Nhiều thứ thay đổi, trừ tham nhũng

Thứ Bảy, 12/12/2015 08:17

|

(CAO) Ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách UNDP NewYork chia sẻ, sau một thời gian quay trở lại Việt Nam, ông thấy mọi thứ thay đổi rất nhiều, riêng tình hình tham nhũng thì vẫn vậy.

3 nghiên cứu liên quan đến phòng chống tham nhũng (PCTN) đã lần lượt được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố trong hai ngày 9 và 10-12.

Các nghiên cứu đã chỉ ra những hệ lụy từ tham nhũng, cụ thể là tiền sẽ chạy ra khỏi đất nước, chi tiêu của Chính phủ sẽ chạy vào túi những kẻ tư lợi, tác động xấu tới môi trường đầu tư, công cuộc cải cách kinh tế và xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Theo GS Alan Doig, chuyên gia cao cấp về PCTN, niềm tin bị xói mòn dẫn đến những hệ luỵ sâu sắc hơn về an ninh xã hội và ảnh hưởng đến quá trình cải cách.

Tham nhũng đã ngấm sâu vào cuộc sống hiện nay

Ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách UNDP NewYork chia sẻ: “Mọi người không né tránh vấn đề này nữa nhưng việc thực hiện thì vẫn vậy”.

Theo ông Jairo Acuna-Alfaro, vấn đề quan trọng là phải là sao phá vỡ được chuỗi tham nhũng.

Để làm được điều này, theo ông Jairo, cần những biện pháp tiếp cận khác thì mới đấu tranh được những hành vi sai phạm mà nhiều người đã coi như một phần cuộc sống.

Trong số các biện pháp đó, ông Jairo nhấn mạnh đến tính độc lập của cơ quan phòng chống tham nhũng.

“Đây phải được coi là nguyên tắc vàng, cơ quan phòng chống tham nhũng không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi được”, ông Jairo nêu quan điểm.

Vị cố vấn chính sách của UNDP NewYork còn lưu ý đến việc tăng cường phối hợp giữa các thể chế, tăng cường trách nhiệm giải trình trong bộ máy Nhà nước và trước người dân.

Một giải pháp khác, theo ông Jairo, cần được đưa ra chính là nhân rộng mô hình quản trị tốt ở các địa phương, bởi lẽ dân trí càng cao thì đòi hỏi quản trị càng phải tốt hơn.

Việt Nam đã tham gia các mục tiêu phát triển bền vững và có định hướng cho các hoạt động tiếp theo ở cấp độ quốc gia. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, quản trị đóng vai trò quan trọng.

Theo bà Sarah Dix, cố vấn chính sách về phòng chống tham nhũng UNDP Việt Nam, mục tiêu số 16 có hai chỉ tiêu cụ thể là giảm tham nhũng và nâng cao chỉ số minh bạch.

Là một thành viên của nhóm nghiên cứu “Quản trị địa phương, tham nhũng và chất lượng dịch vụ công: Bằng chứng từ khảo sát ở Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thắng (ĐH KTQD) cho rằng, tham nhũng đã ngấm sâu vào cuộc sống hiện nay.

Thực tế là không ai chống lại minh bạch nhưng khi giải trình thì rất thiếu thuyết phục. Dẫn lại một số phát ngôn giải trình của các cán bộ Nhà nước, ông Thắng chỉ ra, hầu hết các giải trình đều không cho thấy trách nhiệm cá nhân.

“Những phát ngôn trong văn bản chính thường khác so với những thứ đang diễn ra. Tham nhũng không có dấu hiệu giảm”, ông Thắng khẳng định và phản ánh luật pháp, chính sách, chiến lược được cải thiện nhiều nhưng việc thực thi không hiệu quả.

Điều này cho thấy, thái độ, hành vi, cam kết của cán bộ là vấn đề cần xem xét lại. Cũng theo ông Thắng, vai trò của minh bạch, giám sát của người dân, hay tăng cường trách nhiệm giải trình chưa thực sự được thấm nhuần. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị cần phải tăng cường giải trình với người dân, đưa phản hồi của người dân vào quản trị nhà nước và nâng cao giám sát, phản hồi của báo chí, các tổ chức độc lập.

Tham nhũng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, đã làm tổn hại tới sự phát triển bởi nó đánh cắp nguồn lực công, phân bổ nguồn lực không hiệu quả, làm giảm động lực đầu tư và xói mòn văn hoá liêm chính, giảm lòng tin của người dân với chính quyền.

