Tham dự có các đồng chí: Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cùng lãnh đạo các Sở, ngành hai địa phương,…
Hợp tác hiệu quả nhiều lĩnh vực…
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và Lâm Đồng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương…
Qua báo cáo của hai địa phương, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chúng nhận đầu tư cho 65 dự án của các nhà đầu tư TP.HCM, với tổng vốn đăng ký hơn 7.630 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5.800ha; đưa tổng số dự án của TP.HCM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn hiệu lực lên 159 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 24.360 tỷ đồng.
Đáng chú ý về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận cho 29 dự án cho các nhà đầu tư TP.HCM, đưa tổng số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp lên 61 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.520 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất hơn 10.200ha.
Các dự án đầu tư đã góp phần tạo việc làm và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến cho nông dân địa phương. Một số mô hình có triển vọng như chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, trồng rừng kinh tế,.. đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị
Báo cáo của hai địa phương đều nhận định việc hợp tác trong nông nghiệp đã góp phần ổn định và mở rộng được thị trường, nâng cao sản lượng, tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, nông lâm sản của tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, TP.HCM đã tiêu thụ khoảng 60% sản lượng rau và 30% sản lượng hoa của Lâm Đồng.
Trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại, có 14 dự án của doanh nghiệp TPHCM đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2015, đưa tổng dự án còn hiệu lực lên 50 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng. Điển hình nhiều dự án khu du lịch như: rừng Madagui, Đồi Mộng Mơ, Thung Lũng Tình Yêu, Trúc Lâm Viên, Làng Cù Lần, Sao Đà Lạt,…
Trong thương mại, Sở Công thương hai địa phương đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011-2015 qua đó tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về thương mại, điều phối hàng hóa, ổn định thị trường.
Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010 - 2015 giữa TPHCM và tỉnh Lâm Đồng
Đặc biệt, Saigon Co.op đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Siêu thị Co.opmart Bảo Lộc; đồng thời tạo điều kiện đưa các sản phẩm nông sản như rau, hoa, chè,… của Lâm Đồng vào các hệ thống phân phối tại TP.HCM.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, TP.HCM và Lâm Đồng cũng hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ, y tế, giao thông vận tải, đầu tư hạ tầng, công nghiệp – thủy điện,…
Phát huy tiềm năng, thế mạnh để hợp tác
Nêu ý kiến tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mỗi năm địa phương này sản xuất khoảng 81.000 tấn rau an toàn với tổng diện tích 1.600 ha được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Tổng diện tích cải bắp sản xuất tại Lâm Đồng là 6.000 ha.
Vì vậy, hai địa phương cần tăng cường trao đổi thông tin nhằm cân đối nguồn cung, tránh hiện tượng sản xuất tràn lan làm cung vượt cầu khiến nông sản rớt giá, gây thiệt hại cho nông dân.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cũng đề xuất những hàng hoá, sản phẩm nào sản xuất ở Lâm Đồng nếu có khả năng sơ chế được thì cần tổ chức sơ chế tại Lâm Đồng trước khi đưa về TP.HCM tiêu thụ để giảm chi phí vận chuyển, đồng thời tránh tình trạng đưa rau về TP.HCM phân loại, làm phát sinh nhiều rác tại TP.HCM.
Đồng thời lãnh đạo Sở này cũng mong muốn trong thời gian tới TP.HCM hỗ trợ đào tạo nguồn nhận lực nông nghiệp công nghệ cao, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ quản bá về thương hiệu sản phẩm.
Đại diện Saigon Co.op bày tỏ mong muốn tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ mặt bằng để Saigon Co.op triển khai những điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đồng thời đề nghị tỉnh Lâm Đồng đầu tư mạnh mẽ những sản phẩm sạch và hữu cơ. Saigon Co.op cũng kiến nghị tỉnh Lâm Đồng xây dựng một trung tâm thu mua sản phẩm nông nghiệp để định hướng người nông dân trong sản xuất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Về thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khẳng định ngoài thu hút nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh còn quan tâm phát triển các cây thuốc làm dược liệu và mong muốn ngành y tế cũng như doanh nghiệp TP.HCM quan tâm đến lĩnh vực này.
Hướng đến giai đoạn hợp tác mới, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến mong muốn được đón chào làm đầu tư mới từ doanh nghiệp TPHCM và trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đề nghị TP.HCM cùng Lâm Đồng thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu quảng bá nông sản; xây dựng trung tâm giao dịch hoa, chợ đầu mối nông sản tại Lâm Đồng.
Cạnh đó, Lâm Đồng cũng mong muốn hợp tác với TP.HCM về dịch vụ - du lịch chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiêm năng thế mạnh về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, kiến trúc văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng mong muốn TP.HCM hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đà Lạt là trung tâm giáo dục chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đa ngành tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Nhấn mạnh về hợp tác giữa TP.HCM và Lâm Đồng trong thời gian tới, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đồng tình với nhận định hai địa phương nêu ra là kết quả hợp tác trong giai đoạn vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng của hai địa phương; đồng thời đề nghị hai bên cần xác định cụ thể, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương; cần tập trung vào làm những công việc cụ thể để tăng cường hợp tác cùng phát triển.
Bí thư Đinh La Thăng đánh giá nhiều ý tưởng, đề xuất tại hội nghị rất hay như xây chợ đầu mối trên Lâm Đồng, phân loại, đóng gói rồi đưa về TP.HCM. Theo Bí thư Đinh La Thăng, muốn phát huy được thế mạnh cũng như kết nối hiệu quả giữa hai địa phương, thì hạ tầng giao thông phải được cải thiện.
Hiện nay, sân bay Liên Khương mỗi ngày đón vài chuyến bay đến TP.HCM là không đáp ứng được yêu cầu. Làm sao buổi sáng thu hoạch rau, phân loại ở Đà Lạt, buổi trưa TPHCM đã có rau thì mới hiệu quả. Đồng thời, muốn du lịch phát triển, ngoài kết nối đường hàng không, cần phải sớm hoàn thành tuyến đường Quốc lộ 20, triển khai thực hiện đường cao tốc Liên Khương - Dầu Giây, trước mắt là làm đoạn Dầu Giây - Tân Phú.
Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị Chủ tịch hai địa phương quan tâm đến hợp tác kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các lĩnh vực du lịch; hợp tác cung ứng nông sản cho các chợ đầu mối, siêu thị tại TP.HCM và phát triển hệ thống thương mại, siêu thị tại Lâm Đồng; triển khai xây dựng khu công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng bệnh viện vệ tinh, chuyên khoa ung bướu, nhi,…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cũng đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng.