Thế hệ tương lai của đất nước phải được nâng cao tầm vóc và thể lực

Thứ Bảy, 12/08/2017 14:37  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020 của TP.HCM là hướng đến mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân, giải quyết tình trạng thừa cân béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng và các bệnh mạn tính không lây.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị “Triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020 của TP.HCM” được tổ chức sáng 12-8.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, sau 6 năm thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2015 của TP.HCM, chiều cao trung bình của TP đã tăng từ 0,6 -1,4 cm ở các nhóm 6-15 tuổi (đối với nam) và từ 0,4 – 3,9 cm ở các nhóm 6-17 tuổi (đối với nữ). Chiều cao trung bình của trẻ em TP 17 tuổi là 168,2 cm ở nam và 155,9 cm ở nữ.

Các số liệu giám sát dịch tể học cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM đã giảm ở mức thấp nhất trong cả nước ở cả 3 thể nhẹ cân, thấp còi và gầy còm. Cùng với đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học đã giảm còn 2,3%, học sinh THCS là 3,8% và học sinh THPT là 7,8%.

Tại hội nghị, 12 tập thể và 26 cá nhân có thành tích trong thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2015 của TP.HCM đã vinh dự đón nhận Bằng khen của UBND TP

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2015 của TP.HCM là 100% nữ sinh THPT được bổ sung sắt và acid folic miễn phí và TP cũng là địa phương duy nhất cả nước triển khai chương trình này. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng gia vị bổ sung Iốt và muối bổ sung Iốt của TP.HCM đã đạt hơn 90% và tỷ lệ này của cả nước chỉ được hơn 50%.

Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng, dinh dưỡng không hợp lý, hiện nay TP.HCM cũng đang gặp khó khăn do tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đang gia tăng. Cùng với đó, tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành 30-69 tuổi là 11,4% so với toàn quốc chỉ 5,7%. Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân trong các bệnh viện còn cao từ 20 – 40%.

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, TP đang đối diện với gánh nặng gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng. Thời gian qua TP đã đạt được những kết quả trong phòng chống các bệnh mạn tính không lây nhiễm và thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung cho công tác này nhằm giảm gánh nặng trong việc điều trị các bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tăng huyết áp…

Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020 của TP.HCM là hướng đến mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân, cũng là nhằm mục tiêu nâng cao phát triển nguồn nhân lực, thế hệ tương lai của đất nước.

Để thay đổi thể trạng và tầm vóc của người Việt, không cách nào khác phải thay đổi thói quen, ý thức và công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ của các bậc phụ huynh, chương trình hành động, chăm sóc cho bà mẹ mang thai và học sinh trong độ tuổi trưởng thành.

Theo đó, 8 mục tiêu về dinh dưỡng cần giải quyết đến năm 2020 là tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang trẻ hóa và gia tăng; khuynh hướng dinh dưỡng không hợp lý của một bộ phận người dân TP, khẩu phần ăn chưa đảm bảo cân đối…Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020 của TPHCM cũng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 5% và thể thấp còi là dưới 7%; giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 15%; phấn đấu tỷ lệ hộ dân dùng muối, gia vị có bổ sung Iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt hơn 90%...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh: “Để dân TP.HCM không rơi vào thực trạng dinh dưỡng không hợp lý, Sở Y tế TP cần phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP ban hành chính sách, đầu tư cho lĩnh vực dinh dưỡng tại TP.HCM. Cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý, tập trung đối tượng học sinh.

Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực cho hoạt động tuyên truyền. Đồng thời tăng cường đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dinh dưỡng. Trong đó, tập trung lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng tại các bệnh viện. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát hiện kịp thời các vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo TP, Ban Chỉ đạo Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng các giải pháp can thiệp thích hợp cho từng giai đoạn".

Bình luận (0)

Lên đầu trang