Hội nghị toàn quốc về ATTP:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý An toàn thực phẩm

Thứ Tư, 27/04/2016 10:53

|

(CAO) Sáng 27-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội nghị bàn về các nội dung: Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, cho ý kiến đối với Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tài chính, TN&MT, TT&TT, VHTT&DL, KH&CN, KH&ĐT, Nội vụ; Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP; Tổng cục Cảnh sát; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...

Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu các địa phương gồm có: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực VSATTP; lãnh đạo các sở: Y tế, NN&PTNT, Tài chính, Công Thương, Công an; các thành viên khác của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh; lãnh đạo một số quận, huyện trọng điểm về ATTP.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP

Thay đổi cách tiếp cận để tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý ATTP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch 63 địa phương họp cùng các thành viên Chính phủ để cùng bàn thảo, tìm hướng giải quyết vấn đề nhân dân, xã hội đặc biệt quan tâm và Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho nhân dân và người tiêu dùng.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương… Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm VSATTP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.

Thủ tướng nhấn mạnh các ý kiến thảo luận phải tập trung đề ra cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cách làm tốt nhất, rõ nét nhất để thực hiện công tác đảm bảo ATTP.

Các cơ quan chức năng như Công an, thanh tra, quản lý thị trường phải thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP, bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người dân.

Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Vệ sinh ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống nên luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.

Vấn đề nổi lên hiện nay là việc tổ chức thực hiện trong cả nước chưa tốt, chưa nghiêm minh, kết quả còn hạn chế.

Qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP, nổi lên là:

Thứ nhất, khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm quản lý ATTP. Nguồn lực ở một số địa phương cho công tác này còn hạn chế.

Thứ hai, việc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành luật trong những năm đầu còn chậm.

Thứ ba, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu (như kiểm nghiệm vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…).

Thứ tư, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Thứ năm, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.

Thứ sáu, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Chưa có hình thức tuyên truyền theo các ngạch của hệ thống chính trị (như trong tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) nên chưa sâu sát đến được các hội viên, đoàn viên, cá nhân, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, trang trại…

Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thứ bảy, hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến... đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh...
Bốn nhóm giải pháp cơ bản

Từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới, các bộ, cơ quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước. (Dự thảo Chỉ thị này đã được gửi đến các đại biểu dự Hội nghị). Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp chính trong đề xuất của các bộ, cơ quan như sau:

Một là, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.

Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.

- Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

- Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

- Sớm có phương án kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước từ ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm

Các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.

Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm.

Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương xây dựng và phát sóng chuyên mục về an toàn thực phẩm.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP.

Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm và địa phương theo sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc.

Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau đây:

- Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

- Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.

- Bộ Công Thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc.

- UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị sẽ tiến hành bàn thảo, đưa ra những giải pháp chính để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Làm rõ trách nhiệm, đổi mới cơ chế

* 8.30' Hội nghị tiến hành thảo luận:

Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương không nêu thành tích, nói thẳng vào những bất cập, đề xuất những giải pháp cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP tại hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010 công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính.

Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thảo luận về cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tài chính cho công tác bảo đảm ATTP, đổi mới công tác tuyên truyền vận động cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào cuộc.

Chúng ta phải có cơ chế tiếp nhận phản ánh, xử lý vi phạm về ATTP; tuyên dương phóng viên, báo chí phát hiện vi phạm, tuyên truyền mô hình mới về thực phẩm an toàn.

ATTP là từ cơ sở liên quan đến các hộ, gia đình vì vậy chương trình phối hợp giữa Chính phủ và MTTQ sẽ tăng cường tuyên truyền vận động để người dân biết thực hiện bảo đảm ATTP, có sự lồng ghép vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa.

Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng sẽ có một số khâu được chọn để thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét: Xử lý dứt điểm vấn đề salbutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi; rượu, bia, nước giải khát giả, kém chất lượng; thực phẩm chức năng.

Chúng ta vẫn nói chỉ có một số thực phẩm là không an toàn nhưng người dân bình thường không thể nhận biết thực phẩm an toàn, hay không an toàn vì vậy các địa phương phải có phòng xét nghiệm, máy xét nghiệm cố định hoặc di động để người tiêu dùng nhận biết, kết hợp phát triển mô hình chuỗi thực phẩm sạch phân phối đến người dân.

* Phát biểu thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chủ tịch Hà Nội, việc bảo đảm VSATTP nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua Thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…

Chủ tịch Hà Nội đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về VSATTP mới được kinh doanh; đầu tư cho trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn; đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý ATTP; xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm sạch.

* Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan.

Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.

Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay.

Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TPHCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP.

Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ.

“Chúng ta nên giao cho lực lượng Cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, ông Thăng đề xuất.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các chợ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn quy mô lớn, tăng cường phối hợp giữa các địa phương.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh tăng cường quản lý VSATTP nhưng các bộ ngành, địa phương không được quy định thêm "giấy phép con".

* Đại diện thành phố Đà Nẵng bày tỏ thống nhất cao với nội dung, giải pháp nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ.

Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ. Đà Nẵng quan tâm đến 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, địa phương chủ trương thành lập Tổ công tác liên ngành (khoảng 10 người) trực thuộc Văn phòng Ủy ban có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND Thành phố quản lý ATTP; thứ hai cần bố trí ngân sách để đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan chuyên môn quản lý ATTP, chi cho hoạt động thường xuyên; thứ ba, cần rà soát thật kỹ những chế tài liên quan đến từng lĩnh vực, nếu chế tài chưa thỏa đáng cần ban hành những chế tài thực sự thích đáng…

* Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm VSATTP, trong đó xác định một số việc cụ thể trong từng năm để xử lý triệt để.

Ở cấp Trung ương cần kiện toàn lại Ban chỉ đạo về VSATTP, quản lý chặt việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt; thực phẩm nhập khẩu... và phải xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm.

* Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP. Sản phẩm do nhà máy sản xuất hay bày bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào luật quy định rất rõ.

Tuy nhiên, nhiều đồng chí vẫn chưa nắm rõ nên ở một số địa phương tổ chức bộ máy và chỉ đạo thực hiện chưa theo đúng luật.

Sau hội nghị chúng ta cần tổ chức quán triệt, phân công, quy trách nhiệm theo đúng luật đồng thời cần tăng cường năng lực bộ máy, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

Về xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chủ trương, cách làm đã có nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện.

Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với DN phân phối.

Trong thanh kiểm tra ATTP, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

* Đại diện các địa phương Hà Nam, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Lâm Đồng góp ý các nội dung nhằm tăng cường quản lý VSATTP như: Công khai thông tin các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm ATTP; xây dựng các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hình thành các vùng sản xuất thực phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sạch; quản lý ngăn chặn việc sử dụng chất cấm; đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thực phẩm; tăng chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ATTP; rà soát, bổ dung danh mục chất cấm; thống nhất để lại 100% kinh phí xử phạt cho địa phương; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nghèo; xử lý điểm những vụ vi phạm nghiêm trọng, bảo đảm tính răn đe; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong vận động giám sát sản xuất kinh doanh thực phẩm;...

Qua đợt cao điểm ATTP (10/2015 – 2/2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể:

- Dư lượng thuốc BVTV trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu 2015 là 10,3%)

- Thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%);

Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỉ lệ cao hơn như thủy sản: vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%).

Trong năm 2015, 20.641 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, chiếm 22,6% (năm 2014 là 21,3%). Trong quý I/2016, kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8% (quý I/2015 là 20,4%).

Đối với nước uống đóng chai: Năm 2014, kiểm tra 5.645 cơ sở (chiếm 38,0%), đã phát hiện 1.191 cơ sở vi phạm (21,1%); kiểm nghiệm mẫu nước uống đóng chai 87/1.062 (8,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật, 20/386 (5,2%) số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu lý, hóa.

Đối với sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa: Năm 2014, kiểm tra tại 990 cơ sở phát hiện 230 cơ sở vi phạm.

Đối với bếp ăn tập thể: Năm 2014, kiểm tra 119.024 cơ sở (chiếm 72,1% trên tổng số cơ sở có trên địa bàn toàn quốc), đã phát hiện 29.327 cơ sở vi phạm (24,6%); đã đình chỉ hoạt động 56 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm của 620 cơ sở với 562 loại sản phẩm; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý 13 trường hợp.

Đối với phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm: Năm 2014 kiểm tra 12.340 cơ sở, phát hiện 3.055 cơ sở vi phạm.

Đối với thực phẩm chức năng: Năm 2014, kiểm tra 4.514 cơ sở được phát hiện 1.974 cơ sở vi phạm (chiếm 43,7%).

Bình luận (0)

Lên đầu trang