(CAO) Tại phiên họp thứ 5 khai mạc, ngày 19-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 8 dự án luật.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; chất vấn và trả lời chất vấn...
Dự kiến Quốc hội làm việc trong 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 22-5-2017 và bế mạc vào ngày 21-6-2017. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật công an xã và dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), do 2 dự án Luật này đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 2 để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án.
Vì vậy, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan căn cứ tình hình chuẩn bị để sớm khẳng định việc có hay không trình 2 dự án Luật này tại kỳ họp thứ 3.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự án Luật về hội, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật này, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Về dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến dự án luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Còn việc báo cáo tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát quy định của pháp luật hiện hành về việc định kỳ hàng năm Chính phủ, cơ quan hữu quan báo cáo Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.
Nếu cần thiết sẽ đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án, công trình quốc gia đã hoàn thành, ổn định hoạt động.