Nói như ông Edmund J.Malesky, Giáo sư ĐH Duke, Hoa Kỳ thì tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước mà còn gây ra tổn thất với người dân. Vì thế, công khai, minh bạch được coi giải pháp quan trọng trong việc đưa các sai phạm ra ánh sáng.

“Chúng ta đều biết, nơi nào có ánh sáng mặt trời thì nơi đó các loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. Nhưng thú thật, đôi khi tôi thấy thất vọng vì các trao đổi về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”, ông Edmund J.Malesky cho biết.

Luật PCTN như đồ trang trí

Trong nghiên cứu “Cải cách pháp luật chống tham nhũng ở Việt Nam”, GS Alan Doig, chuyên gia tư vấn cao cấp về PCTN của UNDP đánh giá mô hình chống tham nhũng ở Việt Nam là “cổ điển”. Tình hình tham nhũng phổ biến nhưng hệ thống luật pháp mới chỉ làm được việc là giữ cho tham nhũng… không tệ hơn.

“Việt Nam đã đạt tăng trưởng kinh tế tốt với tốc độ trung bình 6,5%/năm. Nhưng tình hình tham nhũng thì không tốt hơn. Ở đâu cũng nói tham nhũng nổi cộm và đấu tranh chưa đạt các mục tiêu đặt ra”, giáo sư Alan Doig phàn nàn.

Phân tích sâu hơn về hệ thống pháp luật trong PCTN ở Việt Nam, GS Alan Doig nhận định đã có những thay đổi nhưng nhiều quy định quan trọng chưa được đề cập đến như việc tịch thu tài sản, không kê khai tài sản…

Ông Alan Doig:

“Tham nhũng vì nhiều lý do nhưng lý do phổ biến nhất là giành lợi ích không chính đáng bằng cách lợi dụng vị trí và quyền hạn mà mình có. Vì thế, phải đánh vào lợi ích của những kẻ tham nhũng, nghĩa là buộc anh ta phải kê khai tài sản. Không kê khai được thì đương nhiên anh đã vi phạm”, ông Alan Doig gợi ý và cho rằng phải làm sao tạo ra được sức mạnh kết nối, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xử lý các tội phạm tham nhũng.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng.

“Cần đưa ra các quy định thu hồi tài sản và bảo vệ người tố cáo”, ông Alan Doig nói về BLHS (sửa đổi) của Việt Nam vừa được thông qua.

Còn về Luật PCTN, theo vị chuyên gia này, cần phải viết lại hoàn toàn, vì nó chỉ có giá trị ngăn ngừa chứ không có khả năng cản trở tham nhũng.

“Luật PCTN chỉ như thứ đồ trang trí vì không quy định các chế tài xử phạt”, GS Alan Doig thất vọng, đồng thời nhấn mạnh thêm, có vẻ như luật được ban hành chỉ để cho bên ngoài nhìn vào, rằng tôi đã có luật chứ nó hoàn toàn không có ý nghĩa thực thi.

Chia sẻ quan điểm này, TS Đào Lê Thu, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội thừa nhận, Luật PCTN hiện nay như “mọt không răng”.

“Tại sao luật PCTN đã ra đời cả 10 năm nay rồi mà không có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng?”, Gs Alan Doig nêu câu hỏi.

Theo ông, công dân có quyền được biết về tham nhũng như thế nào, hối lộ vặt như thế nào và các cán bộ công chức phải chịu trách nhiệm giải trình. Kể chuyện ở Anh, Mỹ, ông Alan Doig cho biết, người tố giác tham nhũng có thể được thưởng tới 10% khoản tài sản tham nhũng, và có trường hợp sau khi tố giác tham nhũng là có thể… nghỉ hưu luôn, không cần đi làm.

Để chống tham nhũng, giáo sư Alan Doig nói, minh bạch và tiếp cận thông tin cũng là giải pháp đặc biệt quan trọng. Truyền thông xã hội sẽ giúp người dân nói lên tiếng nói của mình. Liên quan đến việc này, TS Thu nhấn mạnh, vai trò lớn nhất trong PCTN vẫn thuộc về cơ quan thực thi pháp luật.

“Không nên đặt gánh nặng điều tra tố giác tham nhũng lên người dân. Phải làm sao để vai trò chính trong chống tham nhũng vẫn thuộc về cơ quan pháp luật thay vì các yếu tố xã hội khác”, TS Thu nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang