Bịa đặt về liệt nữ Võ Thị Sáu là sự tráo trở, vô ơn

Thứ Sáu, 28/07/2017 19:09

|

(CAO) Gần đây, trong khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, tưởng nhớ công ơn của những người đã cống hiến máu xương vì độc lập dân tộc, thì có một vài cá nhân có chút tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ lại có những hành động vô ơn, xúc phạm đến nữ liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu.

Họ, những người gọi là văn nghệ sĩ ấy tụm ba tụm bảy trong lúc rượu chè lại phát biểu với dụng ý “xét lại” về cuộc đời, tên tuổi của liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Họ cho rằng cô là một người bị “chập”, “thần kinh”,… hòng thể hiện cái gọi là “sự am hiểu sự thật”, đã “đi đến cùng sự thật” sau khi đã “gặp và phỏng vấn bà con ở xung quanh” nơi Võ Thị Sáu sinh ra và lớn lên, hòng câu like, đánh bóng tên tuổi.

Để rộng đường dư luận về chị Sáu, chúng tôi có cuộc gặp với đại tá Lê Văn Thiện (thường gọi là Tám Vỹ - bị giặc tuyên án khổ sai 7 năm và ở tù tại Côn Đảo - NV) - nguyên Phó Giám đốc CA TP.HCM, người đã tìm tòi, sưu tập tư liệu để viết cuốn sách “Tình Đất Đỏ”.

Đại tá Lê Văn Thiện (thường gọi là Tám Vỹ) trao đổi với phóng viên

Ông cũng là người duy nhất được “bạn tù” Tám Vàng - nhân chứng chứng kiến giờ phút liệt sĩ Võ Thị Sáu bị hành hình tại nhà tù Côn Đảo - kể lại trong giờ phút sinh tử, nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã hiên ngang, bất khuất đến mức nào. Để thấy rằng những lời ác ý đối với người nữ anh hùng này là sự vô ơn không hơn, không kém.

Theo lời đại tá Thiện, Tám Vàng vốn là tay “anh chị”, quê tại Trà Vinh, bị tù chung thân và đưa ra Côn Đảo, đã ở hết 32 năm (theo Luật của Pháp lúc đó) nhưng ông Tám Vàng vẫn bị câu lưu thêm hơn 10 năm nữa là hơn 40 năm ở tại Côn Đảo.

Chính đồng chí Phạm Hùng đã tác động, giác ngộ ông Tám Vàng có những hành động bảo vệ cho các chí sĩ yêu nước đang bị tù đày tại đây, như trị những đám “lưu manh” trong tù hay hành hạ các chiến sĩ của ta. Ông là người ở tù lâu nhất, lớn tuổi nhất trên Côn Đảo lúc đó, 70 tuổi. Vì không phải tù chính trị, ông được bọn lính giao nhiệm vụ chôn cất các tử tù sau khị bị hành hình hay bị ốm đau chết.

Đại tá Lê Văn Thiện kể: “Một chiều chủ nhật năm 1960, ông Tám Vàng kêu tui lại ngồi uống nước với ổng. Ổng hỏi tui có phải cộng sản không. Rồi ông bảo “nếu mày là cộng sản tao mới kể chuyện này cho nghe, vì gần chục năm qua tao chưa dám nói chuyện này với ai cả”.

Rồi Tám Vàng kể chuyện về ngày mà thực dân Pháp hành hình cô Sáu, tức ngày 23-1-1952. Ông là người duy nhất ngoài đội hành hình có mặt lúc đó. Theo lời ông Tám Vàng: lúc 4 giờ sáng ngày 23-1-1952, có 7 tên lính lê dương, đưa cô Sáu đến pháp trường. Khi đi ngang các phòng giam, các bạn tù đã hô vang: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Đả đảo thực dân Pháp…” .

Tên chúa đảo và thuộc hạ hoảng hốt liền ra lệnh khóa chặt các phòng giam, không một tù nhân nào được ra ngoài. Tất cả giám thị, công chức, binh lính và thân nhân của chúng cũng được lệnh ở nhà, không được đến pháp trường. Khi đi ngang phòng Giám thị trưởng, chúng dừng lại làm các thủ tục chiếu lệ.

Tại đây, khi được hỏi có biết tội mình hay chưa, chị Võ Thị Sáu đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Giết quân xâm lược và tay sai không phải là tội. Kẻ xâm lược và tay sai mới có tội”. Một tay quan khác hỏi trước khi chết có ân hận gì không. Chị Sáu đã hiên ngang trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa đánh đuổi được bọn cướp nước và bán nước, cho đất nước tôi được độc lập, tự do”.

Đội lính tiếp tục đưa Võ Thị Sáu ra bãi bắn. Nơi có khoảng đất trống gần kề trại 3 hiện nay, có một cây bàng nhỏ, cách nghĩa trang Hàng Dương chừng 400m. Chúng trói chị vào cây bàng, mặt quay về phía nghĩa trang. Một tên lính lấy khăn để bịt mắt nhưng chị Sáu đã phản đối không cho bịt. Chị vẫn hiên ngang cất tiếng hát vang bài Chiến sĩ Việt Nam và bài hát Lên Đàng.

Bảy tên lính dàn hàng ngang cách vị trí tử tù chừng 15m, dương súng bắn loạt đoạn theo lệnh của chúa đảo Jarty. Sau loạt đạn, cô Sáu vẫn còn sống, nhìn chằm chằm về phía đội lính cùng những câu hát (Theo các tài liệu ghi chép lại là bọn lính không dám bắn thẳng vào người chị Sáu, cố tình bắn trật).

Bọn lính và tên chúa đảo hốt hoảng. Chúa đảo Jarty hét lớn: “Tại sao nó không chết ? Tại sao bắn không trúng ? Đồ ăn hại. Còn gì là thể thống của nước Pháp. Hãy bắn tiếp, bắn tiếp!”, Nhưng không tên nào chịu bắn, sợ hãi dựng súng đứng nhìn về hướng khác.

Một tên trung sĩ là chỉ huy của nhóm lính sau khi bị la đã tiến lại sát cô Sáu dùng súng rulo bắn chị Sáu 3 phát đạn rồi y bỏ chạy. (Sau này, 7 tên lính hành hình bị xử tù, riêng tên trung sĩ đã được thăng cấp hàm). Sau buổi hành hình, ông Tám Vàng chính là người cắt dây trói, vuốt mắt cho chị Sáu và tiến hành chôn cất chị. Ông còn cho biết, thường thì thi thể được tử tù đều chỉ được cuốn vào chiếu đem chôn, nhưng riêng cô Sáu đã được ông nhờ người kiếm được 4 miếng ván và đóng thành chiếc hòm để an táng.

Đại tá Lê Văn Thiện bên tác phẩm Tình Đất Đỏ

Trở lại với xuất thân và quá trình tham gia hoạt động các mạng của anh hùng Võ Thị Sáu, ông Tám Vỹ đã tìm tòi tư liệu lịch sử, gặp cả những người thân thích của chị Sáu, để biết rõ về cuộc đời của cô trước khi đặt bút viết cuốn sách Tình Đất Đỏ.

Theo tư liệu lịch sử của lực lượng công an và những gì ông đã tìm hiểu thì Võ Thị Sáu là người con ưu tú của vùng Đất Đỏ, có tinh nhần yêu nước, gan dạ. Sau nhiều lần cô phát hiện những tên Việt gian trên địa bàn và báo cho cở sở cách mạng, chính đội trưởng của Công an xung phong huyện Đất Đỏ đã đề nghị công an huyện tuyển dụng Võ Thị Sáu tham gia vào lực lượng công an xung phong của huyện.

Từ sau khi được đứng vào hàng ngũ của lực lượng công an, Võ Thị Sáu càng thể hiện tinh thành gan dạ, thông minh, lanh lợi trong các hoạt động trinh sát, lại am hiểu địa bàn nên đã phát hiện những kẻ làm tay sai cho địch. Cô là người luôn xung phong tiêu diệt định trên địa bàn, như phá thành công một buổi mít ting kỷ niệm quốc khánh Pháp tại thị trấn Đất Đỏ, ném lựu đạn làm bị thương tên cai tổng Tòng hung ác.

Trong lần ném lựu đạn giết chết tên Cả Đay, Cả Suốt khi chúng vào chợ cướp bóc tài sản của dân, chị Sáu bị chỉ điểm và bị địch bắt giam. Chúng giải chị về Bà Rịa, rồi lên khám Chí Hòa, Sài Gòn. Trong phiên tòa vào năm 1951, tòa hỏi Võ Thị Sáu có nhận tội không, chị Sáu đã đáp trả quan tòa: “Nếu người Pháp chống lại quân xâm lược phát xít Đức thì ông có buộc tội họ không? Tôi không có tội, chống quân xâm lược không phải là tội”. Tòa tuyên án tử hình Võ Thị Sáu. Chị vẫn hô vang khi bị dẫn ra khỏi tòa: “Đả đảo thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm…”. Chị Sáu bị Pháp âm thầm đưa ra Côn Đảo ngày 21-1-1952, và hai ngày sau, là ngày 23-1-1952 thì chúng xử bắn chị.

“Một con người luôn gan dạ, thông minh sắc sảo như vậy sao có thể gọi là “bị điên”. Lẽ nào lực lượng công an lại tuyển dụng một người “bị chập” vào tổ chức chức hoạt động sao? “Chập” mà lại làm theo kế hoạch trừ gian diệt ác, đối đáp với kẻ thù như vậy sao?” – ông Tám Vỹ trầm ngâm.

Ông Tám Vỹ cũng có nhận xét khách quan về chị Sáu, do mới tham gia vào lực lượng chưa lâu, thành tích của cô Sáu có thể chưa nhiều, rất bình thường như bao chiến sĩ khác lúc đó. Tuy nhiên, tinh thần hiên ngang, bất khuất, dũng cảm của Võ Thị Sáu thì ai cũng thấy rõ, ngay cả những tên lính của phía bên kia cũng phải sợ hãi.

Điều đó được thể hiện rõ ràng khi Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ, lúc bị bắt, bị xử tại tòa án tại Sài Gòn, trong lúc bị giam tại khám Chí Hòa, rồi lúc đứng trước pháp trường tại Côn Đảo. Chị đã hiên ngang, bất khuất qua tưng lời nói, sự đối đáp của Võ Thị Sáu với quan tòa, với những tên lính trên đảo, cả với những tên lính áp giải mình ra pháp trường, những tên quan đòi “rửa tội” cho cô trước khi chết.

Chính điều này đã khiến cho cái tên Võ Thị Sáu lưu danh đời đời. Ngay cả đối phương cũng phải khiếp sợ và tôn trọng. Bằng chứng là các chúa đảo đều có những hành động tôn kính đối với chị trong và ngay khi rời đảo, trong thời chiến lẫn trong thời bình.

“Những người đi bôi nhọ ấy đã không thắp cho liệt nữ nén nhang thì thôi. Sao có thể xúc phạm đến anh linh đã khuất và gia đình của cô Sáu như thế” – ông Tám Vỹ nói trong sự thất vọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang