Đà Nẵng:

Nữ sinh lớp 8 đạt giải Nhất: Viết thư quốc tế UPU 2017

Thứ Tư, 03/05/2017 21:33

|

(CAO) Với cách giải quyết vấn đề khá thông minh và táo bạo, bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres của cô học sinh lớp 8 đã đạt giải nhất.

Bức thư của Nguyễn Đỗ Huyền Vi (hiện là học sinh lớp 8/9, trường Trung học cơ sở Tây Sơn, Đà Nẵng) đã chinh phục được Ban giám khảo UPU Việt Nam và giành giải Nhất toàn quốc.

Nội dung bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc đề cập về cách giải quyết vấn đề người tị nạn tràn sang Châu Âu, em Nguyễn Đỗ Huyền Vi (học sinh lớp 8/9, trường Trung học cơ sở Tây Sơn, Đà Nẵng) đã dành giành giải Nhất toàn quốc cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 46 năm 2017 và là sẽ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi này ở đấu trường quốc tế.

Được biết, trong bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, Huyền Vi đã nêu lên vấn đề: Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới đón người tị nạn đã bị lên án kịch liệt vì tạo ra những thách thức an ninh lớn cho nước Đức. Ông Obama tuyên bố sẽ nhận 10.000 người tị nạn cũng bị chỉ trích dữ dội vì kẻ khủng bố đã trà trộn vào làn sóng người tị nạn này. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ra sắc lệnh không nhận người tị nạn thì gây ra sự giận dữ trong làn sóng những người nhập cư…

Theo Huyền Vy cho biết: “Em nghĩ đây là bài toán khó của toàn cầu nên không thể giải quyết theo hướng cũ mà phải chuyển sang một hướng khác. Qua bức thư, em có đề xuất một ý tưởng với Tổng thư ký Liên hợp quốc là kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức từ thiện và tỷ phú trên khắp thế giới mua đảo cho người tị nạn. Ý tưởng này xuất phát từ thông tin tỷ phú Naguib Sawiris người Ai Cập đã muốn mua đảo tặng cho người tị nạn và được rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Đây là một lời giải đầy tính nhân văn giúp tháo gỡ vấn đề người tị nạn mà cả thế giới đang phải đối mặt”.

Nữ sinh Huyền Vi đạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 46 năm 2017

Tuy nhiên trong quá trình triển khai ý tưởng để viết bức thư dài gần 1.000 chữ tham dự cuộc thi, Huyền Vi không tránh khỏi nhiều trở ngại, khó khăn: “Thời gian học ở trường rất bận rộn vì em đang học lớp song ngữ Việt - Nhật nên bài vở cũng nhiều hơn so với các bạn. Thêm vào đó, nhiều vấn đề thời sự mang tầm quốc tế cần tính xác thực cao nên em phải vận dụng thêm nhiều nguồn thông tin từ Internet và báo chí. May mắn cho em là được mẹ và cô giáo dạy văn luôn đồng hành, động viên để tiếp thêm tự tin giúp em hoàn thành bài dự thi này”.

Cô Doãn Thị Vân (giáo viên dạy văn của Huyền Vi) tự hào: “Huyền Vi là một học sinh rất ngoan và có tố chất về văn học. Mỗi lần đến giờ văn, em đều rất chăm chú nghe cô giảng từ đầu đến cuối giờ. Đồng thời, trong những hoạt động phong trào của trường như buổi chào cờ tuyên truyền theo chủ điểm, theo những ngày lễ lớn; buổi học tập ngoại khóa tuyên truyền về UPU, về các vấn nạn xã hội, về quyền trẻ em…, Huyền Vi cũng tập trung lắng nghe và cảm thụ từng lời văn của các thầy cô rất sâu sắc.

Đặc biệt, có một số bài văn của Huyền Vi tham dự và đạt giải học sinh giỏi thành phố cũng được thầy cô đọc và tuyên dương trong những buổi ngoại khóa này. Đối với bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, cô chỉ là người hướng dẫn và giúp Vi sửa từ ngữ diễn đạt, liên kết câu, văn phong để bài được hay hơn. Còn lại tất cả ý tưởng đến nội dung đều được xuất phát và diễn đạt bởi Huyền Vi”.

Không chỉ có năng khiếu trong văn học, Huyền Vi còn học giỏi đều các môn và đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 7 năm liền. Năm 2015 - 2016, em đã giành giải Nhất thành phố Đà Nẵng và giải Khuyến khích quốc gia trong cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Bên cạnh đó, Huyền Vi cũng tham gia năng nổ vào các hoạt động phong trào của trường lớp như: văn nghệ, múa hát, phòng trào Đoàn, Đội,…Với những thành tích đáng nể như vậy, Huyền Vi đã viết tiếp truyền thống đầy tự hào của ngôi trường Tây Sơn lừng danh mà em đang theo học.

Chủ đề của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU 46 năm 2017 là: “Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên hợp quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?”.

Em Huyền Vi đã đưa ra giải pháp giúp đỡ người tị nạn để cố vấn cho ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tiết lộ về ý tưởng này của mình, em Huyền Vi cho biết: “Trong một lần xem thời sự trên ti vi, em đã rất xúc động trước bức ảnh cậu bé Agim Shala 2 tuổi tại Kosovo được người lớn đưa qua hàng rào thép gai sang trại tị nạn Kukes (Albania) của nhiếp ảnh gia Carol Guzy. Hình ảnh cậu bé và hàng triệu những người tị nạn khác trên thế giới đã gây ấn tượng mạnh trong em và khiến em phải suy nghĩ rất nhiều. Từ đó, khi trường phát động cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, em đã nghĩ ngay đến vấn đề này”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang