Thời cuộc và suy ngẫm: Vấn nạn vòng vo

Thứ Sáu, 01/09/2017 11:38

|

(CATP) Tình trạng mập mờ, lấp lửng dây dưa giữa có và không có, giữa đúng và sai trong các vụ nghi vấn về sự liêm chính của quan chức khiến xã hội phải đặt câu hỏi, liệu có ai đó đang tác động vào tiến trình xử lý để trì hoãn sự ngã ngũ, kết thúc.

“Bộ trưởng không nói, thì khác với nói là không có” là câu trả lời của một ông Thứ trưởng đại diện cho Bộ Y tế đối với câu hỏi của báo chí, về việc liệu có em chồng của Bộ trưởng Y tế làm việc tại VN Pharma và được bố trí trong bộ máy lãnh đạo của công ty này.

Dư luận không hài lòng về cách trả lời như thế: tại sao lại không nói thẳng là có hay không có, để câu chuyện sớm ngã ngũ? Nếu có, thì phải tiến hành kiểm tra, xem xét để xác định và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật; còn nếu không thì phải thẳng thừng phủ nhận điều bịa đặt để bảo vệ uy tín, thanh danh của người trong cuộc.

Với câu trả lời kiểu chơi chữ ấy, người ta chỉ nắm được 99% nội dung điều cần được xác nhận; còn 1% vẫn lấp lửng và do đó, chẳng ai dám nói chắc. Không loại trừ khả năng 1% ấy, hàm chứa điều trái ngược, lại bung ra một cách bất ngờ, khiến mọi người ngỡ ngàng. Lời khẳng định của ông Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty VN Pharma, rằng em chồng của Bộ trưởng là Phó GĐ của công ty này, đã nói lên điều đó.

Cơ chế quản lý nặng nề, đủng đỉnh, thiếu sự tường minh về nội dung chức phận của các vị trí, đặc biệt là vị trí chủ chốt, là nguyên nhân của tình trạng mập mờ về thông tin liên quan đến công việc và những mối quan hệ không thuộc đời tư của quan chức. Cũng trong thời gian gần đây, dư luận chú ý đến việc làm rõ khối tài sản của giám đốc sở TN-MT Yên Bái, được cho là đang làm chủ một biệt phủ cực kỳ lộng lẫy, xa hoa tọa lạc giữa một tỉnh thuộc loại nghèo nhất nước.

Thời hạn tiến hành thanh tra đã hết, nhưng kết quả thanh tra vẫn chưa được công bố. Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc, đại diện cơ quan thẩm quyền chỉ nói rằng kết luận đang được hoàn thiện và sẽ được công bố sớm (nhưng thật ra là đã trễ).

Tình trạng mập mờ, lấp lửng dây dưa giữa có và không có, giữa đúng và sai trong các vụ nghi vấn về sự liêm chính của quan chức khiến xã hội phải đặt câu hỏi, liệu có ai đó đang tác động vào tiến trình xử lý để trì hoãn sự ngã ngũ, kết thúc. Trong thời gian trì hoãn, có thể có những cuộc chạy chọt, thương lượng, mặc cả ở hậu trường nhằm đổi trắng, thay đen phù hợp với mong muốn của người này, người kia. Nỗi nghi ngờ là có cơ sở bởi có những vụ đưa và nhận hối lộ đã bị phanh phui.

Ai cũng hiểu một khi có quyền lực, người ta tự nhiên có thiên hướng lạm quyền, dùng quyền lực trước hết để vun vén cho bản thân, gia đình và để bảo vệ mình chống sự công kích từ người khác. Bởi vậy, vấn đề là làm thế nào để người được trao quyền lực không có điều kiện sử dụng quyền lực phục vụ cho mục tiêu riêng.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, giải pháp tốt nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống tư pháp. Cần có một quy trình tố tụng rõ ràng, chặt chẽ cho phép cơ quan tư pháp vào cuộc ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cần có những thẩm phán giỏi về chuyên môn, liêm khiết và được trao các quyền hạn rộng rãi trong việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật. Thẩm phán phải trả lời trong thời hạn luật định các câu hỏi đặt ra một cách dứt khoát và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lương tâm về câu trả lời đó.

Được như thế, thì xã hội mới không còn phải bức xúc trước cảnh báo chí đặt câu hỏi đối với quan chức hành chính, để rồi chỉ nhận lại được những câu trả lời vòng vo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang