Xem xét cho TPHCM thí điểm hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hoá

Thứ Bảy, 17/12/2022 20:09

|

(CAO) Hiện TPHCM đang có danh mục 53 dự án lớn, quan trọng về văn hoá, với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ thôi, còn lại phải dựa vào PPP.

Tham luận tại Hội thảo Văn hoá năm 2022 hôm nay, 17/12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã đề xuất Quốc hội cho phép TP được áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hoá và thể theo theo Luật hợp tác công - tư (PPP).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo

Đây cũng là vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong các tham luận khác, bởi trong Luật PPP chưa có quy định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa.

Nêu quan điểm về việc này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ cũng thấy đây là một quy định phù hợp và đang nghiên cứu phối hợp với các bộ, ngành và sẽ báo cáo Quốc hội. Trước mắt, theo ông Đông, có thể thí điểm với TPHCM trước để có cơ sở sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới.

Theo ông Đông, khi ban hành Luật PPP không đưa lĩnh vực văn hóa vào vì qua rà soát ở thời điểm năm 2019 cho thấy không có dự án nào trong lĩnh vực văn hóa đang theo phương thức PPP, chỉ có một dự án hoạt động theo hình thức BT (tức là đổi đất lấy công trình hạ tầng).

"Chúng tôi đã rà soát và nhận thấy các nhà đầu tư khi đầu tư vào một dự án PPP thì phải thu hồi được lợi nhuận họ mới bỏ vốn ra, thì các công trình văn hóa cũng phải rà soát để đảm bảo là có thu hồi được nguồn vốn. Thêm nữa, lĩnh vực đầu tư văn hóa, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, phải đảm bảo đây là việc đầu tư có điều kiện, tức là phải đảm bảo tính thuần phong, mỹ tục cũng như không xung đột với giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam" - ông Đông lý giải.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Tuy nhiên, do thực tiễn thay đổi liên tục, nên ông Đông cho biết, sẽ nghiên cứu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể triển khai thí điểm mô hình đối tác PPP trong lĩnh vực văn hóa.

Đề cập đến việc này trong phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều đề xuất cần sửa đổi hệ thống pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong khi chưa sửa Luật PPP thì Quốc hội và Chính phủ tích cực chuẩn bị cho TPHCM được thực hiện thí điểm phương thức này trong các dự án về văn hoá.

“Hiện TPHCM đang có danh mục 53 dự án lớn, quan trọng về văn hoá, với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ đồng thôi, còn lại phải dựa vào PPP” – Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Khi chưa sửa được luật, theo ông Huệ, trong hai tuần tới đây, Đảng đoàn Quốc hội sẽ làm việc với TPHCM, cùng Chính phủ bàn để sớm cho TPHCM thí điểm một số chính sách, trong đó có hợp tác PPP lĩnh vực văn hoá.

Vẫn liên quan đến nguồn lực cho phát triển văn hoá thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cần tăng đầu tư trong cả khung dự toán và nguồn lực khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội thảo

Khái quát lại, Chủ tịch Quốc hội nói, Hội thảo đã thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Đầu tiên là chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện, là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên…

Các chính sách tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội đề cập là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc…

Cùng với đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị 7 việc cần làm ngay, trong đó có việc xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa tập trung vào 9 nhóm chính sách thể chế nói trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang