Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia trong tình hình mới

Thứ Sáu, 28/07/2017 20:15

|

Sáng 27-7-2017, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm (PCTP) mua bán người xuyên quốc gia trong tình hình mới”. 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo PCTP của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) dự và chỉ đạo Hội thảo. Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành nhiều văn bản, đề án chỉ đạo đối với công tác PCTP mua bán người xuyên quốc gia và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và mặt trái nền kinh tế thị trường, tội phạm mua bán người ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, có xu hướng tăng, 85% số vụ xảy ra có tính chất xuyên quốc gia hoặc có tính quốc tế.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn, vùng núi, không có công ăn việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Không chỉ có phụ nữ, trẻ em mà nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng người cũng là đối tượng nhằm vào của tội phạm mua bán người xuyên quốc gia.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại Hội thảo

Ngoài các nguyên nhân khách quan như đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng giáp biên còn hết sức khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết…, thì nguyên nhân chủ yếu làm cho tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, chưa giảm vẫn thuộc về các yếu tố chủ quan như tình trạng sơ hở, thiếu sót trong quản lý xã hội; ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống mua bán người của một số cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, nhất là các tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo 138 các cấp còn thiếu chặt chẽ, chồng chéo, chưa tập trung cho công tác phòng ngừa xã hội; hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định của pháp luật về công tác PCTP mua bán người xuyên quốc gia còn nhiều vướng mắc, bất cập; công tác hợp tác quốc tế về đấu tranh PCTP mua bán người xuyên quốc gia chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả PCTP mua bán người xuyên quốc gia trong tình hình mới” được tổ chức nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình và công tác đấu tranh PCTP mua bán người xuyên quốc gia, tìm ra những hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng, tình hình, làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội mua bán người, mua bán người xuyên quốc gia; đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay,...

Thứ trưởng Lê Quý Vương cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận, đánh giá cao những báo cáo tham luận có chất lượng của các đại biểu là những đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân…

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp (trực tiếp là Ban Chỉ đạo 138/CP) tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác PCTP mua bán người hiện nay. Phối hợp với các ngành, đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người tập trung vào những người có nguy cơ cao ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới,…

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản. Đẩy mạnh công tác tấn công, trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát hình sự và các lực lượng trực tiếp làm công tác PCTP ở cơ sở, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp tục chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác và thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế về PCTP mua bán người xuyên quốc gia. Trong đó, ưu tiên sự phối hợp giữa chính quyền, Công an, Bộ đội Biên phòng, các tỉnh, huyện, xã biên giới Việt Nam với chính quyền và lực lượng thực thi pháp luật các địa phương của các nước có chung đường biên giới với nước ta như: Trung Quốc, Lào, Campchia.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc về phòng, chống mua bán người. Tăng cường hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước có nhiều nạn nhân Việt Nam bị đưa sang bất hợp pháp.

Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người đang diễn biến rất phức tạp, xảy ra trên phạm vị ở tất cả các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các tỉnh, huyện, xã biên giới. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.078 vụ, 6.594 nạn nhân bị lừa, ép buộc mua bán. Số vụ được phát hiện trong giai đoạn 2010 - 2015 tăng 11,6% so với giai đoạn trước.

Trong số đó có 85% số vụ mang tính chất xuyên quốc gia hoặc có tính quốc tế. Số vụ phát hiện trong mấy năm gần đây tuy có ít hơn so với các năm trước nhưng số nạn nhân lại nhiều hơn. So sánh năm 2016 với 3 năm trước liền kể cho thấy, số vụ đã giảm (385 vụ so với 507 năm 2013, 469 vụ so với năm 2014 và 407 so với năm 2015) nhưng số nạn nhân lại tăng (1.128 người so với 982 người năm 2013, 1.031 người năm 2014 và 1.000 người năm 2015)…

http://mps.gov.vn/web/guest/ct_trangchu/-/vcmsviewcontent/GbkG/2004/2102/38020

Bình luận (0)

Lên đầu trang