Đà Nẵng:

Lãnh đạo thành phố 'mổ xẻ' chuyện làm cầu hay hầm vượt sông Hàn

Thứ Tư, 21/12/2016 21:10  | Xuân Hoài

|

(CAO) Tại buổi họp báo cung cấp báo chí cuối năm vào sáng 21-12, vấn đề làm hầm hay cầu qua qua sông Hàn khiến diễn đàn nóng hơn bao giờ hết. Lãnh đạo thành phố đã “mổ xẻ” những vấn đề liên quan?

Ông Lê Văn Trung, giám đốc sở GTVT TP. Đà Nẵng cho rằng, công trình đảm bảo theo quy hoạch khoảng trên 1km/1 công trình vượt sông; đáp ứng giao thông qua lại; sau này di dời ga Đà Nẵng cũ sẽ tạo nên một trục Bắc - Nam giao thông quan trọng, từ trục Tây Bắc qua sông Hàn và nối ra bờ biển.

Phương án làm hầm lãnh đạo thành phố đang cân nhắc, lựa chọn

“Hiện nay, mật độ giao thông gia tăng chóng mặt, một số điểm ùn tắc nên bố trí trục giao thông ở vị trí đường Đống Đa (quận Hải Châu) nối qua đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là làm phương án cao (cầu) hay thấp (hầm) thì đã đang nghiên cứu kỹ lưỡng”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, từ tháng 10-2015, lãnh đạo thành phố có ý tưởng thực hiện chủ trương xây dựng công trình vượt sông Hàn ở điểm quy hoạch trên đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước.

Địa điểm đang có chủ trương xây dựng công trình vượt sông Hàn

Đến tháng 6- 2016, qua nhiều lần báo cáo, lãnh đạo thành phố nhiều lần họp với cơ quan ban ngành, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia báo cáo thành phố. Sau đó thành phố cho tổ chức cuộc thi thiết kế công trình vượt sông Hàn từ cuối tháng 7 đến 25-9-2016 có 11 đơn vị, liên doanh tham gia, trong đó có 2 phương án hầm, 7 phương án cầu.

Việc làm hầm chui hay cầu vượt đang được cân nhắc

“Tháng 11-2016, lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương chọn phương án làm hầm, còn cụ thể thế nào sẽ nghiên cứu thêm. Nếu làm cầu thì có hai phương án ở điểm bên quận Hải Châu, một là chọn từ trục đường Đống Đa đi thẳng qua, phương án 2 sẽ chọn từ đường Như Nguyệt.

Nếu phương án chọn từ đường Đống Đa thì giải tỏa trên 200 tỷ đồng (khoảng 800 tỷ đồng tiền giải tỏa đền bù tái định cư) thì sẽ thuận lợi hơn về mặt giao thông và mỹ quan cũng như các lợi ích về sau; còn phía đường Như Nguyệt thì ít giải tỏa nhưng hạn chế khi tổ chức giao thông. Vấn đề này sẽ tiếp tục nghiên cứu… Hiện sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nên hiện chưa quyết định phương án nào”, ông Trung lí giải thêm.

Nói về làm hầm, ông Trung giải thích, ở sông Hàn khác với hầm Thủ Thiêm tại TP. Hồ Chí Minh. Ở hầm Thủ Thiêm, nền đất bùn nhão, độ sâu lớn (18m) nên phải thực hiện theo phương án dìm hầm. Còn ở sông Hàn, nền đất cát, độ sâu khoảng 5m nên việc thi công hầm thuận lợi hơn rất nhiều so với hầm Thủ Thiêm vì không phải thực hiện phương án dìm hầm, mà thi công trực tiếp.

Ông Lê Văn Trung

“Còn phương án nâng cấp, mở rộng cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn không khả thi lắm, bởi ở cầu Thuận Phước không thuận lợi khi gặp thời tiết xấu và kỹ thuật không phù hợp. Còn cầu sông Hàn thì có thể mở rộng được nhưng ảnh hưởng đến kết cấu, mất biểu tượng cầu quay và tập trung giao thông về tuyến này sẽ gây áp lực lớn về giao thông trong khi hiện tại đây là tuyến đang gặp áp lực cao nhất”, ông Trung nhìn nhận.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm, sở dĩ qua rất nhiều cuộc họp, Thường trực Thành ủy chọn chủ trương làm hầm, được sự đồng thuận cao từ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu. Bởi khu vực định xây công trình cầu vượt gần cảng sông Hàn, xây hầm sẽ thuận tiện cho việc lưu thông tàu thuyền; xây hầm sẽ khai thác tốt hơn mặt sông cho các sự kiện của thành phố như đua thuyền, thuyền buồm,… Hơn nữa, hiện có một số công trình đã, đang xây dựng ven sông Hàn sẽ tạo thành điểm nhấn cho sông Hàn.

Ông Huỳnh Đức Thơ

“Vấn đề giờ nếu chọn phương án làm hầm nối từ đường Đống Đa sẽ tiêu tốn thêm khoảng gần 1.000 tỷ đồng để giải tỏa đền bù, nhưng nó sẽ thuận lợi về mặt bố trí giao thông, tầm nhìn lâu dài nên Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Khi mổ sẻ đầy đủ các phương án, các giải pháp, Thường vụ Thành ủy sẽ chọn phương án chính thức, sau đó trình HĐND nếu được quyết định mới tiến hành thực thi. Lúc đó, phải cần đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án chứ vấn đề giao thông hiện đang bức bách”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

KTS Hoàng Quang Huy, Ủy viên Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, địa điểm đó xây hầm là phù hợp, bởi từ cầu Thuận Phước về phía sông Cẩm Lệ có 6 cầu nổi, làm nhiều thêm rối rắm, cản trở nhiều đến việc tàu bè qua lại đối với khu vực cảng biển Đà Nẵng, vốn chú trọng phát triển du lịch.

Theo KTS Hoàng Quang Huy, nếu triển khai làm hầm vượt sông Hàn thì cần tổ chức các lối lên xuống hai đầu cầu cho thật tốt. Làm hầm vượt sông thi công cũng không quá phức tạp, bởi làm hầm không cần phải mố cầu, tải trọng sẽ phân đều trên nền hầm, nên nền địa chất cát như sông Hàn thì rất thuận lợi. Điều lưu ý là chọn nhà thầu uy tín, thi công đảm bảo chất lượng, mỹ quan để tạo thêm một điểm nhấn cho Đà Nẵng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang