vụ, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Từ đó đưa ra giải pháp để nhà báo hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ được giao”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang