Việt - Trung kết thúc đàm phán về sông Bắc Luân

Thứ Ba, 11/08/2015 22:42  | Huy Bân

|

(CAO) Ngày 11-8, Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán về hiệp định tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông biên giới Bắc Luân giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương.

Hai bên đã ký xác nhận Dự thảo Hiệp định tàu thuyền và Dự thảo bản Quy tắc đi lại đính kèm Hiệp định. Đồng thời, nhất trí sẽ nhanh chóng hoàn thành công tác thẩm định theo nội luật của mỗi nước và sớm tổ chức Vòng đàm phán thứ 7 để chuẩn bị ký kết Hiệp định này. Trong ngày 11-8, Vòng đàm phán thứ 6 về Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông biên giới Bắc Luân giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh.

Trưởng đoàn Việt Nam là Chủ tịch Phân ban phía Việt Nam trong Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Trưởng đoàn Trung Quốc là Chủ tịch Phân ban phía Trung Quốc thuộc Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Trung Quốc – Việt Nam.

Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Việc hai bên đã kết thúc đàm phán và sớm ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân, cũng như Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc trong năm nay, sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, hợp tác hữu nghị giữa chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới hai nước; khẳng định quyết tâm chung của hai nước xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.

Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nhanh chóng hoàn thành công tác thẩm định theo luật của mỗi nước và sớm tổ chức vòng đàm phán tiếp theo để chuẩn bị ký kết hiệp định này. Kết thúc vòng họp, hai bên đã ký Biên bản ghi nhận thành quả đàm phán.

Tại biên giới Việt - Trung, khu vực cửa sông Bắc Luân kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ, có độ dài khoảng 14 km. Vào ngày đàm phán cuối cùng giữa Việt Nam và Trung Quốc cuối 2008, hai bên thống nhất giải quyết khu vực cửa sông Bắc Luân bằng giải pháp chính trị.
Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm, 3/4 bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam, 1/4 bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót, 1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc, rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang